Còn gần 10.000 vé tàu Tết
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, tính đến ngày 4/1, vẫn còn 6.222 vé tàu Tết của các ngày cao điểm từ TP.HCM ra Hà Nội chiều trước Tết, chia đều cho các ngày từ 1/2 đến ngày 8/2.
“Tuy nhiên, số vé còn lại chỉ dành cho hành khách đi từ TP.HCM đến các ga từ Vinh trở ra Hà Nội. Nhiều người có nhu cầu mua chặng ngắn, đến Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế… sẽ không thể mua được, vì không thể cắt chuyến để phục vụ”, ông Nguyễn Đạt Tường, Tổng giám đốc Công ty ĐSVN cho biết.
Bên cạnh đó, để phục vụ tối đa nhu cầu đi lại của hành khách đặc biệt là người lao động, ngoài số chỗ còn lại, đường sắt Việt Nam sẽ bán thêm khoảng 3.500 chỗ ghế phụ với mức giá giảm 40% trên tất cả các đoàn tàu Thống Nhất đi chiều TP.HCM - Hà Nội vào dịp cao điểm từ ngày 1 đến 8-2-2013.
Việc tăng ghế phụ được ông Tường khẳng định, Tổng Công ty ĐSVN đã tính toán kỹ lưỡng và không ảnh hưởng đến sự an toàn của hành khách, nhưng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ.
Người dân vạ vật xếp hàng mua vé tại ga Sài Gòn. |
Lý giải về thực trạng hàng nghìn người lao động năm nào cũng phải vạ vật tại ga Sài Gòn để mua được tấm vé tàu, ông Vũ Tá Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn cho rằng, do cung - cầu chênh lệch nhau quá cao.
“Theo khảo sát của chúng tôi, nhu cầu đi lại vào dịp Tết Nguyên đán của người dân khoảng 1 triệu chỗ, trong khi khoảng thời gian cao điểm trước Tết 7 ngày, chúng tôi chỉ đáp ứng được 116.000 chỗ”.
Cũng theo ông Tùng, đề phòng trường hợp người lao động không thể đặt vé qua mạng, ga đã mở bán bằng nhiều kênh như bán trực tiếp, bán qua tin nhắn. Trong số gần 100.000 vé tàu dịp Tết đã được bán ra, gồm 20.000 vé dành cho lao động các khu công nghiệp, 40.000 vé được bán trên mạng, còn lại là bán qua các kênh trực tiếp.
Không có tình trạng nhân viên móc nối với “cò”
Tuy nhiên, về tình trạng cò vé, phe vé vẫn còn hoạt động tại các ga, ông Tường cho rằng, do cung cầu chênh lệch quá cao nên khó tránh khỏi tình trạng này. “Chúng tôi không muốn hành khách phải mua qua “cò”, vừa ảnh hưởng đến uy tín ngành đường sắt vừa làm cho hành khách xa rời với dịch vụ của ngành”.
Ngoài ra, ông Tường khẳng định, không có trường hợp nhân viên bán vé móc nối với “cò” để hưởng chênh lệch, bởi, nếu bị phát hiện, ngành đường sắt sẽ xử lý với mức cao nhất là sa thải. Do vậy, vài năm trở lại đây, hầu như không có hiện tượng nhân viên của ngành đường sắt “tuồn” vé ra ngoài.
Cứ mỗi dịp Tết đến, người lao động các tỉnh lại chật vật mua vé tàu về quê, một số chuyên gia cho rằng, ngành đường sắt nên cải tiến, bán vé tàu như bán vé máy bay. Nhưng, gợi ý này ông Tường cho rằng, rất khó thực hiện.
“Tàu chạy Bắc Nam, rất nhiều chặng, tuyến dừng đỗ. Trong khi với hàng không, họ chỉ bay một chặng thẳng tắp, không dừng đỗ trả khách ở dọc các ga như đường sắt”.
Trước thực trạng nhiều hành khách, đặc biệt là những người nghèo, lao động nghèo không mua được vé tàu về quê ăn Tết, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã yêu cầu Tổng công ty tập trung mọi nguồn lực, mọi phương án phục vụ người dân đi lại trong dịp Tết.
“Khách đi tàu chủ yếu là lao động nghèo ở các tỉnh xa, vì vậy ngành đường sắt phải tập trung mọi nguồn lực tăng chuyến, tăng thêm ghế phụ và giảm giá vé để phục vụ tốt nhất người dân, không vì mục tiêu lợi nhuận”, Bộ trưởng cho biết. Theo quy định, mỗi đoàn tàu chỉ được tăng thêm 15% ghế phụ, nhưng vì lượng khách có nhu cầu đi lại còn nhiều, yêu cầu tăng thêm 5% nữa.
Theo ANTĐ