Cho rằng do khoản tiền gửi tiết kiệm của dân hiện không phải chịu thuế thu nhập nên trước khoản lãi suất 9%/năm, Hiệp hội cho rằng người dân sẽ chỉ gửi tiết kiệm lấy lãi chứ không chịu... đầu tư sản xuất, kinh doanh hay mua nhà khiến hội viên của họ ế hàng. Do vậy trước cuộc họp bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN BĐS sẽ diễn ra vào tuần tới, Hiệp hội đã đưa ra đề xuất lạ lùng nói trên.
Kiến nghị đánh thuế thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm của HoREA là lợi bất cập hại. |
Đề nghị trên đã ngay lập tức gây sốc, bởi nó là sự thể hiện cụ thể nhất, rõ ràng nhất sự “ra tay” của nhóm lợi ích tác động tới chính sách để kiếm lợi cho mình, bất chấp sự thiệt hại của nhóm khác.
Sốc vì khoản thu nhập từ tiết kiệm của người dân hiện chỉ đủ chia sẻ chi phí sống đang rất khó khăn của dân (với lãi suất 9%/năm thì khoản tiền gửi 500 triệu đồng chỉ mang lại thu nhập 3,75 triệu đồng/tháng, tương đương mức học phí phải đóng cho hai con trong trường công lập).
Hơn thế, để có khoản tiền gửi tiết kiệm nêu trên, người làm công ăn lương đã phải nộp đủ các khoản thuế, trong đó nặng nhất chính là khoản thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Nếu tiếp tục đánh thuế TNCN lên khoản lãi tiết kiệm thì sẽ là thuế chồng thuế!
Trong khi đó, các nhà đầu tư BĐS đã thu lợi nhuận từ nhiều năm nay do tình trạng đầu cơ thổi giá mà nhiều nhà đầu tư trong số đó không cần bỏ vốn. Họ chỉ nhờ mối quan hệ để lấy được dự án, chi phí đầu tư lấy từ tiền ứng trước của khách hàng thông qua hợp đồng góp vốn và tiền chênh lệch. Đến nay khi thị trường bão hòa, gặp tí khó khăn họ lại tìm đủ cách “mặc cả” với Nhà nước và tác động chính sách để có lợi cho mình.
Dĩ nhiên sinh ra một tổ chức xã hội nghề nghiệp thì một trong những trách nhiệm và nhiệm vụ quan trọng của tổ chức là bảo vệ quyền và lợi ích (hợp pháp) của hội viên. Trường hợp lợi ích đó chưa hợp pháp (ví dụ Luật Thuế TNCN loại trừ khoản thu nhập tiền gửi ngân hàng để tạo điều kiện cho ngân hàng huy động vốn, bớt sức ép cho dân) thì tổ chức đó có thể vận dụng các kênh quan hệ của mình để vận động chính sách (hay còn gọi là lobby).
Thế nhưng nếu xem điều lệ của hầu hết các tổ chức kiểu này bao giờ cũng có điều khoản nói rằng sẽ gánh vác trách nhiệm xã hội bằng việc xây dựng và kiểm soát các điều khoản liên quan đến đạo đức nghề nghiệp của hội viên. Một trong những cách kiểm soát ấy chính là đề cao và kiểm soát các hành vi xâm hại lợi ích xã hội trong hoạt động của hội viên.
Vì thế nhiều người dân đang sống bằng khoản lợi tức ít ỏi từ tiền gửi ngân hàng đề nghị cần phê phán và chấm dứt ngay loại đề nghị mang màu sắc “lợi ích nhóm” kể trên.
Theo PLTP