Ngày đầu kinh doanh vàng miếng theo phương thức mới

Thứ sáu, 11/01/2013, 07:02
Căng băng rôn công khai số giấy phép cấp quyền của Ngân hàng nhà nước ngay trước điểm giao dịch, nhân viên thì đon đả chào khách... là những điểm mới tại các đơn vị được kinh doanh vàng miếng sáng ngày 10/1.

Trong ngày đầu tiên hàng nghìn hiệu vàng nhỏ lẻ phải ngưng bán vàng miếng để nhường lại cho gần 2.500 cửa hàng bắt đầu kinh doanh theo phương thức mới.

Theo ghi nhận của PV trong ngày 10/1, hàng loạt đơn vị được cấp phép mua bán vàng miếng, như ngân hàng Techcombank, HDBank, Sacombank, DongA Bank, ACB... và nhiểu doanh nghiệp khác đã rầm rộ treo những băng rôn to lớn ngay trước điểm giao dịch với dòng chữ "Nơi đây được Ngân hàng Nhà nước cấp phép mua bán vàng miếng".

kinh doanh vàng miếng
Ngày đầu kinh doanh vàng miếng theo phương thức mới.

Tại Doanh nghiệp vàng Mi Hồng, gần chợ Bà Chiểu (doanh nghiệp tư nhân được cấp phép) đập ngay trước mắt khách là biển hiệu chữ nổi "Mi Hồng vinh dự được cấp phép mua bán vàng miếng". Bên trong các bảng niêm yết cũng thể hiện rất rõ giá mua bán vàng miếng SJC và được cập nhật liên tục.

Lúc 14h chiều, lượng khách ra vào tại đây khá đông, nơi để xe máy chật cứng. Tuy nhiên, quản lý cho rằng số lượng giao dịch không tăng quá nhiều so với những ngày bình thường. Trong đó, một số đến mua bán vàng miếng, số khác giao dịch nữ trang.

"Mi Hồng nằm trong diện được Ngân hàng Nhà nước cấp phép kinh doanh vàng miếng nên khách đến giao dịch khá yên tâm", quản lý tại Mi Hồng hồ hởi nói.

Các ngân hàng được phép kinh doanh vàng miếng cũng cho biết, để thuận tiện cho người dân biết nơi mua bán vàng miếng, các nhà băng đã trưng ra các băng rôn hoặc biển hiệu lớn ngay trước điểm giao dịch. Tuy nhiên, do mới ngày đầu triển khai nên ghi nhận số giao dịch chưa nhiều.

Một điểm khác biệt là, thay vì giao dịch như mọi ngày, nhân viên nhiều ngân hàng không quên nhắn nhủ khách "Chị có muốn mua bán vàng thì giao dịch tại bên em nhé".

Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC cũng khá nhộn nhịp. Ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng kinh doanh cho biết, trong buổi sáng, lượng khách đến bán vàng khá đông khiến cung nhiều hơn cầu nên giá mua vào rớt khá mạnh, từ mức trên 46 triệu đồng có lúc xuống sát 45,7 triệu đồng. Tuy nhiên, vào buổi chiều, nhiều người mua bắt đáy nên giá điều chỉnh tăng lên 45,9 triệu.

"Xu hướng mua bán của người dân ngày hôm nay rất khó đoán. Tổng lượng giao dịch của SJC khoảng 1.400 lượng, trong đó lượng mua vào của người dân có nhỉnh hơn", ông Tường nói.

Tại phố "vàng" Trần Nhân Tông, Hà Nội sáng 10/1, các cửa hàng cũng có sự phân hóa rõ rệt. Một bên là các cửa hàng được cấp phép, người ra vào tấp nập. Một bên là các cửa hàng nhỏ lẻ không được cấp phép, hầu như không có một bóng khách hàng.

Các doanh nghiệp được cấp phép tỏ ra hào hứng với quyết định mới của Ngân hàng Nhà nước. Nhiều nơi giăng băng rôn, biển hiệu để thông báo với khách hàng.

Tại chi nhánh của Tập đoàn DOJI, băng rôn lớn màu đỏ được công ty treo phía trước, thông báo DOJI là một trong những doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vàng miếng. Tại cửa hàng của các doanh nghiệp lớn khác quanh đó như Phú Quý, PNJ, lượng khách đến giao dịch khá đông trong sáng nay.

Nhiều khách hàng đồng tình với sự thay đổi này. Bác Nguyễn Văn Hùng, một khách hàng đến mua vàng tại Phú Quý cho biết, từ nay thị trường sẽ chỉ còn những điểm bán được Ngân hàng Nhà nước đảm bảo nên khách có thể yên tâm hơn. Ông cũng hy vọng những thay đổi gần đây trên thị trường có thể kéo giá trong nước về gần với thế giới, thay vì chênh 4,5 triệu đồng như hiện nay.

Ngược lại, không khí giao dịch trở nên hiu quạnh tại những điểm bán vàng nhỏ lẻ không được cấp phép kinh doanh vàng miếng. Tại những cửa hàng này, trong tủ kính không còn một miếng vàng nào, chỉ còn vàng trang sức, các loại đá quý.

Đại diện của doanh nghiệp Bảo Minh, một trong 5.500 điểm không được cấp phép mới cho biết cửa hàng từ nay mất một khoản thu và cũng mất một lượng khách hàng thân thiết. Tại đây, những mặt hàng còn lại trong sáng 10/1 chỉ còn trang sức vàng, bạc, nhẫn cưới các loại, sản phẩm đá quý như ngọc, kim cương.

Những cửa hàng vàng nhỏ lẻ khác thì tỏ ra không mấy thiện cảm khi có khách đến hỏi mua vàng miếng. Có cửa hàng tạm đóng cửa trong ngày đầu tiên phải "chia tay" với vàng miếng.

Tương tự, đồng loạt các cửa hiệu vàng nhỏ lẻ không được cấp phép kinh doanh vàng miếng trên địa bàn TP.HCM sáng 10/1 đã không còn niêm yết giá vàng miếng SJC trên bảng hiệu, các kệ hàng cũng không còn miếng vàng nào. Chủ hiệu vàng Kim Thành, gần chợ Bà Chiểu cho biết, từ nay cửa hàng sẽ chỉ tập trung cho nữ trang, còn vàng miếng thì sẽ ngưng kinh doanh theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Theo bà chủ này, vì mãi lực vàng miếng thời gian vừa qua rất thấp nên ngày chính thức ngưng giao dịch không tạo nên những sự xáo trộn lớn cho cửa hàng. "Hôm nay số lượng khách đến mua bán nữ trang vẫn như các ngày bình thường trước, đa phần đều là khách quen", bà chủ nói.

Tại một hiệu vàng khác gần chợ Bến Thành, quận 1, do có một số khách không nắm thông tin nên vẫn đến hỏi mua vàng miếng. Chị Thu, chủ hiệu vàng cho biết, sáng giờ cũng khoảng 3-4 khách đến hỏi mua và bán vàng miếng và được tiệm chỉ đến các đơn vị được phép", chị nói.

Đối với nhiều người, vàng vẫn là kênh giữ tiền được ưa chuộng. Chị Hạnh, một người bán hoa quả rong cạnh các cửa hàng vàng cho biết chị thường xuyên theo dõi sát sao các chính sách về vàng dù không có tiền mua. Dù giá trong nước đang cao hơn quốc tế tới 4,5 đến 4,9 triệu đồng, chị cho biết vẫn thích tiết kiệm bằng vàng. "Nếu có tiền, tôi vẫn sẽ mua vàng và sẽ mua ở những nơi uy tín. Đối với tôi, vàng vẫn là cách tiết kiệm yên tâm nhất", chị cho hay.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cũng cho biết đã có văn bản yêu cầu các điểm giao dịch được phép phải dán công khai giấy phép của Ngân hàng Nhà nước trước quầy giao dịch để người dân dễ dàng nhận biết.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn