Cặp giám đốc song sinh của Boo-Bò sữa: Dăm lần bị hất cẳng vì tăng trưởng... 400%/năm (P1)

Thứ hai, 09/07/2012, 07:10
Họ là hai anh em sinh đôi mê trượt ván, bắt tay kinh doanh hoàn toàn tình cờ nhưng lại thành công lớn khi tạo dựng một chuỗi nhiều cửa hàng phục vụ giới trẻ Việt với tham vọng trở thành thương hiệu quốc tế.
Những năm gần đây, Boo-Bò sữa đã dần trở thành hình ảnh nhận diện dành cho giới trẻ Hà Thành. Hành trình 10 năm lăn lộn của hai anh em sinh đôi đi lên từ cửa hàng nhỏ xíu cạnh trường Hà Nội – Amsterdam, đến nay đã trở thành những giám đốc sở hữu chuỗi 8 cửa hàng, 1 nhà kho, 1 xưởng in, nhân sự lên đến gần 200 người với doanh số năm lên đến vài chục tỷ đồng.
 


Cửa hàng Bò Sữa của hai anh em
 
Chơi là chính, bán hàng cho vui
 
Hai anh em Đỗ Việt Anh và Đỗ Việt Hùng khởi nghiệp kinh doanh khi mới chân ướt chân ráo về quê hương từ Cộng hòa Séc. Theo gia đình sang nước ngoài từ nhỏ, cả hai học xong trung học ở Séc rồi cũng về Việt Nam.
 
Hành trang mang về Việt Nam là đam mê trượt ván đường phố. Trào lưu graffiti phát triển lớn mạnh trên khắp thế giới nhưng cả hai nhanh chóng nhận ra mình chẳng thể mua được món đồ nào ở ngay giữa lòng thủ đô. Ý định bán đồ cho dân trượt ván ra đời, trước mắt là phục vụ cho chính nhu cầu của nhóm trượt ván mà cả hai tham gia ở Hà Nội.
 
Với số vốn nhận được từ mẹ, hai anh em Việt Anh – Việt Hùng tìm đường sang Thái Lan mua ván trượt cùng với quần áo và phụ kiện thời trang đường phố. Xu hướng mới và thịnh hành của trang phục này nhanh chóng được giới trẻ Hà Thành đón nhận.
 
Song song với hàng nhập từ Thái Lan, cả hai nhập thêm hàng Việt Nam xuất khẩu. Khi đó, cả hai đều đã biết đến chất lượng của những mặt hàng gắn mác “Made in Vietnam” với giá lên tới tiền triệu ở trời Tây, trong khi ở Việt Nam, giá chỉ cỡ trăm ngàn mà chẳng mấy người biết tới.
 
Chưa đầy hai năm sau khi bán hàng Thái Lan, nhận thấy các mẫu mã hàng Thái không có nhiều cải tiến, cả hai tìm đến hàng Trung Quốc. “Mọi người thường nghĩ rằng hàng hóa của Thái Lan tốt hơn của Trung Quốc. Nhưng khi đã quen tiếp xúc với hàng nhập khẩu và biết đến những sản phẩm chất lượng cao của Trung Quốc thì đó quả thực là một chân trời rộng lớn gấp nhiều lần”.
 
Theo Đỗ Việt Anh, hàng Trung Quốc có một đặc điểm vượt trội so với hàng Thái Lan đó là tính thời trang, cập nhật nhanh và đa dạng với thị hiếu người sử dụng (mặc dù cùng là hàng nhái). Việc nhập hàng Trung Quốc thông qua các đầu mối ở Quảng Châu đã thay thế dần các sản phẩm từ Thái Lan trong các cửa hàng tên Boo của họ.
 
Ban đầu, với cả hai thì việc bán hàng chơi là chính, bán là phụ. Bán hàng chạy, doanh số tốt và đã tích cóp được chút kinh nghiệm, cả hai đã xác định rõ hướng đi và nghĩ đến chuyện kinh doanh nghiêm túc thực sự.

Ván trượt và phụ kiện - những mặt hàng xuất hiện từ ngày đầu khởi nghiệp của hai anh em Việt Anh - Việt Hùng
 
Lên như diều nên dăm lần bị... "hất cẳng"
 
Những ngày đầu tìm địa điểm kinh doanh, nhờ một người bạn giới thiệu, Việt Anh - Việt Hùng thuê được một cửa hàng nhỏ ở ngay gần trường Hà Nội-Amsterdam. Có thể coi đây là may mắn đầu tiên trong kinh doanh.
 
“Khi mới mở cửa hàng gần trường Ams, chúng tôi được chào đón và nhanh chóng nổi tiếng nhờ truyền miệng trong giới học trò. Trường Ams sầm uất với nhiều cửa hàng ăn, đồ lưu niệm, shop quần áo và trở thành một địa chỉ tập trung của giới học sinh Hà Nội. Học trò trường Ams cũng nổi tiếng nhanh nhạy nắm bắt các trào lưu mới thịnh hành. Cửa hàng đầu tiên đó chính là bàn đạp trong nền tảng kinh doanh của Boo-Bò sữa ngày nay.”– Giám đốc Đỗ Việt Anh nói.
 
Khi việc kinh doanh mở màn quá thuận lợi và dễ dàng, cả hai bắt đầu gặp sóng gió đầu tiên liên quan đến… chính sự quá thuận lợi đó (!). Người chủ nhà khi thấy cửa hàng kinh doanh đông khách đã tìm cách cắt hợp đồng thuê để lấy lại mặt bằng cho người nhà bán quần áo. May thay khi đó cả hai xoay sở thuê được cửa hàng ngay đối diện, thậm chí còn rộng hơn, nên không bị mất khách.
 
Sóng gió đầu tiên khiến hai chàng trai trẻ mới chập chững kinh doanh nhận ra sự bấp bênh về địa điểm kinh doanh. Lúc này, Việt Anh quyết định tạo thêm nhiều cửa hàng khác cứu cánh khi gặp bất trắc tương tự.
 
Năm 2004, khi tháp Vincom chuẩn bị hoàn thành, cửa hàng Boo 2 ra đời nhờ thuê được mặt bằng ở 38 Lê Đại Hành (ngã ba Lê Đại Hành – Thái Phiên), ngay sát cạnh Trung tâm thương mại sầm uất bậc nhất thành phố sau này. Đây được xem là bước đi thuận lợi tiếp theo sau cửa hàng Boo ở trường Ams. Cửa hàng thứ hai tiếp tục phất nhanh như diều gặp gió, có lãi ngay từ tháng đầu tiên.
 

 
Cửa hàng Boo-Bò sữa ở 38 Lê Đại Hành
 
Năm 2005, Việt Anh – Việt Hùng mở cửa hàng Boo thứ 3 ở 40 Hàng Bông, và nhanh chóng trở thành cửa hàng lớn nhất mang về doanh thu mạnh nhất. Tăng trưởng doanh số những năm này của chuỗi BooSkate Shop lên đến 400%/năm.

Chính điều đó lại khiến cửa hàng rơi vào số phận của cửa hàng Boo đầu tiên: Chủ nhà cho thuê lại tìm cách “hất cẳng” vì kinh doanh quá tốt. Một lần nữa cả hai lo tìm cửa hàng thay thế, lần này địa điểm mới là 84 Hàng Điếu.
 
Năm 2008, Việt Anh thử nghiệm đặt may ở một xưởng quen rồi đem in một vài mẫu đẹp lên áo có in thêm logo của Boo và đem bán thử nghiệm cho khách hàng cùng những mẫu mã có sẵn khác. Sản phẩm bán chạy nhờ mẫu đẹp và chất lượng tốt, tín hiệu khả quan đầu tiên cho chiến lược quan trọng nhất: "Con Bò tự sản xuất Sữa".
 
Tháng 7 năm 2009, khi đã có nơi sản xuất, biết rõ chất lượng sản phẩm, và có kinh nghiệm kinh doanh, hai ông chủ quyết định thành lập Công ty TNHH BOO, mở cửa hàng Bò Sữa đầu tiên (tầng 1) kiêm văn phòng (tầng 2) ở Đội Cấn. Nhưng số phận của cửa hàng này thêm một lần đứt gánh giữa đường vì... chủ đòi tăng giá thuê ở mức "trên trời".
 
May mắn thuận lợi nhiều, va vấp cũng không ít, nhưng chính những thăng trầm trên thương trường giúp Việt Anh - Việt Hùng trưởng thành hơn, từng bước tạo được nền tảng cho câu chuyện tiếp theo với Thương hiệu Bò Sữa.

 
Theo TTVN

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích