Chị Nguyễn Thị Thảo, cơ sở sản xuất mứt tết Thảo Chiến của làng nghề cho hay: Thông thường việc sản xuất hàng tết trước Tết Nguyên đán 2 tháng, mọi công đoạn như mua nguyên liệu, sơ chế, phơi mứt đều phải tiến hành cẩn thận. Nếu thời tiết ủng hộ thì chỉ phơi một vài lần là có thể đóng hộp, gặp phải ngày mưa gió phải phơi đi phơi lại nhiều lần.
Năm nay, do thời tiết mưa nhiều nên việc sản xuất vốn đã khó khăn lại thêm vất vả vì nơi sản xuất chật chội, không đủ chỗ phơi khô nguyên liệu, hàng nhập về cũng ít đi. Xưởng sản xuất của chị năm nay chỉ nhập 30 tạ bí đao, trong khi năm trước nhập đến 50 tạ.
“Mặt hàng mứt tết cũng không còn phong phú về chủng loại. Nếu xưa kia các sản phẩm đa dạng như mứt táo, bí, lạc, dừa thì nay chỉ còn duy trì mứt bí nhằm đảm bảo chất lượng tốt và tập trung phát triển sản phẩm”, chị Thảo cho biết thêm.
Xưởng sản xuất mứt tết vắng bóng khách hàng |
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, thôn Đông là nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất mứt tết của làng nhưng chỉ còn vài ba gia đình sản xuất. Cả làng nghề truyền thống giờ chỉ còn chưa đến chục hộ còn bám trụ với nghề.
Lý giải về điều này, chị Thảo cho biết: Người dân trong làng đã bỏ nhiều do đất chật không có chỗ sản xuất, hơn nữa doanh thu không lớn, mỗi năm chỉ vài chục triệu đồng. Nên người dân chuyển sang kinh doanh hay xây phòng cho thuê, mỗi tháng cũng thu về hàng chục triệu đồng mà không mất nhiều công sức, chi phí, thu hồi vốn nhanh.
Khác với không khí thường thấy, năm nay làng vắng vẻ hơn nhiều, không còn những chuyến xe tải nối đuôi nhau vào lấy hàng, chỉ có một vài người khách lẻ đến đây đặt hàng trước làm quà dịp Tết.
Anh Tạ Thế Phong, quản lý Cơ sở sản xuất mứt tết Thanh Hương buồn rầu nói: "Năm ngoái giờ này xưởng chúng tôi làm luôn tay luôn chân không hết việc, vậy mà năm nay đơn đặt hàng ít hơn nhiều, giờ đã sang đầu tháng một mà chỉ có một số ít đơn hàng rải rác, một vài người đến đặt hàng".
Không có những khách hàng lớn, lượng nhân công cũng cắt giảm đi nhiều. Xưởng của anh Phong giờ chỉ còn lại 20 nhân công, giảm một nửa so với năm trước. "Giá cả mọi thứ đều tăng, đặc biệt nguyên liệu nhập vào đắt đỏ. Do vậy chúng tôi hướng đến tuyển lao động thời vụ, đặc biệt là sinh viên nhằm giảm bớt chi phí nhân công so với việc thuê người làm cố định”, anh Phong cho biết thêm.
Chị Đào Thu Hương, một chủ xưởng sản xuất thôn Đông chia sẻ: “Xưởng sản xuất chúng tôi gặp nhiều khó khăn nhưng đơn đặt hàng ngày càng vắng bóng. Nay cả tuần không có đơn hàng lớn do các doanh nghiệp vẫn sản xuất cầm chừng, hạn chế nhập hàng, các đại lý cũng thu mua dè chừng, chờ cận Tết Nguyên đán nhập hàng mong giá giảm”.
Theo Baohaiquan