Thị trường viễn thông nguy cơ "cá lớn nuốt cá bé"

Thứ tư, 11/07/2012, 07:26
Thị phần yếu, bị doanh nghiệp lớn nâng giá thuê kênh, trạm thu phát sóng 2-10 lần..., hãng viễn thông nhỏ kêu cứu vì chịu nhiều sức ép, nguy cơ ngày càng lép vế trên thị trường.


>> Vietnamobile tố VNPT tăng 5 lần giá thuê trạm phát sóng
>> Tham vọng của những “ông lớn” viễn thông và cuộc chơi khắc nghiệt

>> Sáp nhập MobiFone - VinaPhone, chờ quyết định của Thủ tướng
>> Gtel Mobile: “Mua lại 49% cổ phần Beeline là cơ hội tốt”
>> Sáp nhập Mobi - Vina: “Mỏ vàng” ai dễ buông tay


Phải đi thuê kênh, cột, trạm BTS từ các nhà mạng lớn, không ít doanh nghiệp viễn thông phải đương đầu với những tình huống "dở khóc dở cười" khi khó "chăm sóc" hệ thống cáp truyền dẫn của mình. FPT Telecom ở Thanh Oai, Hà Nội mới đây bị kẻ gian cắt trộm hàng trăm mét cáp đường truyền.

Ngày 14/6, cáp gốc loại 100x2 tại gần chợ Cao Viên đứt hết phần lõi. Chỉ một ngày sau, tình trạng tương tự diễn ra 2 lần ở đầu xóm Kênh và cạnh trường Tiểu học Cao Viên với dấu vết lưỡi cưa sắt cắt đứt sợi tín hiệu quang. Riêng trong tháng 6, việc đứt cáp bất thường đã diễn ra hơn 5 lần ở FPT Telecom khu vực Thanh Oai.

Đến chiều ngày 27/6, VCTV cũng bị cắt trộm đường cáp quang tại xã Bích Hòa, Thanh Oai. Ngày 3/7, đơn vị này tiếp tục thông báo, kẻ gian dùng kìm cộng lực, lưỡi cưa sắt cắt đứt tín hiệu quang, phá hoại cơ sở hạ tầng.

 

Việc bị cắt cáp trộm ảnh hưởng lớn đến uy tín và tài chính của doanh nghiệp viễn thông. Ảnh minh họa.
Việc bị cắt cáp trộm ảnh hưởng lớn đến uy tín và tài chính của doanh nghiệp viễn thông. Ảnh minh họa.


Sau khi phát hiện vụ việc, quản lý của các doanh nghiệp một mặt tiến hành khắc phục hậu quả, nối lại đường truyền, tránh làm gián đoạn thông tin của khách hàng bị đứt cáp, mặt khác tìm cách cầu cứu khắp nới. FPT Telecom nhận định đây có thể là hành vi phá hoại mang tính hệ thống trên diện rộng ở địa bàn huyện Thanh Oai của một số cá nhân có hiểu biết kinh nghiệm về hạ tầng viễn thông. Vụ việc được cơ quan công an vào cuộc để điều tra, tìm rõ kẻ gian đã phá hoại số tài sản trên.

Một nguồn tin từ FPT Telecom cho biết, ngoài thiệt hại hàng trăm mét cáp tại địa bàn, số lượng khách hàng rất lớn tại đây cũng bị mất liên lạc trong nhiều ngày qua. Ngoài ra, còn có những chi phí khác để khắc phục hậu quả như vật tư, nhân lực triển khai, nguồn lực dò tìm và xử lý sợ cố. Quyền lợi người tiêu dùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi thông tin bị gián đoạn trong đợt phá hoại hạ tầng của FPT Telecom vừa qua. "Việc cắt trộm cáp như vậy vừa phá hủy tài sản, vừa gây thiệt hại cho doanh nghiệp về uy tín nên tổn thất rất lớn", vị này nói.

Chưa hết lo vì lúc nào cũng trong tình trạng bị cắt cáp bất thình lình, đến ngày 2/7, các doanh nghiệp trên bất ngờ nhận được thông báo của VNPT về việc tháo dỡ, di chuyển cáp treo trên cột viễn thông ở khu vực Thanh Oai, Hà Nội trước ngày 8/7 vì lý do do bảo trì.

Cũng liên quan đến việc bị động về cơ sở hạ tầng, cuối tháng 6 vừa rồi, Vietnamobile đã có đơn "kêu cứu" gửi Bộ Thông tin và Truyền thông vì VNPT tăng giá thuê BTS lên 2-10 lần. Trong đó, đơn vị này nêu rõ, là mạng nhỏ, phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng của các nhà mạng khác nên doanh nghiệp rất bất lợi trong việc đàm phán giá thuê.

Đại diện Hanoi Telecom, cơ quan chủ quản của Vietnamobile cho biết, việc thuê trạm BTS là thực hiện theo chủ trương của Chính phủ về khuyến khích dùng chung cơ sở hạ tầng. Điều này nhằm tận dụng tối đa nguồn lực quốc gia, tránh lãng phí và mất mỹ quan đô thị. Song với mức nâng giá quá mạnh như của doanh nghiệp, Vietnamobile sẽ phải đầu tư thêm hàng tỷ đồng mỗi năm, thậm chí đủ tiền xây mới một trạm mà không cần thuê.

Trước đó, hai tiểu gia di động Gtel Mobile và Vietnamobile cũng tổn thất lớn khi Viettel và VNPT tăng giá thuê kênh lên hơn 200%. Do không có đủ hệ thống truyền dẫn để kết nối cuộc gọi giữa các mạng di động nên họ buộc phải thuê kênh từ những hãng viễn thông lớn, đủ cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, với mức phí đầu tư tăng hàng tỷ đồng mỗi tháng, lãnh đạo của Gtel Mobile cho biết quá sức chịu đựng với doanh nghiệp. Bởi để tiếp tục tồn tại, họ buộc phải thuê kênh, nhưng điều đó sẽ khiến khó khăn chồng chất khó khăn khi lượng thuê bao nhỏ giọt mà thị phần đã rất khiêm tốn so với các "ông lớn".

Các vụ việc nêu trên liên tiếp xảy ra thời gian gần đây, khiến nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thông tin và truyền thông lo ngại tình trạng "cá lớn nuốt cá bé" - doanh nghiệp mạnh bắt tay chèn ép doanh nghiệp nhỏ, có thể dẫn viễn thông quay về thời kỳ độc quyền. Bởi khi bị động về cơ sở hạ tầng, khó bảo dưỡng thiết bị, đường truyền cũng như chịu giá thuê kênh, trạm BTS "trên trời", hãng viễn thông nhỏ ngày càng bị lép vế, giảm sức cạnh tranh, thậm chí khó trụ nổi trên thị trường.

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Lê Nam Thắng cho biết Bộ đã nhận được phản ánh của một số doanh nghiệp về việc giá thuê kênh, trạm BTS tăng giá. Theo ông Thắng, trạm BTS thuộc danh mục cơ sở hạ tầng liên ngành theo chủ trương của Nhà nước nên mức giá do Bộ Tài chính đưa ra, dựa trên giá thành nhằm thúc đẩy việc dùng chung.

Vấn đề bảo trì, bảo dưỡng đường cáp truyền dẫn trên đó phụ thuộc vào thỏa thuận, hợp đồng giữa các doanh nghiệp. Song việc phá hoại cơ sở hạ tầng cần sự can thiệp của cơ quan an ninh.

Còn kênh truyền dẫn tuy không thuộc danh mục cơ sở hạ tầng dùng chung song giá thuê cũng phải dựa trên cơ sở thực tế, doanh nghiệp nào tăng giá bất thường, dẫn đến mất ổn định thị trường, ảnh hưởng đến đơn vị khác sẽ bị xử phạt. Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các đơn vị dừng việc tăng giá thuê kênh chờ kết quả thanh tra của Bộ.

Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng khó có chuyện "cá lớn nuốt cá bé". Bởi nếu đơn vị này tăng giá thuê cơ sở hạ tầng thì doanh nghiệp có thể đi thuê từ công ty khác. Thêm đó, khi xảy ra vấn đề tăng giá bất thường, Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm can thiệp, kiểm tra để đảm bảo ổn định thị trường.

 

Theo Vnexpress

Các tin cũ hơn