Trong khi giới kinh doanh các mặt hàng xách tay thu siêu lợi nhuận, người tiêu dùng lại mù tịt thông tin, hạn dùng và đặc biệt không có cơ sở kiểm chứng chất lượng và độ an toàn. Nhà nước cũng thất thu một khoản thuế không nhỏ.
Một vốn ba, bốn lời
Một điểm kinh doanh các loại thực phẩm chức năng và mỹ phẩm trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình (TP.HCM) giới thiệu hàng loạt sản phẩm thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm cân, làm đẹp da, trị nám mặt... Mặc dù nguồn xách tay về từ Mỹ, Úc, Nhật Bản... nhưng công ty có lượng hàng khá lớn, có thể bán sỉ với giá cực mềm so với giá bán lẻ. Đơn cử sản phẩm giảm cân Super Thin Body Slim được giới thiệu xách tay 100% về từ Mỹ bán lẻ với giá 1 triệu đồng/hộp.
Sản phẩm sữa ong chúa xách tay từ Úc về bày bán tại một cửa hàng trên đường Lê Hồng Phong, Q.10, TP.HCM |
Nhân viên bán hàng cho biết có thể giao vài chục hộp cùng lúc. Nếu khách mua sỉ từ mười hộp trở lên sẽ được hưởng mức giá sỉ chỉ 500.000 đồng/hộp! Giới kinh doanh thực phẩm chức năng tiết lộ do về bằng đường xách tay nên giá thực chỉ khoảng 300.000 đồng/hộp.
Tương tự, một sản phẩm thực phẩm chức năng hỗ trợ làm đẹp khác đang có giá bán lẻ trên thị trường 500.000 đồng/hộp, nhưng giá bán sỉ chỉ 200.000 đồng/hộp. Tại một cửa hàng trên đường Lê Hồng Phong, Q.10, TP.HCM, sản phẩm sữa ong chúa (hàng Úc) bán lẻ giá 1,2 triệu đồng/hộp. Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, giá bán sỉ chỉ 700.000 đồng/hộp tùy theo lượng hàng bán.
Bà Nguyễn Phương Thảo, một đầu mối kinh doanh mỹ phẩm nhập khẩu ở TP.HCM, cho biết hàng xách tay rất dồi dào và số lượng lớn.
Trên thị trường TP.HCM, hầu như cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm nào cũng có bán hàng xách tay từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản phục vụ làm đẹp da, chống lão hóa, mỹ phẩm trang điểm, các sản phẩm serum đặc trị... Với mác hàng ngoại xách tay về VN nên giá bán thường cao chót vót như: bộ mỹ phẩm tái tạo da Nuskin giá 5,4 triệu đồng, bộ dưỡng da giảm lão hóa Nuskin 9,4 triệu đồng, kem chống nắng Skindoctor khoảng 1 triệu đồng...
Ghi nhận tại một số điểm bán hàng xách tay trên thị trường TP.HCM cho thấy một số điểm giới thiệu sản phẩm do Công ty cổ phần TS phân phối chính thức. Tuy nhiên, nhân viên bán hàng lại khẳng định tất cả loại hàng bày bán trong cửa hàng đều không có hóa đơn chứng từ đầu vào và không thể xuất hóa đơn đầu ra.
Khi bán cho khách mua sỉ, nhân viên bán hàng cho biết nguồn gốc của sản phẩm là hàng xách tay. “Bán hàng xách tay mới lời chứ hàng chính ngạch được mấy đồng!” - nhân viên bán hàng của Công ty TS “tư vấn” cho khách mua sỉ.
Chất lượng phập phù
Trên thị trường thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, các điểm bán hàng thường có khái niệm “bao đẹp”, cam đoan hiệu quả... Tuy nhiên, việc cam kết với khách hàng chỉ ở những sản phẩm có giá dao động từ 1 triệu đồng/sản phẩm. Những mặt hàng ở mức giá trên dưới 500.000 đồng/sản phẩm, nhân viên bán hàng cho biết không cam kết về chất lượng! Theo bà Phương Thảo, rất nhiều sản phẩm làm đẹp, đặc biệt những dòng giá bình dân (từ 300.000-500.000 đồng/hộp), đang bị làm giả.
Nhưng trên thực tế ngay cả những sản phẩm giá cao như sữa ong chúa bán lẻ giá 1,2 triệu đồng/hộp (xách tay từ Úc), nhau thai cừu (xách tay từ Úc) giá 1,05 triệu đồng/hộp, người mua cũng chỉ có thể tin theo giới thiệu của nhân viên bán hàng, hoàn toàn không có cơ sở để xác minh hàng thật - hàng giả. Thậm chí tại một cửa hàng trên đường Lê Hồng Phong, Q.10, sản phẩm nhau thai cừu còn bị dán đè lên nhãn tiếng Việt là sữa ong chúa!
Sản phẩm sữa ong chúa xách tay từ Úc về bán tại một cửa hàng trên đường Lê Hồng Phong, Q.10, TP.HCM |
Nhiều người tiêu dùng phản ảnh đã sử dụng không ít sản phẩm mỹ phẩm xách tay được quảng cáo bằng những lời hoa mỹ nhưng khi dùng thì không thấy hiệu quả.
Cô Lê Bích Nga, khách mua hàng tại một cửa hàng mỹ phẩm trên đường Huỳnh Đình Hai, Q.Bình Thạnh, nói cô thường xuyên mua kem sâm của Nhật Bản để trị nám da. Lần nào mua cửa hàng cũng khẳng định dùng 2-3 lọ vết nám sẽ mờ ít nhất 50%. Tuy nhiên, cô dùng gần hai năm nay vẫn chưa thấy các vết nám mờ đi. Nhân viên bán hàng “nói lại” là phải thật kiên trì.
Cô Nga kể khi được hỏi vì sao nhãn phụ tiếng Việt lại không dán tên công ty nhập khẩu, nhân viên cho biết hàng xách tay về. Kiểm tra nhãn sản phẩm ghi rõ “made in Japan” nhưng bên trong vỏ chai lại in nổi bằng chữ tiếng Việt là “kem sâm”!? Theo giới kinh doanh mỹ phẩm, nhiều chị em sính hàng ngoại xách tay nên tình trạng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả gắn mác xách tay đang ngày càng nhiều, bị trà trộn bán chung với hàng chính hãng.
Ngay cả với hàng xách tay theo hành lý cá nhân, tiếp viên hàng không từ nước ngoài về cũng không đảm bảo chất lượng.
Một cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I giải thích mỹ phẩm nhập khẩu chính ngạch phải qua rất nhiều thủ tục kiểm tra, có sự xác nhận của nhà sản xuất thực, các sản phẩm chức năng còn được lấy mẫu kiểm nghiệm, hàng đạt chất lượng mới được thông quan và đưa ra thị trường... Những quy trình này nhằm đảm bảo hàng bán cho người tiêu dùng là hàng chính hãng, an toàn cho sức khỏe người sử dụng. Ngược lại, hàng xách tay không có kiểm nghiệm chất lượng, không có cơ sở đảm bảo là hàng chính hãng, có chất lượng tốt và an toàn.
Cũng theo vị cán bộ này, nhiều sản phẩm đang được nhập khẩu chính ngạch nhưng người kinh doanh vẫn “độn” thêm nhiều hàng xách tay để được hưởng phần chênh lệch thuế lớn.
Với mỹ phẩm xách tay từ Mỹ, Pháp, phần thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu mà người kinh doanh không phải đóng cho Nhà nước nằm trong khoảng 32-35%. Còn các loại thực phẩm chức năng như nhau thai cừu, sữa ong chúa, viên nang đông trùng hạ thảo, an cung ngưu hoàng hoàn... cũng “né” được khoản thuế nhập khẩu trong khoảng 15-30%, chưa kể 10% thuế giá trị gia tăng.
Ghi hóa đơn sang mặt hàng khác để hợp thức hóa Trên thị trường hàng xách tay hiện nay còn hàng loạt mặt hàng khác như bia, rượu, quần áo, nước hoa, sữa, thậm chí cả thực phẩm như đùi gà, thịt bò... Ông Mai Lê Xuân Huy, bán mặt hàng bia xách tay ở đường Hoàng Văn Thụ, Q.Tân Bình, cho biết các cơ sở kinh doanh có bán bia quà tết xách tay đang tận dụng để tung ra đủ mức giá. Có nơi bán lời gấp đôi, gấp ba lần so với giá gom hàng từ những người mang về VN. Ví dụ bộ bia bốn chai nhôm làm theo các mốc sự kiện lớn của Heineken trước có giá hơn 300.000 đồng thì nay có nơi bán giá gần 1 triệu đồng. Vì hàng mua đứt bán đoạn nên không cần tính đến hóa đơn đầu vào, đầu ra. Với những trường hợp cơ sở bán hàng có thành lập doanh nghiệp hoặc khách hàng yêu cầu xuất hóa đơn thì sẽ xuất hóa đơn theo dạng ghi mặt hàng là bánh kẹo, quà tặng... để hợp thức hóa. |
Theo Tuoitre