Mặc dù Chính phủ đã ban hành chính sách đối với người nuôi cá tra, chế biến xuất khẩu nhiều tháng qua nhưng người nuôi cá và doanh nghiệp vẫn rất khó tiếp cận được vốn vay ưu đãi. Doanh nghiệp thì dần “rơi rụng” do cơn bão thị trường, còn người dân lại lần lượt “treo ao”.
Tiếp xúc với Ông Lê Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang – đại diện cho người nuôi cá, điều mà ông tâm tư nhất là người nuôi dần không sống nổi với con cá tra. Nuôi thua lỗ, ngân hàng không tiếp tục cho vay vốn bởi những rủi ro đã đẩy nghề nuôi vào thế khó.
Trên thực tế, chỉ còn một số rất ít hộ vẫn duy trì nuôi số lượng lớn cho các nhà máy. Đa phần còn lại đều bỏ nghề, treo ao hoặc chuyển sang nuôi nhỏ lẻ để bán chợ.
Ông Bình còn cho biết thêm, ở An Giang bây giờ nhiều ngân hàng không mặn mà với việc cho vay nuôi cá nữa. Bởi ngoài những rủi ro của ngành nghề thì một thực tế là dân không còn tài sản để thế chấp. Mặt khác, khi hạch toán kinh tế cho thấy đổ vốn vào nuôi cá là toàn thua lỗ nên không ai dám đầu tư, không dám cho vay.
“Khó khăn bây giờ là không có vốn. Thua lỗ nhiều quá rồi. Bây giờ có bán xong thì cũng treo đó để chờ cơ hội thôi. Chứ ai còn vốn thì gắng gượng mà làm” - ông Lê Chí Bình cho hay.
Người nuôi cá tra lần lượt “treo ao” vì thiếu vốn |
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), hiện nay nguồn vốn từ các ngân hàng cho sản xuất và tiêu thụ cá tra chủ yếu là vốn vay ngắn hạn. Nông dân và doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp, hoặc tài sản thế chấp là ao nuôi và các công trình phụ trợ chỉ được đánh giá như đất nông nghiệp nên bà con không tiếp tục được vay vốn, thua lỗ và đã phải “treo ao”.
Hiện rất nhiều nông dân nuôi cá đang “đuối” vì không có tiền đầu tư mua cá giống, mua thức ăn. Đối với các doanh nghiệp thiếu vốn thì phải nợ tiền cá của nông dân từ 1 - 3 tháng. Có nơi doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc giảm tới 90% công suất.
Từ tháng 8 vừa qua, thời điểm có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng cho thủy sản và chăn nuôi, toàn bộ chuỗi nuôi trồng, sản xuất cá tra vẫn rất khó tiếp cận vốn.
Bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, có gói chính sách hỗ trợ cho cá tra nhưng người dân tiếp cận rất khó. Bộ NN&PTNT cũng rất khó để can thiệp bởi liên quan đến quy định tài chính.
“Với ngân hàng nếu không có hình thức bảo lãnh nào cũng gây rủi ro cho ngân hàng, đặc biệt là nợ xấu. Nếu đề nghị người nông dân cần có đề án, không có nợ, không có thế chấp mới được vay thì đúng là khó cho dân. Việc này các hiệp hội và HTX cần bàn thật kỹ” - Bà Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết.
Theo ông Dương Ngọc Minh, Phó chủ tịch VASEP, xung quanh việc giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, lãnh đạo các ngân hàng khẳng định nguồn vốn cho vay là không thiếu. Việc các doanh nghiệp có tiếp cận được nguồn vốn này hay không là phụ thuộc vào khả năng thực tế của từng doanh nghiệp.
Theo nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực thủy sản, nhất là sản phẩm cá tra, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có Quyết định kéo dài thời gian có hiệu lực của Thông tư 03 (quy định về cho vay ngoại tệ) đến ngày 31/12/2012. Quyết định này đã kịp thời tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản được vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế hết sức khó khăn như hiện nay, Ngân hàng Nhà nước cần kéo dài thêm thời gian có hiệu lực của thông tư này. Bên cạnh đó, các ngân hàng cần khoanh nợ cho các doanh nghiệp và tiếp tục cho vay với điều kiện các doanh nghiệp phải hoạt động đúng ngành nghề và khả năng thực tế của họ dưới sự giám sát chặt chẽ của các ngân hàng.
Ông Dương Ngọc Minh đề nghị: “Chính phủ cần có chỉ đạo với ngân hàng để cùng với ngành nông nghiệp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người nuôi. Ngành thủy sản cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết việc làm. Ngoài vấn đề tín dụng, cần có những chính sách kèm theo để giữ công ăn việc làm cho người lao động và cho phát triển kinh tế”.
Doanh nghiệp đang thiếu tiền, ngân hàng nói không thiếu vốn, nhưng doanh nghiệp vẫn không vay được. Vậy ai là người đứng ra giải thích vấn đề này cho doanh nghiệp? Câu hỏi này chưa thông thì diễn tiến trong thực tế đang diễn ra là người nuôi tiếp tục “treo ao”, doanh nghiệp tiếp tục phá sản.
Cảnh báo thiếu nguyên liệu cho những nhà máy chế biến xuất khẩu với công suất “khủng” ngày càng là bài toán khó giải. Và tới khi đó, sự “sụp đổ” với hiệu ứng domino sẽ càng làm cho ngành sản xuất có lợi thế của Việt Nam khó mà gượng dậy.
Theo VOV