Chưa sôi động
Thông tin từ ban quản lý các chợ, hiện nay, sức mua vẫn chưa khá hơn dù thời điểm đến Tết không còn xa mấy. Đại diện Ban quản lý chợ Hòa Hưng (Q.10, TP.HCM), cho biết, sức mua toàn chợ vẫn "dậm chân tại chỗ”. Bán mạnh nhất ở chợ hiện nay chỉ có hàng thực phẩm tươi sống hằng ngày. Các ngành hàng may mặc, giày dép tuy có tiến triển nhưng vẫn không tăng nhiều so với tháng trước.
Bà Nguyễn Thị Hồng, chủ một sạp hàng vải chợ Hòa Hưng cho biết: "Càng lúc, sức mua ở chợ càng giảm. Những năm trước, người ta mua vải may đồ Tết khá nhiều nhưng vài năm trở lại đây, nhu cầu này càng lúc càng giảm mạnh". Cũng theo bà Hồng, hiện nay, sạp của bà chủ yếu bán được loại vải may quần tây, áo dài... các loại vải khác chỉ trưng bày cho phong phú.
Thực phẩm Tết chợ Bến Thành |
Hàng may mặc cũng không khá hơn bao nhiêu. Đón đầu mùa mua sắm, các doanh nghiệp sản xuất xả hàng tồn nên các cửa hàng chuyên "sale of" đang mọc lên khá nhiều. Trên giao lộ Thành Thái, Tô Hiến Thành mới đây có hai cửa hàng thời trang hoành tráng nhưng giăng đầy các bảng "sale of" từ 25 - 80%.
Quần áo được chất đống khắp cửa hàng và giá niêm yết chỉ từ 20.000 đồng - 80.000 đồng. Điều đáng nói, giá bán khá thấp nhưng chỉ lác đác người mua. Một nhân viên bán hàng ở đây cho biết, khách chỉ đến mua sắm vào buổi tối, ban ngày rất vắng. Dù vậy, chủ thuê vẫn đang trông chờ vào những ngày cận Tết.
Cũng trong tình cảnh tương tự, các sạp giày dép chợ Tân Định cũng chưa có nhiều người mua. Một tiểu thương ngành này cho biết, giày dép ở chợ thường là hàng giá rẻ. Tuy nhiên, gần đây, hàng bán ở chợ còn phải cạnh tranh với hàng giảm giá được rao bán đầy các mạng.
Theo tiểu thương này, thực ra, hàng giảm giá trên mạng thường được "kê giá” lên cao rồi hạ giá xuống nên khách hàng tranh nhau cũng chỉ mua được những đôi giày dép với giá bán bình thường. Trong khi đó, do bị tâm lý "hàng chợ" lại không thể làm theo kiểu của các cửa hàng trên nên sạp hàng ở đây vẫn chưa thế kích sức mua.
Hiện nay, sức mua mới chỉ "nhúc nhích" ở ngành hàng bánh mứt, đồ khô... ở các chợ đầu mối lớn. Ban quản lý chợ Bình Tây, cho biết, vì đang thời điểm bỏ mối cho các tỉnh nên các mặt hàng này ở chợ có vẻ sôi động. Tuy nhiên, so với năm rồi, sức mua cũng chưa tăng bao nhiêu.
Điệp khúc tăng giá
Điều đáng nói là tuy sức mua chưa tăng nhưng nhiều loại thực phẩm, bánh kẹo, thực phẩm khô... đã bắt đầu tăng giá. Theo chia sẻ của một tiểu thương ngành hàng bánh kẹo chợ Bình Tây, hiện giá bán các loại mứt đã tăng 2 - 5% so với tháng trước.
"Nhiều lò mứt cho biết, do giá nguyên liệu, giá nhân công tăng nên họ phải tăng giá bán ra. Chúng tôi lấy hàng tăng nên không thể không điều chỉnh giá bán", chị này nói.
Giá bán sỉ tăng nên giá bán lẻ tại các chợ cũng tăng theo. Khảo sát tại chợ Bà Chiểu cuối tuần qua cho thấy, hạt bí loại một có giá 150.000đ/kg, hạt điều 260.000đ/kg, hạt dẻ 280.000đ/kg, hạt hướng dương 70.000đ/kg...
Các loại mứt cũng đã tăng giá từ 10-15% so với năm ngoái. Cụ thể, mứt bí 80.000đ/kg, mứt hạt sen 150.000đ/kg, dừa miếng dẻo 150.000đ/kg, hạt sen sấy 340.000đ/kg, mít sấy 180.000đ/kg.
Không chỉ có bánh mứt, hàng khô, thực phẩm tươi sống thời gian qua cũng tăng giá khá mạnh. Tại các chợ đầu mối Bình Điền (Q.8, TP.HCM), Hóc Môn (huyện Hóc Môn), giá thịt heo, gà đã tăng gần cả chục ngàn đồng một ký.
Lý giải về tình trạng tăng giá trong dịp này, nhiều tiểu thương chợ đầu mối Bình Điền, cho rằng, mấy tháng qua, nguồn cung giảm mạnh do người chăn nuôi đóng cửa chuồng trại vì dịch bệnh và vì thua lỗ bởi giá thức ăn chăn nuôi quá cao. Bên cạnh thịt heo, gà, giá trứng gia cầm cũng tăng mạnh kể từ đầu tháng 12 đến nay.
Hiện giá trứng gà, vịt đang đứng ở mức cao hơn 20 - 25% so với trước. Không chỉ thiếu hụt nguồn cung do nhiều nông dân không tiếp tục chăn nuôi vì lỗ, theo các trại chăn nuôi, thời gian gần đây, việc "hút hàng" ra thị trường phía Bắc đã làm cho nguồn hàng vốn đã thiếu lại càng thiếu hụt hơn.
Do giá cả biến động mạnh nên các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá cũng xin điều chỉnh giá. Trong đó, các Công ty Vĩnh Thành Đạt, Ba Huân, Phạm Tôn, San Hà đều xin tăng giá bán thịt gà, trứng gia cầm và cũng đã được Sở Tài chính TP.HCM cho phép tăng khoảng 13% - 18% một số mặt hàng.
Cụ thể, giá gà thả vườn tăng 18,5%, lên 65.000 đ/kg, gà ta tăng 13%, lên 95.000 đ/kg, vịt tăng 14%, lên 58.000 đ/kg, trứng gà, trứng vịt tăng khoảng 15%... Dù giá bán hàng bình ổn đã được điều chỉnh nhưng hiện tại vẫn còn thấp hơn thị trường 10 - 15%.
Do vậy, thời gian qua đã có tình trạng gom gà ở siêu thị ra ngoài bán. Nhiều doanh nghiệp cho biết, dù đang phải cố gắng để bình ổn giá nhưng thật sự họ đang rất... đuối trước biến động của đầu vào.
Không dừng lại ở đó, nhiều nhận định cho rằng, giá hàng hóa trong dịp Tết sẽ còn tiếp tục tăng vì điện đã được áp giá bán mới từ cuối tháng 12.
Theo Doanhnhan