Rượu chính chủ, nước ngọt làm từ nước giếng khoan...nóng cả tuần

Chủ nhật, 30/12/2012, 12:39
Tuần qua (từ 25-29/12), nóng nhất vẫn là những sự vụ liên quan tới công nghệ sản xuất bim bim, rượu, nước giải khát, phí ATM…

Rượu độc

Năm nào cũng vậy, cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về là người tiêu dùng lại lo ngay ngáy về an toàn thực phẩm. Ai cũng biết rất nhiều hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn tràn ngập thì trường, chỉ là có ai xử lý hay không, khi mà người dân đã quá quen với câu của miệng của cơ quan quản lý nhà nước: “Bận họp nhá!”

Tuần qua, có lẽ khá đặc biệt, khi lực lượng chức năng Hà Nội đã mở một vài cuộc kiểm tra, và cuộc nào cũng thành công rực rỡ, khi kiểm đâu đểu đấy, tra đâu thấy đó. Trước tiên là hàng loạt cơ sở sản xuất bim bim trên địa bàn Hà Nội bị phát hiện dùng nguyên liệu có xuất xứ Trung Quốc để làm bim bim, như: Bột ớt khô, bột nở, bột thơm, bột nguyên liệu, phẩm màu...

nước ngọt
Nước ngọt được sản xuất bằng phẩm màu, chất tạo hương...

Đặc biệt, trong quá trình sản xuất bim bim đã trộn đường Cyclamate vào nguyên liệu, vừa tiết kiệm chi phí, còn giúp bảo quản được sản phẩm lâu. Đường này không được phép sử dụng cho thực phẩm, là chất siêu bột ngọt, ngọt gấp 1.000 lần đường trắng thông thường. Có thể gây ra ung thư gan, ung thư phổi, dị dạng bào thai, ảnh hưởng đến các yếu tố di truyền.

Không chỉ bim bim, nước ngọt cũng bị kiểm tra, và kết quả là một vài cơ sở bị đóng cửa, khi các cơ sở này sản xuất nước ngọt có gas theo công thức, dùng nước giếng khoan tại chỗ, trộn các chất tạo hương, tạo màu, chất bảo quản, đường hóa học... rồi rót vào các chai nhựa, bơm khí gas CO2 vào và đóng chai thành phẩm.

Cũng công thức tương tự, chủ các cơ sở này chỉ cần thêm cồn công nghiệp vào để thành rượu, như rượu nếp, rượu Champagne… rồi tuồn ra thị trường tiêu thụ. Nguyên liệu được các cơ sở này sử dụng chủ yếu do Trung Quốc sản xuất.

Vài năm gần đây những đấng mày râu bị vợ bỏ, bồ chê thường truyền tai nhau lên các tỉnh miền núi phía Bắc để kiếm “thần dược” rượu ngâm từ các bộ phận của cây thuốc phiện (rễ, hoa). Đấy là ngày xưa, nên phải đi xa vậy, còn giờ đây, ngay giữa Hà Nội cũng có cơ sở sản xuất số lượng lớn loại rượu thần kỳ này.

Nhưng rất tiếc, cơ sở sản xuất rượu ở huyện Từ Liêm (Hà Nội) này đã bị lực lượng chức năng phát hiện và xử lý. 5.000 lít rượu đủ loại, trong đó có một lượng lớn là rượu ngâm hoa anh túc.

rượu thuốc
Rượu ngâm các bộ phận của cây thuốc phiện như rễ, thân, hoa...

Thần dược thì chưa rõ thế nào, cứ như lý giải của lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội), thì: “Rượu có chất gây nghiện nên có thể gây hưng phấn tạm thời cho đàn ông. Tuy nhiên, về lâu dài, uống nhiều và tùy vào độ đậm đặc của lượng thuốc phiện ngâm rượu, người uống có thể bị nghiện ma túy”. Đấy là nói vậy, ai cũng biết, nhưng đâu mấy người nghe, họ chỉ nghĩ “làm người khác vui có bị sao cũng đáng”.

Sau câu chuyện xe chính chủ, chó, mèo chính chủ, giờ tới lượt rượu nút lá chuối cũng phải “chính chủ”. Cụ thể, từ ngày 1/1/2013, ai muốn nấu rượu phải đăng ký với chính quyền địa phương, được cấp phép sản xuất và phải có tem, mác đầy đủ. Đấy là quy định tại Nghị định 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu.

Gà thải Hàn Quốc trở lại BigC

Sau một thời gian tạm lắng, tuần qua câu chuyện về gà thải loại nhập khẩu lại tiếp tục nóng, khi nhiều người tiêu dùng phát hiện gà thải loại Hàn Quốc tiếp tục được bày bán tại hệ thống siêu thị BigC Thăng Long. Dù trước đó, đại diện siêu thị này từng khẳng định sẽ chưa bán loại gà này khi cơ quan chức năng chưa làm rõ các vấn đề liên quan.

gà thải
BigC Thăng Long bán lại gà thải loại Hàn Quốc. Ảnh GDVN.

Nhưng lần này, siêu thị tự gọi mình là “giá rẻ cho mọi nhà” không bán loại gà tươi đông lạnh như đợt trước, mà chế biến rồi mới bán, quay hoặc nướng, với giá chỉ 109.000 đồng/con. Đến đây người viết lại nhớ tới câu cửa miệng các cụ ta hay nói, phải chăng đúng “tiền nào của đó”?

Ở một diễn biến khác, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã đưa ra chỉ đạo rất hợp lòng dân: “Nhân dân cần bó rau sạch, miếng thịt sạch, nên trong năm 2013, trước mắt là Tết Nguyên đán sắp tới, đề nghị các đơn vị cần tập trung vào làm ngay những việc người dân cần, càng triệt để càng tốt”.

Còn thực tế thế nào, thì cần thêm thời gian để kiểm chứng, trong khi chờ đợi, người viết xin kêu gọi “vì sức khỏe của mình và của gia đình: Mỗi người hãy là người tiêu dùng thông thái”.

Cho phép thu phí ATM nội mạng

Dù dư luận phản đối, nhiều người tìm cách lý giả, phân tích, chứng minh… để Ngân hàng nhà nước không nên cho phép các ngân hàng thu phí ATM nội mạng, tránh tình trạng kinh tế khó khăn mà đụng đâu cũng thấy thuế, phí. Nhưng cuối cùng, điều người ta lo ngại nhất đã tới.

Ngày 28/12, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư quy định về phí thẻ ghi nợ nội địa (ATM). Theo đó, từ ngày 1/3/2013, giao dịch rút tiền mặt tại ATM nội mạng sẽ mất phí.

Cụ thể, phí rút tiền nội mạng áp dụng cho năm 2013 tối đa là 1.000 đồng/giao dịch. Từ 1/1/2014, mức phí sẽ tăng lên 2.000 đồng/giao dịch. Từ 1/1/2015, phí sẽ là 3.000 đồng/giao dịch, bằng với mức phí rút tiền ngoại mạng hiện nay. Ngoài ra, các NH còn được thu phí chuyển khoản với mức tối đa 15.000 đồng/giao dịch, phí in sao kê, phí thường niên và một số mức phí khác do tổ chức phát hành thẻ quy định.

Theo Phụ Nữ Today

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn