Lại lo ế… hàng Tết

Thứ tư, 02/01/2013, 16:36
Khác với mọi năm, phần lớn doanh nghiệp cũng như giới chuyên gia đều lo “ế” vì sợ dân không có nhiều tiền sắm Tết.
Các doanh nghiệp, đơn vị phân phối hàng đã sẵn sàng sản phẩm cho dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, khác với mọi năm, phần lớn doanh nghiệp cũng như giới chuyên gia đều lo “ế” vì sợ dân không có nhiều tiền sắm Tết.

Doanh nghiệp “thừa” hàng!

Thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội, các trung tâm thương mại, siêu thị như: Metro, Big C, Co.op mart, Fivimart, Intimex... dự trữ bán ra các loại hàng thiết yếu phục vụ Tết với tổng số tiền hàng khoảng 2.300 tỷ đồng. Tổng công ty Lương thực Miền Bắc cũng dự trữ tại các kho trên 3.000 tấn gạo các loại trị giá 560 tỷ đồng. Công ty cổ phần xuất khẩu thực phẩm, Công ty TNHH CNTP Vinh Anh, TNHH Minh Hiền, TNHH chăn nuôi Việt Hưng đưa ra thị trường khoảng 1.000 tấn thịt lợn sạch.

Đến nay, tại nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, không khí giao nhận hàng chuẩn bị Tết đã bắt đầu nhộn nhịp. Các siêu thị như Hapro, Fivimart, Intimex, Big C… đã trưng bày nhiều loại giỏ quà tặng dịp Tết khá bắt mắt, tuy nhiên lượng khách hàng mua sắm mặt hàng này chưa nhiều.

Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Hà Nội cũng cho biết khoảng 10 triệu chai rượu các loại và hơn 50 triệu lít bia Hà Nội đã sẵn sàng để cung ứng cho thị trường trong dịp Tết. Hàng nghìn tấn bánh mứt kẹo sẽ được Công ty cổ phần bánh kẹo Hải Hà, các công ty Tràng An, Hữu Nghị, Công ty cổ phần bánh mứt kẹo Hà Nội phân phối.

hang tet
 Tràn lan giỏ quà Tết “ngóng” người mua

Theo Sở Công Thương TP.HCM, nguồn cung thị trường Tết từ các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường chiếm 30-40% thị phần; các chợ đầu mối chiếm 40-50% thị phần; các doanh nghiệp khác chiếm 10-20% thị phần.

Tổng nguồn vốn các doanh nghiệp chuẩn bị hàng Tết năm nay đạt 6.681,8 tỉ đồng, tăng 1.288,9 tỉ đồng so với Tết năm trước. Các doanh nghiệp có khả năng cung ứng 30.027 tấn gạo, nếp (tăng 87% so với kế hoạch), 3.709 tấn đường RE (tăng 94%), 3.065 tấn dầu ăn (tăng 125%), 14.327 tấn thịt gia súc (tăng 19%), 14.500 tấn thịt gia cầm (tăng 152%), 140,3 triệu trứng gia cầm (tăng 71%)…

Với việc chuẩn bị cung ứng hàng hóa chu đáo của các doanh nghiệp, chuyện khan hàng, tăng giá sẽ không xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán này.

Dân “đói” tiền

Hoàn toàn khác với tinh thần sẵn sàng phục vụ của các doanh nghiệp, người dân lại tỏ ra vô cùng lo lắng cho dịp cao điểm mua hàng này.

Chị Hà Thị Phi Yến (27 tuổi, nhân viên kế toán Công ty máy tính ACP) đang mua sắm tại Big C Thăng Long (Hà Nội) cho biết: “Có thể hôm nay tôi không mua mà gần Tết về quê mua cũng nên. Năm nay, vợ chồng tôi ăn Tết xong chắc hết vốn. Chúng tôi mới tổ chức đám cưới trong năm nay.

"Theo thông lệ bên nhà chồng ở Nam Định là năm đầu tiên làm dâu, chúng tôi phải có quà ra mắt đầu năm với anh em họ hàng bên chồng. Có khoảng 20 gia đình phải ra mắt dịp này, tính sơ sơ cũng mất khoảng 3 - 4 triệu đồng, chưa kể tiền quà, biếu Tết bố mẹ hai bên, tiền mừng tuổi cho các cháu… Vậy nhưng chồng tôi 5 tháng nay không có lương, còn tôi thì chỉ có vỏn vẹn tháng lương thứ 13”.

Còn chị Nguyễn Thị Minh, một công chức nhà nước (nhà ở phố Vũ Thạnh, quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đi tham quan siêu thị thôi, chưa định mua sắm gì. Đầu tiên thì cũng định mua trước cho rẻ nhưng bây giờ tôi nghĩ khác. Năm ngoái, gần Tết tôi mới mua vài hộp bánh lại thấy rẻ hơn ngày thường nên chẳng tội gì mua trước cho chật nhà. Giáp ngày Tết cũng được nghỉ, chẳng phải làm gì nhiều có khi đến lúc đó đi mua lại hay”.

Nhiều người dân được hỏi cũng cho hay: Túi tiền có hạn không định mua sắm gì nhiều. Lương ngày trước gọi là đủ sống giờ bắt đầu thấy lo, nhất là dịp Tết này, lạm chi lớn là cái chắc.

Chuyên gia cảnh báo sức mua giảm!
 
Theo các chuyên gia kinh tế, do tình hình kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn nên người tiêu dùng sẽ thắt chặt chi tiêu. Trước khi mua sắm hàng hóa người tiêu dùng cân nhắc kỹ càng hơn và có xu hướng, hướng đến những mặt hàng có giá bình dân và tìm đến những doanh nghiệp có nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn.

Vì vậy, để kích cầu mua sắm vào thời điểm này, các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ, nhất là các siêu thị đã liên kết với các nhà sản xuất thực hiện các biện pháp kích cầu như giảm giá bán, tăng cường các chương trình khuyến mại hoặc tổ chức các hình thức bán hàng linh hoạt để “hút” người tiêu dùng, tuy nhiên việc kích cầu vẫn chưa hiệu quả.

Theo ông Châu Nhựt Trung, Tổng giám đốc Công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ, sức mua vẫn quá yếu vì vậy phải tính đến phương án an toàn, không dám mạo hiểm chuẩn bị nhiều hàng hay tăng giá dù chi phí đầu vào tăng. “Tôi bảo đảm Tết năm nay không có chuyện hụt hàng, sốt hàng, chỉ sợ người dân hụt tiền, không có tiền để mua sắm thôi” – Ông Trung quả quyết!

Còn ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội cho biết, năm nay theo dự đoán của Sở Công Thương và Hội siêu thị Hà Nội thì sức mua suy giảm khoảng 18 - 20% so với năm ngoái. Vì vậy, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa phục vụ Tết vẫn sản xuất cầm chừng hoặc sản xuất theo đơn đặt hàng. Doanh nghiệp sản xuất không ồ ạt nhưng hàng hóa thì không thiếu, chỉ sợ dân không có nhiều tiền để sắm Tết.

Phó Tổng Giám đốc thường trực Hapro Nguyễn Tiến Vượng thì cho rằng, cái khó lớn nhất với doanh nghiệp là dự báo chính xác được nhu cầu thị trường Tết để dự trữ hàng hóa một cách hợp lý. Trong bối cảnh khó khăn chung như hiện nay, không chỉ người tiêu dùng mà doanh nghiệp cũng khó khăn, nếu dự báo thị trường không chính xác, doanh nghiệp có thể bị trả giá "rất đắt".
 
Tại các làng nghề Hà Nội, hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán đã sẵn sàng. Dự kiến, có khoảng 120.000 sản phẩm quần áo; hơn 2.000 tấn bánh kẹo; trên 100 tấn giò chả; 600 tấn miến; đỗ xanh 150 tấn và chè khô trên 300 tấn sẽ được các làng nghề truyền thống cung ứng dịp Tết. Tổng giá trị hàng hóa chuẩn bị phục vụ Tết ước tính trên 140 tỷ đồng.
 
 
Theo Giadinh

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn