HNX30 - “cái bóng” của VN30?

Thứ hai, 09/07/2012, 14:43
So với VN30, sự xuất hiện của HNX30 không tạo được sự chú ý từ giới đầu tư. Việc NĐT thiếu hào hứng với HNX30 đã phần nào cho thấy rổ chỉ số này cũng chỉ là “cái bóng” của VN30 cả về hình thức lẫn chất lượng.
 
Không nhiều khác biệt

Theo kế koạch, từ hôm nay 9-7, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ chính thức vận hành chỉ số HNX30. Đây là chỉ số mới, bổ sung vào hệ thống chỉ số chỉ báo và đầu tư hiện có, là tiền đề để phát triển các sản phẩm giao dịch trên chỉ số.

HNX30 là chỉ số giá của 30 CP được lựa chọn dựa vào tính thanh khoản và lấy ngày 3-1-2012 là ngày cơ sở với điểm cơ sở là 100. Theo HNX, HNX30 áp dụng phương pháp tính giá trị vốn hóa thị trường, có điều chỉnh tỷ lệ tự do chuyển nhượng (free float).

 
Không mặn mà với HNX30 bởi chất lượng không cao.

Phần CP hạn chế chuyển nhượng theo quy định của pháp luật và theo cam kết tự nguyện, phần nắm giữ của Nhà nước với tư cách cổ đông lớn; CP liên quan đến thương hiệu, CP nắm giữ bởi cổ đông nội bộ và người có liên quan đều không được xem là CP tự do chuyển nhượng và không được tính vào khối lượng tham gia tính chỉ số.

HNX30 sử dụng kỹ thuật giới hạn tỷ trọng vốn hóa 15% để xác định tỷ lệ vốn hóa tối đa (tỷ lệ lớn nhất mà giá trị thị trường của 1 CP được tính trong tổng thể giá trị thị trường của chỉ số) phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc áp dụng này nhằm giảm ảnh hưởng những CP có tỷ trọng lớn đối với chỉ số.

Các CP được lựa chọn dựa trên các tiêu chí thanh khoản, giá trị vốn hóa, mức độ tập trung của các nhóm ngành (số lượng CK trong mỗi nhóm ngành không vượt quá 20% số CK trong rổ). Tương tự VN30, rổ chỉ số HNX30 được xem xét định kỳ 6 tháng/lần.

25 trong số 30 CP thành phần có giá trị thị trường điều chỉnh theo tỷ lệ tự do chuyển nhượng lớn nhất được ưu tiên lựa chọn duy trì trong rổ. 5 CP còn lại có thể được thay thế dựa trên các tiêu chí xem xét duy trì trong bộ nguyên tắc xây dựng và quản lý chỉ số HNX 30.

Chất lượng không cao

Vấn đề giới đầu tư băn khoăn lúc này là mục đích của HNX30 và liệu chỉ số này có khắc phục được sự méo mó của HNX Index hay chỉ là “cái bóng” của VN30? So với VN30, sự khác biệt của HNX30 là vấn đề công bố thông tin.

Hàng ngày HNX sẽ công bố biến động của chỉ số trên cơ sở thời gian thực (real time), tỷ lệ CP tự do chuyển nhượng của các CP thành phần, tỷ trọng vốn hóa của từng CP thành phần, giá trị thị trường tham gia tính chỉ số có điều chỉnh theo tỷ lệ tự do chuyển nhượng.

Các thay đổi khi điều chỉnh định kỳ (thay đổi về cấu phần chỉ số, tỷ lệ tự do chuyển nhượng, khối lượng lưu hành tham gia tính chỉ số) sẽ được công bố tối thiểu 7 ngày làm việc trước ngày hiệu lực.

Khi có sự kiện đặc biệt xảy ra ảnh hưởng đến khối lượng CP tính toán chỉ số, HNX sẽ thực hiện điều chỉnh dữ liệu tính toán và thông báo ít nhất 1 ngày làm việc trước ngày hiệu lực.

Theo giới phân tích, HNX30 không khác mấy so với VN30, tức cũng phục vụ cho các quỹ đầu tư theo chỉ số, còn việc khắc phục sự méo mó của HNX Index không rõ ràng, bởi HNX30 rất hiếm khi bị bóp méo như VN Index. Tuy vậy việc công bố chỉ số này cũng không tạo sự đột biến cho thị trường và kéo NĐT quay lại với TTCK như kỳ vọng của cơ quan quản lý.

Đây là điều dễ hiểu bởi TTCK Việt Nam vẫn chưa có nhiều quỹ đầu tư mở và chất lượng HNX30 hẳn nhiên không bằng VN30. Có thể dẫn chứng qua những mã CP tiêu biểu của HNX. Nếu HNX30 có mã ngân hàng ACB và SHB, thì VN30 có đến 5 mã là VCB, STB, CTG, MBB, EIB.

Chất lượng của HNX30 còn được thể hiện thông qua thông số lợi nhuận của các mã CP nằm trong nhóm này. Theo thống kê, tổng lợi nhuận sau thuế quý I-2012 của 30 doanh nghiệp là 1.451 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ riêng ACB đã chiếm đến 56% lợi nhuận. Có 3 doanh nghiệp bị lỗ trong quý I là VGS, OCH và PVL, 3 doanh nghiệp lãi dưới 200 triệu đồng là SDU, DCS và PFL.

Hiệu quả kinh doanh không cao cũng là nguyên nhân khiến mặt bằng giá của HNX30 kém hẳn so với VN30. Nếu VN30 chỉ có QCG giao dịch dưới mệnh giá, thì HNX30 có đến 13 mã, trong đó 3 mã giao dịch dưới 5.000 đồng/CP là DCS, PFL và IDJ.

Ngay cả thanh khoản cũng là vấn đề nan giải của HNX30. Nếu VND, KLS, SCR có thể khớp lệnh hàng triệu CP mỗi phiên, thì những mã như SDU hay NTP lại nằm trong nhóm CP có thanh khoản kém với vài trăm CP được giao dịch. Trong khi đó, hầu như toàn bộ mã CP trong VN30 đều nằm trong nhóm CP có thanh khoản tốt nhất thị trường hiện nay.
 
Theo SG ĐTTC

Các tin cũ hơn