Theo đánh giá của ADatamonitor (công ty nghiên cứu thị trường của Anh), thị trường nước đóng chai Việt Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển, với doanh thu ước tính đạt 300 triệu USD vào năm 2014.
Khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen tại 6 thành phố lớn (chiếm 60% tổng dung lượng thị trường) cho thấy, thị trường nước đóng chai năm 2012 đạt mức tăng trưởng 23% so với năm 2011. Các thành phố lớn có mức tăng trưởng rất đều, như Hà Nội tăng hơn 20%; TP.HCM tăng 30%.
Bà Nguyễn Hương Quỳnh, Giám đốc Dịch vụ khách hàng (Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen) cho biết, lợi thế trên thị trường sản phẩm nước uống đóng chai hiện vẫn nghiêng về các nhà sản xuất nước ngoài. Đứng đầu thị trường sản phẩm nước uống đóng chai Việt Nam hiện là Aquafina của Pepsi (chiếm 40% thị phần). Tiếp đến là La Vie (chiếm 30% thị phần); Khánh Hòa (với thương hiệu Đảnh Thạnh, chỉ chiếm 7,6% thị phần); Coca - Cola với nhãn hàng Dasani.
“70 - 80% thị phần nước uống đóng chai nằm trong tay các nhà sản xuất nước ngoài, chỉ có một phần nhỏ thị phần thuộc các nhà sản xuất trong nước”, bà Quỳnh cho biết.
“Đại gia” tăng tốc
Dẫn đầu về thị phần, nhưng các “đại gia” không ngủ quên trên chiến thắng. Mới đây, Coca - Cola thông báo về việc mở rộng đầu tư thêm 300 triệu USD vào thị trường Việt Nam.
Ông Nguyễn Khoa Mỹ, Giám đốc đối ngoại Coca - Cola cho biết, phần lớn khoản đầu tư này tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng mới, cũng như phát triển danh mục các sản phẩm của Coca - Cola tại Việt Nam, trong đó có ngành hàng nước tinh khiết đóng chai với thương hiệu Dasani.
Công ty TNHH La Vie (trực thuộc Tập đoàn Nestlé Waters) cũng vừa thông báo khoản đầu tư 12 triệu USD cho việc xây dựng dây chuyền mới tại Long An, nâng tổng đầu tư của La Vie tại Việt Nam (1 nhà máy tại Long An và 1 tại Hưng Yên) lên 23 triệu USD.
Ảnh minh họa |
“Đây là mức đầu tư lớn nhất của La Vie từ trước đến nay. Công suất của dây chuyền mới gấp 3 lần dây chuyền hiện tại, hoạt động trên diện tích lớn với quy trình hoàn toàn tự động, khép kín. Có thể nói, đây là dây chuyền nước khoáng đóng chai có công suất lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại”, bà Nguyễn Thị Tuyết Vân, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH La Vie Việt Nam nói và cho biết, La Vie cũng đang xem xét đầu tư mở rộng dây chuyền tại Hưng Yên.
Một đại gia khác là Pepsi với thương hiệu Aquafina cũng không để lỡ cơ hội tại Việt Nam, khi cuối quý I/2012, đã đưa vào vận hành nhà máy tại Khu công nghiệp Long Bình, TP. Biên Hòa, Đồng Nai (nhận chuyển nhượng từ San Miguel) với công suất 180.000 lít/năm.
“Đây là một phần trong chiến lược mở rộng đầu tư tại Việt Nam, hay nói đúng hơn là hiện thực hóa lượng vốn tăng thêm 250 triệu USD mà Tập đoàn đã cam kết vào năm 2010”, ông Saad Abdul Latif, Giám đốc điều hành PepsiCo khu vực châu Á, Trung Đông và châu Phi cho biết.
Thị trường nước uống đóng chai vẫn được xem là “mảnh đất” nhiều tiềm năng với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Mới đây, theo thông báo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương, trong số 17 dự án FDI được cấp mới lẫn tăng vốn trong 8 tháng đầu năm 2012, xuất hiện Công ty Nước giải khát Kirin Việt Nam (Khu công nghiệp Mỹ Phước 2, Bến Cát) quyết định tăng vốn điều lệ lên 15,8 triệu USD để sản xuất nước hoa quả đóng chai, đóng hộp và các loại nước giải khát khác.
Về đâu thương hiệu Việt?
Nếu các “đại gia” đang nỗ lực đầu tư giữ thị phần, thì theo bà Quỳnh, vẫn còn một điểm sáng về phía doanh nghiệp Việt. Đó là xuất hiện xu hướng nhà sản xuất trong nước bắt đầu đầu tư mạnh hơn vào ngành hàng này. Đơn cử, mới đây, nhãn hàng Vital tung ra hàng loạt sản phẩm mới, như nước chanh muối, chanh tươi, chanh dây…
“Đây chính là cấp bậc và mức phát triển mới của ngành hàng nước uống đóng chai và điều đáng mừng là, người tiêu dùng rất hồ hởi với những sản phẩm này. Mới đây, Vinamilk cũng bắt đầu chen chân vào thị trường với nhãn hàng nước chanh muối, nhằm bắt kịp xu hướng nhu cầu của người tiêu dùng thích uống các nước có lợi cho sức khỏe”, bà Quỳnh cho biết.
Khi được hỏi: “DN Việt sẽ ra sao trước áp lực đại gia nước ngoài?”, ông Võ Đức Hòa, Giám đốc Makerting Công ty Vĩnh Hảo cho rằng, nếu DN đầu tư bài bản trong lĩnh vực nước uống đóng chai, thì lợi nhuận thực sự không cao (!) đại diện Sapuwa và Đảnh Thạnh cũng khá ngần ngại khi chia sẻ chiến lược phát triển của đơn vị.
Tìm đến các chuyên gia tư vấn, với câu hỏi “Đâu là trở ngại lớn nhất của các thương hiệu Việt trên thị trường này?”. Câu trả lời là, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có điểm yếu cố hữu chung là chưa có chiến lược phát triển thị trường bài bản như doanh nghiệp nước ngoài.
“Chưa tập trung sức lực để xây dựng thương hiệu, vẫn tập trung ở nội địa và không có kế hoạch tập trung xây dựng thương hiệu và mở rộng phân khúc thị trường, tâm lý khai thác từ nhu cầu có sẵn vẫn nhiều hơn mở ra nhu cầu mới là những điểm yếu của doanh nghiệp trong nước”, bà Hương Quỳnh phân tích và cho rằng, vấn đề làm thế nào để khác biệt trong “đám đông” sẽ là một thách thức lớn cho các nhà sản xuất trong nước.
Theo Baodautu