Nhiều ý kiến cho rằng kiến nghị này của HoREA là nhằm hướng dòng tiền vào bất động sản. Ông có ý kiến gì?
Tôi khẳng định không hề có chuyện đó. Trong kiến nghị của chúng tôi không có một lời đề nghị nào yêu cầu đánh thuế tiền gửi tiết kiệm để “cứu” bất động sản. Vẫn còn giấy trắng mực đen, các bạn có thể kiểm chứng. Những ý kiến phản biện trên, có thể là do họ thấy tôi ở cương vị là Chủ tịch HoREA.
Trong kiến nghị, tôi cũng có nêu lên mong muốn trong năm 2013 này, các bộ, ngành khẩn trương thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ, điều chỉnh giảm tiền thuế sử dụng đất, quyết liệt thực hiện Nghị quyết 19/2008 của Quốc hội và Nghị quyết 51/2009 của Chính phủ về việc cho người nước ngoài ở Việt Nam được mua nhà, căn hộ ở Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ giới hạn ở phân khúc hạng sang, cao cấp.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA), ông Lê Hoàng Châu. |
Vậy xuất phát từ nhân tố nào, HoREA lại đưa ra kiến nghị này?
Mục đích chính của kiến nghị này là để chuyển dòng tiền này đi vào sản xuất, kinh doanh, thương mại và dịch vụ, nhất là trong bối cảnh hiện nay để giúp nền kinh tế Việt Nam đang sa sút được phục hồi.
Việc đánh thuế thu nhập trên tiền lãi từ những khoản gửi tiết kiệm trên 500 triệu đồng, theo tôi, là hợp lý. Chúng tôi có những con số tham khảo về số dư tiền gửi tiết kiệm khá chính xác nên mới kiến nghị như vậy.
Trước đây các hình thức gửi tiết kiệm đều không bị đánh thuế để khuyến khích người dân tiết kiệm. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn những người có tiền gửi ngân hàng, những người mua trái phiếu, kỳ phiếu... là những đối tượng có thu nhập khá trở lên, nên cần thiết phải đánh thuế để bổ sung thêm nguồn thu cho ngân sách, khuyến khích đầu tư.
Do vậy, sắp tới các cơ quan quản lý nên sửa chính sách lãi suất tiết kiệm thực dương (cao hơn chỉ số lạm phát) và chính sách không đánh thuế trên thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm, bằng quy định đánh thuế thu nhập những khoản tiền gửi tiết kiệm từ mức 500 triệu đồng trở lên, nhằm hướng dòng tiền trong dân đổ vào đầu tư sản xuất, kinh doanh, thay vì gửi ngân hàng.
Cách đây 5 năm, khi ban hành luật không đánh thuế này trên bất cứ khoản tiền gửi tiết kiệm, dù thu nhập từ khoản này ít hay nhiều, các nhà làm luật đã dựa trên tình hình ở thời điểm đó, nhưng ở thời điểm hiện nay điều này không còn thích hợp nữa. Khi ban hành luật thuế này vào 2008, Quốc hội nghĩ rằng chỉ có những người về hưu, công nhân lao động, những người có những khoản tiền ít ỏi… không biết đầu tư vào đâu thì mới gửi tiết kiệm.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tiết kiệm trở thành kênh đầu tư hấp dẫn cho những người thừa tiền. Hiện có những khoản gửi tiết kiệm lên đến 100 tỷ đồng, với lãi suất 14% vào thời điểm 2012, đó là chưa kể khoản “phần mềm” thoả thuận riêng bên ngoài có thể lên đến 17% thậm chí 18%.
Như vậy, 1 người gửi 100 tỷ họ có đến 17 - 18 tỷ tiền lãi mỗi năm, số tiền này không phải nộp thuế. Điều này thật bất công khi một doanh nghiệp dùng số tiền 100 tỷ này vào kinh doanh, sản xuất để tạo việc làm, tạo thu nhập cho nhiều người lao động. Họ phải lo lắng, tính toán để doanh nghiệp tồn tại và hoạt động có lãi. Nếu kinh doanh có lãi họ lại bị đánh thuế 25% thuế thu nhập doanh nghiệp. Việc làm của các doanh nghiệp này này là nhân văn nhưng lại không được khuyến khích.
Nền kinh tế sẽ như thế nào, xã hội sẽ ra sao nếu như ai ai cũng cho rằng kênh tiết kiệm là kênh đầu tư tốt, chẳng doanh nghiệp nào chịu đầu tư, người lao động không có việc làm, ngân hàng không có đầu ra…?
Như các bạn biết, năm 2012 vừa qua việc kiếm lợi nhuận từ 10% trở lên đối với phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam rất khó khăn. Như vậy có vô lý không khi thay vì dùng tiền vào sản xuất kinh doanh tạo công ăn việc làm cho người lao động, tạo thặng dư cho xã hội, thì họ gửi tiết kiệm, rồi lấy tiền lãi để đi chơi, đánh golf, mua siêu xe…?
Do đó, tôi chỉ muốn Quốc hội điều chỉnh luật thuế tiền gửi tiết kiệm, thay vì không đánh thuế trên tất cả các khoản tiền gửi tiết kiệm thì đánh thuế trên các khoản gửi lớn. Việt Nam là quốc gia hiếm hoi không đánh thuế trên khoản tiền gửi tiết kiệm này. Các quốc gia khác họ đánh thuế cao các khoản này, vì họ không khuyến khích người dân đầu tư qua kênh tiết kiệm.
Ông có nghiên cứu kỹ vấn đề này ở các nước không?
Các nước họ vẫn đánh thuế trên tiền gửi tiết kiệm, chẳng hạn như Mỹ. Ở Mỹ, lãi tiền gửi tiết kiệm chỉ khoảng 1%, trong khi tiền vay đầu tư khoảng 3%. Cái này cho thấy chính sách của mình khác với nước ngoài rất nhiều.
Theo con số mà chúng tôi có, 5 năm trở lại đây, tổng số dư tiền gửi tiết kiệm rất lớn. Chúng tôi ước tính mỗi năm trung bình 2,5 triệu ngàn tỷ đồng gửi tiết kiệm. Nếu tính trung bình với lãi suất 10%/năm thì tiền lãi thu được ước khoảng 250.000 tỷ đồng. Nếu như vậy chúng ta không đánh thuế tiền gửi tiết kiệm là vô lý. Trước đây đã từng có kiến nghị đánh thuế như vậy và dư luận đã phản ứng…
Kênh tiết kiệm trước đây là kênh dành cho những người đang cân nhắc chưa biết đầu tư vào đâu để sinh lãi, nhưng trở thành kênh đầu tư chủ yếu trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay. Một lượng tiền lớn không chảy vào sản xuất, kinh doanh, không tạo ra của cải vật chất, không giải quyết được công ăn việc làm cho xã hội. Nếu để tình hình này tái diễn đất nước sẽ mất nguồn lực. Ngân hàng trả lãi cho các khoản này mà không có đầu ta cũng sẽ không tồn tại được.
Đề xuất của các ông đang làm dấy lên làn sóng phản đối từ dư luận, nhiều ý kiến cho rằng điều này thật phi lý, là tận thu trên sức lao động của dân. Ông nghĩ sao?
Đề xuất của tôi hoàn toàn không ảnh hưởng đến người lao động, công nhân, hưu trí…, bởi kiến nghị chỉ yêu cầu sửa đổi đánh thuế trên tiền lãi của những khoản tiền gửi lớn.
Theo nguồn mà chúng tôi biết, những người về hưu, người lao động, công nhân, viên chức… có số dư tiền gửi tiết kiệm không nhiều. Tính về số lượng thì đối tượng dạng này đông nhưng xét tổng số dư tiền gửi tiết kiệm thì khá thấp. Như vậy, các khoản tiền gửi tiết kiệm lớn hiện nằm trong ngân hàng thuộc đối tượng khác. Theo tôi, với mức tiền gửi 1 tỉ đồng trở lên nhất thiết phải đánh thuế.
Nhiều người lên tiếng chỉ trích kiến nghị của tôi, nhưng hãy suy nghĩ và cân nhắc vì lợi ích chung của xã hội, của đất nước. Người ta lập lờ, mượn danh dư luận để loại trừ kiến nghị đánh thuế tiền gửi tiết kiệm. Người ta cứ nói tiền gửi tiết kiệm là của số đông người hưu trí, người lao động… Theo tôi, nói vậy không đúng.
Số tiền gửi tiết kiệm mà các cụ hưu trí, người lao động… gửi ở mức 500 triệu đồng trở lên rất ít. Việc Nhà nước không đánh thuế những người này là hợp lý, thể hiện tính nhân văn của chính sách. Tuy nhiên, với những người có những khoản tiền tiết kiệm trị giá hàng tỷ đồng mà không đánh thuế là phi lý, bởi vì hệ quả của nó là sẽ lái dòng tiền thay vì đầu tư vào sản xuất thì gửi tiết kiệm, không mang lại quyền lợi gì cho đất nước.
Huy động tài sản, tiền nhàn rỗi trong dân để đưa vào sản xuất kinh doanh là điều tất yếu phải làm để phát triển đất nước. Định hướng này cũng đã được Ngân hàng Nhà nước thực hiện khi quy định thu phí gửi vàng thay vì trả lãi huy động tiết kiệm bằng vàng như trước đây. Kết quả của việc làm này là biên độ vàng trong nước và thế giới bắt đầu được thu hẹp, và từ từ sẽ liên thông với giá vàng thế giới. Hy vọng, lãi suất tiết kiệm của Việt Nam trong tương lai hy vọng cũng sẽ giảm như thế giới.
Trong xã hội cũng có những người không biết làm ăn, những người hoàn toàn không có khả năng kinh doanh thì người ta mới gửi tiết kiệm, nhưng không nên khuyến khích. Mặt khác, không loại trừ khả năng dòng tiền kiều hối chảy về Việt Nam đổ vào tiết kiệm để lấy lãi vì lãi suất của Việt Nam, hiện là 8-9%/năm vẫn khá cao so với nước ngoài. Chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là giữ ổn định biên độ tỷ giá vô hình chung tạo điều kiện thuận lợi cho kênh đầu tư tiền gửi tiết kiệm từ nguồn tiền kiều hối này, vắt kiệt nguồn lực của đất nước.
Ông kỳ vọng gì về kiến nghị này? Ông nghĩ nó sẽ được Quốc hội thông qua?
Tôi không kỳ vọng kiến nghị này sẽ được thông qua ngay. Vấn đề là cần đánh động cho các nhà lãnh đạo, những người hoạch định chính sách phải thấy rằng có nhiều vấn đề vô lý.
Có cái thì tận thu quá đối với dân, đặt quá nhiều loại thuế và phí; nhưng có cái thì thả lỏng quá, có nguồn thu mà lại buông không thu.
Kiến nghị này của tôi cũng được sự đồng tình của nhiều người, trong đó có sự ủng hộ của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, khi Bộ trưởng cho rằng kiến nghị này góp phần tăng tính thanh khoản của nền kinh tế.
Theo VnEconomy