TP.HCM: Người dân thấp thỏm vì mai vàng nở sớm

Thứ hai, 07/01/2013, 07:03
Còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng hầu hết các vườn mai tại TP Hồ Chí Minh đã nở rộ và tàn. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến thị trường hoa, cây cảnh phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2013.

Theo nhiều hộ nông dân trồng mai, nguyên nhân dẫn đến tình trạng mai nở sớm là do diễn biến thời tiết thất thường đã làm cho mai vàng bung nụ sớm. Hiện tượng mai vàng nở sớm xảy ra trên diện rộng ở tất cả các loại mai: từ mai bon-sai, mai cổ thụ đến mai kiểng, mai nhánh…

Tại quận Thủ Đức, nơi được mệnh danh là “vựa mai” của TP Hồ Chí Minh với hơn 80 hộ trồng mai, cung cấp hàng trăm nghìn gốc mai cho thị trường cả nước, những ngày này đi đâu cũng nghe các nhà vườn bàn tán xôn xao về mai nở sớm. Hộ ít thì tỉ lệ mai nở sớm cũng lên tới 15%, hộ nhiều nhất đến 80 - 90%. Thậm chí, có vườn mai chỉ còn trơ cùi hoa vì hoa đã nở đồng loạt.

Ông Đỗ Hữu Quan, chủ vườn mai trên đường 40, phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức), cho biết: “Hơn 20 năm trồng mai, chưa năm nào tôi phải lo lắng như năm nay. Hộ nào cũng rơi vào cảnh mai nở sớm. Trong số gần 500 gốc mai, có tới hơn nửa đã ra hoa từ tháng 9 với tỉ lệ mai trổ bông chiếm khoảng 30 - 40%. Nếu cứ đà này, đến Tết tôi lo mai sẽ thưa hoa hoặc có khi không có hoa vào dịp Tết. Ngoài ra, năm nay kinh tế khó khăn nên giá bán mai cũng không tăng so với năm ngoái”.

mai tet
Nhiều hộ dân trồng mai ở quận Thủ Đức đang vặt lá mai để hoa nở đúng dịp Tết.

Anh Võ Nguyên Bình, cán bộ trạm khuyến nông quận 2 - quận 9 - Thủ Đức, cho biết: “Quận Thủ Đức có 118 ha chuyên trồng mai, tập trung chủ yếu ở các phường Hiệp Bình Phước, Hiệp Bình Chánh, Linh Đông, Tam Phú… Để hạn chế hiện tượng hoa mai nở sớm, Hội nông dân thành phố và trạm khuyến nông đã tổ chức các buổi tập huấn chăm sóc mai cho các hộ dân.

Theo đó, đối với những cây mai đã trổ hoa thì tiến hành giảm cấp nước, ngắt hoa và sử dụng thuốc nhằm làm giảm tốc độ nở của mai. Đối với cây chưa nở hoa thì đưa ra ngoài nắng, ngày tưới nước một lần và che lưới để hạn chế tình trạng nở hoa. Có như vậy, mới hy vọng có mai nở đúng dịp Tết, giảm bớt thiệt hại về kinh tế cho người nông dân”.

Hiện không chỉ những vườn mai ở quận Thủ Đức ra hoa trước Tết Dương lịch do bị ảnh hưởng từ thời tiết thất thường, mà những vườn mai tại quận 12, huyện Củ Chi, quận 9 cũng bị thiệt hại nhiều do hiện tượng mai nở sớm.

Mặt khác, theo các nhà vườn ở những khu vực này, năm nay thương lái đặt hàng trước từ các nhà vườn không nhiều vì sợ lỗ do mai nở sớm. Dự báo, người mua mai cũng sẽ giảm nhiều vì tình hình kinh tế khó khăn và người dân tiết kiệm chi tiêu. Vì thế, theo các nhà vườn, giá mai năm nay sẽ không tăng so với năm ngoái, ngoại trừ có nhu cầu đột biến. Tuy nhiên, các nhà vườn ở TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng giá cả rất khó đột biến, bởi nhà vườn từ các tỉnh miền Tây năm nào cũng cung cấp cho thị trường TP Hồ Chí Minh một lượng lớn mai.

Bên cạnh cây mai vàng, hoa cúc cũng được người dân miền Nam trưng nhiều trong dịp Tết. Tuy nhiên, khác với năm trước, năm nay dưới tác động của đợt ngập do triều cường vừa qua, nguồn cung hoa cúc trên địa bàn TP Hồ Chí Minh để phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán cũng giảm hẳn.

Tại vùng chuyên trồng cúc thuộc phường Đông Hưng Thuận (quận 12) trong đợt ngập úng nặng vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 đã gây chết cho trên 10.000 chậu cúc. Tuy nhiên, để có nguồn cung hoa kịp phục vụ thị trường Tết, đồng thời thay thế vào chậu cúc thiệt hại trên, những người trồng hoa cúc ở Đông Hưng Thuận đang tập trung vào việc trồng thêm hoa vạn thọ, mào gà, hướng dương. Đây là những loại hoa ngắn ngày, có sức đề kháng tốt với thời tiết và có thể làm phong phú thêm các loại hoa phục vụ dịp Tết Quý Tỵ 2013.

Theo Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh, ngành nông nghiệp thành phố đã sẵn sàng phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán 2013. Khác với năm trước, năm nay diện tích các loại hoa, cây kiểng phục vụ Tết Quý Tỵ toàn thành phố ước khoảng 1.173 ha, tăng 5,5% so với cùng kỳ. Trong đó, diện tích trồng hoa, cây kiểng tăng tập trung vào các loại hoa lan, bonsai và cây kiểng cảnh. Theo đó, có khoảng 500.000 chậu bonsai và kiểng cổ (tăng 25% so với cùng kỳ), 2,5 triệu chậu lan (tăng 8,7% so với cùng kỳ), 3,6 triệu cành lan và 1,6 triệu chậu mai (tăng 6,6% so với cùng kỳ)… sẽ cung cấp cho thị trường dịp Tết. Ngoài ra, dự báo giá hoa Tết cũng không biến động nhiều do nhu cầu tiêu thụ chưa tăng mạnh, riêng giá hoa lan có thể tăng nhiều do đây là loại hoa được nhiều người tiêu dùng ưa thích.

Theo Tintuc

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn