Dù chỉ canh tác hơn 1ha đất lúa nằm lọt thỏm giữa cánh đồng mênh mông ở ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Bình (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang), nhưng nông dân Nguyễn Thiện Thống cũng là một nhà cung ứng nguyên liệu cho công ty TNHH MTV lương thực Vĩnh Bình (thuộc AGPPS).
Ông Thống xuýt xoa: “Phải chi 473.000 tấn gạo của tỉnh An Giang đã xuất trong năm ngoái được tẩm thêm mồ hôi của đội ngũ FF (farmer’s friends – những cán bộ kỹ thuật của chương trình Cùng nông dân ra đồng, AGPPS) thì tỉnh An Giang được lợi thêm ít nhất cũng gần 19 triệu USD. Nông dân mình còn nghèo mà thất thoát lớn quá, nghĩ cũng uổng!”.
Gạo sạch sang Nhật
Phó giám đốc công ty TNHH MTV lương thực Vĩnh Bình - Tô Phước Thủ, cho biết: “Lô hàng gạo đầu tiên giao cho nhà thương mại Marubeni (Nhật Bản) là kết quả bước đầu của cả một quá trình dài. Đó là quá trình AGPPS hướng tới mục tiêu tham gia toàn bộ chuỗi sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp”.
Thuyết phục được đối tác để trở thành nhà cung cấp gạo cho các doanh nghiệp tham gia đấu thầu gạo vào thị trường Nhật là chuyện khó. Nhưng, tất cả đã được chuẩn bị từ hơn chục năm trước bằng việc tổ chức lực lượng FF cùng nông dân ra đồng xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao, đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh...
Vượt qua rào kiểm định với 593 chỉ tiêu về chất lượng là một thử thách lớn liên tiếp ngay theo sau, song đó cũng là thước đo để một lần nữa khẳng định hướng đi đúng của cả chuỗi hoạt động từ trước đó. Để đáp ứng được các tiêu chí từ phía khách hàng, công ty đã xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn, hướng dẫn nông dân sử dụng phân, thuốc... đúng cách.
Dây chuyền chế biến gạo cao cấp. |
Ông Nguyễn Văn Tâm, nông dân trong vùng nguyên liệu thuộc ấp Vĩnh Thọ, Vĩnh Bình tự tin nói: “Bác sĩ trị bệnh lúa thuộc FF ngày nào cũng có mặt trên đồng ruộng thì cánh nông dân tụi tui tin tưởng tuyệt đối cây lúa luôn khoẻ nhờ đủ phân, đúng thuốc… nhằm tiết kiệm, giảm giá thành!”.
Trong quá trình sàng lọc đối tác, các chuyên gia Nhật Bản vẫn chưa chịu tin những thông tin sản phẩm mà phía Việt Nam cung cấp, chính vì vậy họ đã đến tận vùng nguyên liệu khảo sát quá trình canh tác lúa, ghi nhận danh mục vật tư nông nghiệp đã sử dụng (thông qua nhật ký đồng ruộng), tổ chức thu mua lúa nguyên liệu, xử lý sau thu hoạch, dây chuyền chế biến lương thực…
“Tất cả kết quả khảo sát thực tế được tổng hợp, báo cáo về bộ Nông nghiệp Nhật Bản xin ý kiến về việc quyết định chọn nhà cung ứng gạo”, ông Thủ mô tả thêm. Vẫn theo ông Thủ, công đoạn kiểm tra, phân tích mẫu sản phẩm gạo còn gắt gao hơn. Cụ thể, cơ quan Giám định và khách hàng phía Nhật Bản đã lấy mẫu sản phẩm gạo Vĩnh Bình đưa sang Thái Lan, về tận Nhật, phân tích đầy đủ các chỉ tiêu hoá chất, và tất cả đều phải đạt thì họ mới chấp thuận cho nhập khẩu.
Sau thương vụ AGPPS xuất bán 306 tấn gạo cho đối tác Marubeni, nông dân Nguyễn Văn Cường ở vùng nguyên liệu ấp Vĩnh Lộc (xã Vĩnh Bình) hết sức tâm đắc về giá trị của sản phẩm sạch – mà chính ông cũng góp công để làm ra nó. Ông nói: “Xét về nhân tâm thì người ta kiểm soát kỹ lưỡng cũng đúng thôi. Chỉ có những thương buôn vô tâm mới đi mua đồ độc hại, bịnh hoạn… đem về bán lại cho người dân trong nước tiêu xài!”.
Gạo dược tính
Ngoài các sản phẩm gạo cao cấp cung ứng cho các thị trường Hong Kong, Đài Loan, Trung Quốc, Dubai, New Zealand, Singapore, Philippines, EU, Nhật Bản... AGPPS còn nghiên cứu sản xuất sản phẩm gạo mầm với thương hiệu Vibigaba (Vĩnh Bình Gamma amino butyric acid).
Hiện tại, sản phẩm gạo mầm Vibigaba đã xuất hiện tại một số cửa hàng phân phối sản phẩm gạo của AGPPS. Theo PGS.TS Dương Văn Chín, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (thuộc AGPPS), gạo mầm là sản phẩm được cho lên mầm từ gạo lứt, hạt gạo còn nguyên phôi, xuất hiện lần đầu tiên khoảng năm 1995 tại Nhật Bản. Dựa trên các kết quả nghiên cứu, TS Chín cho rằng: “Trong quá trình nảy mầm, một số chất dinh dưỡng được tạo ra và tăng lên như gamma amino butyric acid (GABA), vitamin E, niacin, vitamin B1, B6… và một số chất chống oxy hoá”.
Cũng theo TS Chín, GABA là một loại amino acid không thể thiếu đối với người trong đảm bảo duy trì sự hoạt động của não bộ. Thiếu GABA sẽ dẫn tới các triệu chứng lo âu, mệt mỏi, mất ngủ... GABA còn làm tăng tác dụng của insulin, rất tốt cho bệnh nhân tiểu đường. So với gạo lứt của cùng loại giống lúa, tỷ lệ GABA trong gạo mầm cao gấp sáu lần.
Tuy nhiên, yêu cầu nguyên liệu, công nghệ và thiết bị chế biến gạo mầm khiến giá thành sản phẩm này khá cao, khoảng 70.000 đồng/kg, và sản lượng cũng mới chỉ đạt khoảng vài trăm tấn. Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia sử dụng nhiều sản phẩm gạo mầm.
Yêu cầu nguyên liệu sản xuất gạo mầm, theo ông Tô Phước Thủ: “Xử lý sau thu hoạch, bảo quản… tương tự như lúa làm giống – để hạt gạo nguyên liệu đạt tỷ lệ nảy mầm tuyệt đối, đơn giản khâu tách hạt trong quá trình chế biến”. Đến nay, giống lúa dùng trong sản xuất gạo mầm vẫn là một “bí quyết” riêng của từng nhà sản xuất nhằm cân đối tỷ lệ dưỡng chất trong thành phẩm.
Đầu tư mở rộng vùng trồng lúa chất lượng cao Theo kế hoạch, trong năm 2013, AGPPS sẽ đầu tư cho nông dân mở rộng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao lên khoảng 82.000ha (tăng hơn 47.000ha so năm 2012) tại các địa phương: An Giang, Đồng Tháp, Long An, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng và Hậu Giang. Diện tích vùng nguyên liệu năm 2012 của công ty đạt 34.400ha tại các huyện Thoại Sơn, Châu Thành (An Giang); Tân Hồng (Đồng Tháp) và Vĩnh Hưng (Long An), đáp ứng nhu cầu lúa nguyên liệu khoảng 1,2 triệu tấn. Vùng nguyên liệu được AGPPS ứng trước từ đầu vụ cho nông dân (không tính lãi): giống, vật tư nông nghiệp các loại. Toàn bộ lúa hàng hoá được AGPPS bao tiêu theo giá thị trường (niêm yết giá công khai trong mùa thu hoạch). Sau thu hoạch nông dân được sấy lúa miễn phí, và nông dân có thể bán lúa ngay cho nhà máy, ngược lại nhà máy sẽ cho mượn kho dự trữ (nếu nông dân muốn trữ lúa lại chờ giá tăng – kho chứa lúa tại nhà máy Vĩnh Bình có năng lực dự trữ 21.200 tấn) miễn phí trong vòng một tháng. |
Theo SGTT