Sáng 1/1/2013, ngày đầu tiên của năm mới và cũng là ngày cuối cùng của đợt nghỉ, tại một số siêu thị của hệ thống Co.opmart có khá đông khách hàng đến mua sắm những mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, nhóm hàng được người tiêu dùng chọn mua nhiều nhất vẫn là các loại thực phẩm tươi sống phục vụ bữa ăn hàng ngày.
Tại các khu vực bán hàng giày dép, đồ dùng gia đình, quần áo… vẫn rất vắng khách. Tại các hệ thống siêu thị khác như BigC, Maximark… sức mua cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Người dân TPHCM mua sắm đầu năm tại một trung tâm điện máy |
Giám đốc một siêu thị nhìn nhận, chưa có năm nào hàng hóa được các hệ thống siêu thị chuẩn bị kỹ như năm nay. Cũng chưa năm nào hàng hóa dồi dào, phong phú và được các siêu thị tổ chức khuyến mãi lớn như năm nay. Song sức mua không diễn ra như mong muốn của các nhà kinh doanh. Dù chưa có con số thống kê chính thức, song các siêu thị đều đưa ra nhận định, sức mua chắc chắn sẽ không tăng bằng mức 30% - 50% tùy nhóm hàng của cùng kỳ các năm trước.
Dạo quanh các chợ lẻ tại khu vực TP.HCM, chỉ có vài ba mặt hàng thủy hải sản như tôm sú, các loại ốc tăng giá nhẹ khoảng 10% - 15%, còn lại các nhóm hàng thực phẩm thiết yếu vẫn giữ nguyên giá cũ, thậm chí còn giảm so với ngày thường.
Theo đó, các nhóm hàng như cá lóc, cá điêu hồng, cá chép, mực ống, tim và gan heo… được người tiêu dùng chọn mua nhiều. Một số chợ ở khu vực quận 9, Thủ Đức… hàng hóa chất ngồn ngộn ở các sạp nhưng người mua rất thưa thớt.
Tại khu vực các chợ giáp ranh giữa TP.HCM và tỉnh Bình Dương như chợ An Bình, ngày thường “người bán, kẻ mua” rất tấp nập nhưng trong những ngày nghỉ tết, chúng tôi chỉ nhìn thấy người bán. Chị Bách, tiểu thương bán rau khu vực chợ An Bình cho biết, hàng lấy về 2 ngày nhưng bán vẫn không hết!
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối Thủ Đức, cho biết, lượng hàng về chợ trong các ngày vừa qua tăng khoảng 200 - 300 tấn so với những ngày trước đó, đạt mức 3.500 - 3.700 ngàn tấn/ngày.
Tuy nhiên, do lượng hàng về nhiều, trong khi sức mua tăng không tương ứng, dẫn đến hàng hóa bị ứ đọng khá nhiều. Có những tiểu thương phải bán đến quá trưa hôm sau, đồng thời giảm giá tới 50% một số mặt hàng mới có thể giải phóng được hàng tồn. Theo bà Hà, kinh tế khó khăn nên người dân chắt chiu hơn trong mua sắm chứ không phóng tay như các năm trước. Nhiều tiểu thương đã không lường trước được tình hình nên phải chịu thiệt thòi.
Trong những ngày nghỉ Tết Dương lịch vừa qua, lượng khách đổ về các khu du lịch gần TP.HCM như Vũng Tàu, Bình Châu, Lộc An, Long Hải… rất đông. Theo đó, giá các loại dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ ăn uống đã tăng rất cao.
Theo SGGP