Kinh hoàng bì lợn bẩn

Thứ tư, 26/12/2012, 17:19
Những độc tố tích tụ trong quá trình sản xuất bóng bì lợn gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người tiêu dùng.

Truy tìm nguồn gốc 

Trong vai một người mới vào nghề, chúng tôi được anh T. một thợ lành nghề gốc Hưng Yên mách mối về xã Tam Đa, Yên Phong, Bắc Ninh để kiếm nguồn hàng. Đây là  đầu mối của bì lợn, là một trong những trạm trung chuyển nội tạng, mỡ bì lớn nhất khu vực miền Bắc. 
 
Về Tam Đa, hình ảnh đầu tiên chúng tôi bắt gặp là hàng đống bì lợn được để công khai trước cửa nhà. Có loại được đóng gói sẵn, có loại đổ ra sân không hề được bảo quản. Nhiều gia đình không đủ diện tích còn đổ ra sát mặt đường. Một màu vàng ố nhuộm lên những đống bì lợn, ruồi nhặng mặc sức bâu vào.
 
Để thu gom được hàng tạ bì lợn nhập cho các cơ sở sản xuất, các hộ gia đình phải gom từ nhiều chợ đầu mối, các cơ sở giết mổ khác nhau trên địa bàn. Nếu nguồn hàng ở các vùng lân cận không đủ thì phải đến tận Hải Phòng, Bắc Giang, Hải Dương... để gom hàng.
 
bi lon ban
 Từng bao tải bì lợn chất đồng chờ phân phối tới các cơ sở sản xuất
 
Gia đình nào buôn bán quy mô lớn, chủ động liên hệ với lái buôn ở các tỉnh thu gom rồi chuyển về tận nhà. Theo tiết lộ của những người chuyên nhập bì lợn, mỗi kg bì lợn được nhập với giá từ 4.000 đến 5.000 đồng tùy chất lượng nguồn hàng và giá bán ra cũng tùy theo đó mà định theo mức 7.000 đến 8.000 đồng, hoặc có thể hơn tùy thời điểm.
 
Như vậy, mỗi một chuyến hàng, người dân khu vực Tam Đa trừ tất cả các chi phí, cũng thu về gần 1 triệu đồng tiền lãi. Bì lợn thu gom ở những tỉnh thành khác phải chịu thêm phí vận chuyển. Có thể hai ba ngày bì lợn mới về được điểm tập kết nên việc bì bị hỏng, ôi thiu, bốc mùi là không tránh khỏi. Hơn nữa, phải từ hai đến ba ngày mới gom đủ số lượng mà các cơ sở sản xuất yêu cầu. Nên hầu hết khi chuyển được đến nơi sản xuất đã rơi vào tình trạng bốc mùi, hoen ố.
 
Khi đã gom đủ số hàng theo yêu cầu của các cơ sở sản xuất, người dân Tam Đa nhanh chóng đóng gói vào các bao tải lớn hoặc chia thành nhiều túi nilon nhỏ chuẩn bị cho quá trình vận chuyển.
 
Lần theo những mối nhập hàng lâu năm, được biết họ vận chuyển chủ yếu bằng xe máy và giao tận nơi cho các cơ sở sản xuất. Chiếc xe máy ì ạch chở gần nửa tấn hàng vượt qua quãng đường làng gồ ghề. 
 
Đi được chừng 2 km, lái xe dừng lại để đón thêm bạn hàng rồi thẳng tiến về quốc lộ 1A. Từng đoàn xe chở hàng di chuyển theo đường Cầu Hồ qua Thuận Thành, Bắc Ninh.
 
Khoảng 2 tiếng di chuyển, xe hàng đến QL 5 và rẽ vào thị trấn Như Quỳnh. Đi thêm chừng hơn 1 km là tới thôn Bình Lương, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, Hưng Yên.
 
Đến Bình Lương, tập đoàn xe chở ‘bì lợn’ phân ra nhiều ngã rẽ, tìm về những mối hàng quen của mình để phân phối. Tại Bình Lương, người dân áp dụng công nghệ ‘phù phép’ để biến bì lợn kém chất lượng thành những sản phẩm thơm ngon đến tay người tiêu dùng.
 
Nhiễm độc từ khâu nhập nguyên liệu
 
Với những công nghệ tinh vi, bì lợn bẩn được "phù phép" thành sản phẩm bóng bì bán rộng rãi trên thị trường hiện nay. Bóng bì trở thành món ăn khoái khẩu của người dân trong các món canh, lẩu hoặc các món nem.
 
Theo tìm hiểu, thôn Bình Lương, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, Hưng Yên là đầu mối cung cấp mặt hàng bóng bì nhiều nhất cho khu vực phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội. 
 
Nhiều tiểu thương trong các chợ nội thành Hà Nội như chợ Cầu Diễn, Phùng Khoang, chợ Hôm..cho biết, việc nhập mối hàng này cũng không hề đơn giản.
 
Các loại bóng bì ở đây được nhập qua chợ đầu mối, từ một người nhận lấy hàng cho cả chợ rồi sau đó các tiểu thuơng đến lấy hàng hoặc phải trực tiếp xuống lấy hàng tại thôn Bình Lương. Nhưng nếu muốn nhập được hàng tại thôn Bình Lương phải là các mối quen hoặc có người giới thiệu.
 
Tiếp xúc với anh H., người chuyên ‘môi giới’ mua bóng bì lợn cho biết, nếu là tiểu thuơng mới thì chịu khó bỏ cho anh H. khoảng 100.000 đồng phí dẫn mối rồi từ sau cứ thế đến làng đó, nhà đó mà lấy hàng.
 
Người tiêu dùng hiện vẫn sử dụng sản phẩm bóng bì mà không hề biết nguồn gốc và quá trình sản xuất như thế nào. Bóng bì lợn được bán tại các chợ dao động từ 200.000 đến 300.000 đồng /kg.
 
Trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện công nghệ sinh học, Khoa Công nghệ thực phẩm, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: Bóng bì đã bẩn và nhiễm độc tố ngay từ lúc nhập nguyên liệu. Bì lợn để lâu ngày, ôi thiu tạo môi trường thuận lợi cho các loại vi sinh vật phát triển, sinh nhiều độc tố. Cộng với việc chế biến không đảm bảo vệ sinh, tạo điều kiện cho vi khuẩn có điều kiện phát triển trong thực phẩm.
 
"Hiện trong quá trình sản xuất bóng bì lợn, sẽ không làm sạch được các vi khuẩn đã nhiễm vào nguyên liệu từ trước đó. Lâu ngày, vi khuẩn tích tụ và gây độc. Những chất tẩy sử dụng trong quá trình chế biến nhiễm vào cơ thể với hàm lượng cao có thể gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người tiêu dùng.
 
"Đặc biệt nguy hiểm hơn, những độc tố tích tụ trong thực phẩm có nguồn nguyên liệu bẩn sẽ không chết đi trong quá trình chế biến.  Những độc tố trong bóng bì nếu có hàm lượng lớn có thể gây chết người ngay. Những trường hợp khác, độc tố sẽ tích tụ trong cơ thế gây nguy hiểm trực tiếp cho gan, gây rối loạn tiêu hóa”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nói.
 
Việc để phân biệt bóng bì chất lượng và bóng bì kém chất lượng bằng nhãn quan theo ông Thịnh là không thể. Nên cần giáo dục ý thức người dân trong việc sản xuất bóng bì để đảm bảo vệ sinh và đưa ra thị trường những sản phẩm có chất lượng tốt nhất.
 
 
Theo VTCnews

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn