Thời gian gần đây, trên địa bàn TP.HCM bắt đầu có tình trạng các bà bán rau, trái cây, thợ sửa xe, người bán vé số và những người bán hàng rong đều từ chối nhận tiền xu. Những đồng xu có mệnh giá thấp từ 200 đồng đến 500 đồng thì hầu như không được tiêu thụ thậm chí cả ở siêu thị và ngân hàng.
Những đồng tiền xu có mệnh giá thấp như 200 đồng, 500 đồng hầu như không được lưu thông ở các chợ bởi vì mệnh giá này hầu như không thể mua được món hàng gì. Tuy nhiên, thời gian gần đây, những đồng xu có mệnh giá cao hơn như 1000đ, 2000đ, 5000đ người dân cũng khó tiêu hoặc không thể tiêu được vì bị người bán hàng từ chối nhận. Thậm chí, nhiều người thà lấy thiếu 1-2 ngàn đồng chứ không chịu lấy tiền xu.
Chị Kim Thoa (Q12, TP.HCM) bức xúc cho biết: "Hôm Chủ nhật tuần rồi, chị hàng xóm qua nhà chơi, lúc đó có người bán vé số đi qua, chị hàng xóm mua 2 tờ vé số mà trong túi có 9 ngàn chị định chạy về lấy thì tôi bảo em có một ngàn tiền xu để em vào lấy cho. Tôi rất bất ngờ, người bán vé số buông một câu, thôi 9 ngàn cũng được chứ lấy đồng xu một ngàn làm cái gì!".
Tiền xu khó tiêu thụ trên thị trường vì người dân từ chối
"Bây giờ nhiều người chê tiền quá! Tiền nào chả là tiền mà còn kén cá chọn canh. Hôm trước, tôi sang nhà bên cạnh mua bánh mì, đến lúc đưa đồng xu 5 ngàn mà người ta còn không nhận. Đồng xu 5 ngàn to, đẹp chứ có phải những đồng xu 200 hay 500 đâu mà họ còn từ chối", chị Hạnh Bút (Lê Văn Sĩ, Q3, TP.HCM) chia sẻ.
Chị Thu Thảo (Q2, TP.HCM) cho biết, nhà chị có hai con nhỏ, để tạo tính tiết kiệm cho con nên chị mua cho 2 bé 2 con heo đất để bé có thể bỏ tiết kiệm những đồng tiền xu và những đồng tiền mệnh giá thấp. Nhưng đến khi đập heo ra được hơn 400 ngàn đồng chị đi chợ miệt mài cũng chưa hết. Bởi theo chị, khi mang ra chợ thì nhiều người không chịu nhận tiền xu. Lý do đơn giản họ đưa ra là dễ mất hoặc nhận tiền xu rồi thối lại, không khách hàng nào chịu nhận.
Theo một số chuyên gia, thì người dân không thích dùng tiền xu vì khó cất giữ trong túi vì loại tiền này rất dễ rơi không nhẹ nhàng như tiền giấy. Hơn nữa, thời gian qua, lạm phát cao, những đồng tiền có mệnh giá nhỏ như 200đ, 500đ mua hành, rau thơm cũng khó khiến người dân không mặn mà.
Một nguyên nhân nữa là tiền xu ra đời nhưng hệ thống bán lẻ tự động không phát huy được hiệu quả. Ở nước ngoài, người dân dùng tiền xu để đi xe buýt, tàu điện ngầm, gọi điện thoại, mua nước giải khát, bia... rất dễ dàng. Thậm chí, người nước ngoài khi ra đường họ còn chuẩn bị tiền xu để sử dụng những dịch vụ tiện ích ấy.
Ở Việt Nam người dân muốn kiếm một cái máy bán hàng tự động không phải dễ, hơn nữa đồng tiền xu mệnh giá rất nhỏ, bỏ bao nhiêu đồng xu mệnh giá 500đ và 1000đ mới mua được 1 lon nước ngọt.
"Mỗi khi đi siêu thị, họ thối lại tiền xu thì tôi bỏ thùng từ thiện hoặc đem về cho mấy đứa nhỏ bỏ ống heo chứ chẳng muốn giữ vì để đâu cũng bất tiện. Nhiều khi đi ra chợ mua hàng đưa tiền xu họ cũng chả muốn lấy. Máy bán hàng tự động thì rất ít chỉ ở các khu vui chơi lớn mới có, không lẽ có tiền xu cứ để dành đợi khi đó mới mang đi tiêu. Tiện ích đâu chưa thấy, nếu để không cẩn thận rất dễ rơi mất", chị Vân chia sẻ.
"Tiền xu à, nếu có đem cất đi làm kỷ niệm, chứ giờ mang ra chợ cũng không ai tiêu, tiền thì vừa xấu vừa mệnh giá nhỏ mua bán kiểu gì. Không biết trong miền Nam thế nào chứ ngoài Bắc mấy năm nay không thấy ở đâu có cả, ở siêu thị cũng không có", chị Minh Huệ (thị xã Thái Bình) chia sẻ.