Ảm đạm sức mua tết

Thứ hai, 07/01/2013, 13:47
Những năm trước, khi bước vào khoảng đầu năm dương lịch và tháng cuối năm âm lịch, thị trường mua sắm rất sôi động vì người tiêu dùng đã bắt đầu trữ hàng chuẩn bị đón tết khiến sức mua tăng mạnh. Song năm nay, đến thời điểm này thị trường vẫn chưa thấy không khí mua sắm tết dù hàng loạt chương trình khuyến mại được tung ra.

Hàng thiết yếu cũng gặp khó

Theo khảo sát tình hình mua sắm tại các siêu thị ở TP.HCM, sức mua hiện chỉ tập trung ở các siêu thị lớn như Co.op mart, Big C, Maximark… còn ở các siêu thị khác vẫn không có nhiều biến động. Theo một đại diện của Co.op mart, những ngày đầu Tết Dương lịch, doanh số của toàn hệ thống siêu thị Co.op mart tăng trung bình 35-40% so với bình thường.

Song trong năm nay, sức mua bình thường đã sụt giảm rất mạnh nên mức tăng này khá thấp so với thời điểm này năm ngoái. Khách chủ yếu tập trung vào những ngày cuối tuần, còn bình thường khá thưa thớt. Đáng chú ý là ở một số siêu thị hiện sức mua không tăng mà còn giảm, kể cả đối với các mặt hàng thực phẩm thiết yếu.

Giám đốc một siêu thị than thở, năm nay các siêu thị tại TP.HCM đã chuẩn bị lượng hàng dồi dào so với các năm trước, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có tín hiệu cho thấy sức mua sẽ tăng nên chắc sẽ diễn ra tình trạng ôm hàng tết.

sam tet
 Người dân mua hàng tại siêu thị Big C. 

Để kích sức mua thị trường Tết Nguyên đán, hiện các siêu thị đang đưa ra hàng loạt chương trình khuyến mại hấp dẫn như Big C triển khai 3 chương trình khuyến mại “khủng” giảm giá 5-50% cho hơn 1.200 mặt hàng, Co.op mart tập trung khuyến mại giảm giá 20-45% đối với  nhóm hàng đồ dùng và thời trang trẻ em.

Song, doanh số bán hàng chủ yếu mới tập trung vào các loại thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, nước giải khát và hàng may mặc thời trang. Còn sức mua đối với các mặt hàng tiêu dùng khác vẫn chưa có nhiều sự đột biến.

Nhiều khách hàng cũng cho biết, do kinh tế khó khăn nên năm nay không mua sắm đón tết sớm và khi mua sắm chỉ tập trung vào những thực phẩm thiết yếu với số lượng vừa đủ chứ không chi tiêu thoải mái như trước.

Tại các chợ đầu mối của TP.HCM, thời điểm này năm ngoái sức mua đã tăng đáng kể so với bình thường, nhưng năm nay lại không sôi động. Hiện nhu cầu tiêu thụ chỉ tập trung vào các loại thực phẩm tươi sống. Do vậy, nhiều tiểu thương phải giảm giá một số mặt hàng đến 50% để tránh tồn đọng hàng hóa.

Các chợ lẻ cũng rơi vào tình trạng tương tự, hiện chỉ có các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm bán chạy, còn các cửa hàng gia dụng hay thời trang rất thưa thớt khách mua sắm. Thậm chí nhiều tiểu thương ở các chợ Bà Chiểu, Thủ Đức, Tân Bình cho biết họ không mặn mà chuẩn bị hàng Tết.

Tuy sức mua đang tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm nhưng các DN thực phẩm cũng quan ngại sức mua không tăng cao nên cho biết sẽ theo dõi thị trường, tùy theo tình hình sẽ có chiến lược cung ứng phù hợp.

Không nhiều kỳ vọng

Trên thị trường điện máy, hiện các nhà bán lẻ đang tung đủ chiêu kích cầu sức mua với mong muốn bù đắp sự sụt giảm doanh số trước đó. Các hình thức khuyến mại trực tiếp, giảm giá thông qua phương thức thanh toán… được thực hiện đồng loạt để tạo ra mức giá thấp nhất đối với sản phẩm.

Khi hỏi về sức mua, đa số các siêu thị điện máy đều cho biết sức tiêu thụ hàng hóa đã bắt đầu tăng khoảng 50% so với bình thường. Nhưng trên thực tế, tình hình mua sắm tại các siêu thị điện máy trên địa bàn TP.HCM vẫn rất ảm đạm.

Tại các siêu thị như Tâm Hoàn Châu, Ideas, Thiên Hòa, khách chủ yếu tham quan với số lượng thưa thớt. Còn tại các siêu thị điện máy lớn như Nguyễn Kim, Chợ Lớn vì tung ra nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn nên khá đông khách.

Tuy nhiên, đa số khách hàng chỉ chọn mua những mặt hàng khuyến mại “khủng” với giá cực rẻ, chủ yếu tập trung vào những sản phẩm gia dụng như nồi cơm điện, bàn ủi… còn các loại điện thoại, máy tính, tivi, máy giặt… có giá trị cao không gây được sự chú ý.

Theo ông Nguyễn Văn Đạo, Phó Tổng giám đốc Công ty Samsung Việt Nam, nhiều nhà bán lẻ dự báo vào mùa cuối năm thị trường điện máy sẽ khởi sắc vì người tiêu dùng sẽ mạnh tay mua sắm. Song hiện nay tình hình kinh tế vô cùng khó khăn nên không thể lạc quan về điều này.

“Theo dõi thị trường từ tháng 11 đến nay cho thấy sức tiêu thụ tăng rất ít, chủ yếu là nhờ vào các chương trình khuyến mại giảm giá sâu. Do vậy, dù kỳ vọng vào thị trường trước Tết Nguyên đán, nhưng với tình hình hiện nay chưa thể chắc chắn được điều gì. Hiện nay, các nhà sản xuất, nhà bán lẻ đều thận trọng trong kế hoạch sản xuất, phân phối do lượng hàng tồn vẫn còn nhiều” - ông Đạo nói.

Đối với các mặt hàng thời trang, thông thường thời điểm này người dân đã rộn rịp mua sắm để đi chơi tết, nhưng năm nay các cửa hàng thời trang dù treo băng rôn hạ giá đến 50% nhưng hầu như không có khách tham quan mua sắm. Nhiều nhân viên của các cửa hàng thời trang từ cao cấp đến bình dân nằm trên đường Nguyễn Trãi cho biết mỗi ngày bán được 5, 6 sản phẩm đã là nhiều, có khi cả ngày không có khách ghé xem hàng.

Tại các trung tâm thương mại, do đang rơi vào dịp lễ, tết nên cảnh trí được trang hoàng mới lạ, thu hút được rất đông người qua lại. Tuy nhiên, khách chỉ tham quan và rất ít khách mua hàng. Để kích sức mua, các thương hiệu thời trang nổi tiếng cũng đang tung ra hàng loạt chương trình khuyến mại giảm giá.

Một số trung tâm thương mại triển khai mạnh các chương trình mua hàng tích điểm tặng quà, giảm giá vào ngày vàng, giờ vàng cho toàn bộ các sản phẩm nhưng sức mua vẫn rất yếu.

Theo các nhân viên bán hàng tại Parkson Hùng Vương (quận 5), từ giữa năm đến nay sức mua càng ngày càng yếu hơn, khách thưa thớt hơn so với thời điểm 6 tháng trước đó. Hiện đã cận tết nhưng khách hàng vẫn chưa mua sắm để đón tết trong khi các năm trước phải tăng cường thêm nhân viên mới phục vụ kịp.

Theo SGĐT

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn