Đua tăng giá với điện
Theo khảo sát của PV trong ngày 24/12, tại các chợ Ung Văn Khiêm, Chợ Thanh Đa, chợ Bà Chiểu, chợ Cây Quéo (quận Bình Thạnh - TP.HCM), giá các mặt hàng tiêu dùng đang tăng. Hiện, giá thịt gà, cá tại các chợ tăng 10.000-15.000 đồng/kg.
Ví dụ, đùi gà công nghiệp tăng từ 50.000 lên 60.000 đồng/kg, ức gà từ 45.000 lên 55.000 đồng/kg... Một tiểu thương bán gà tại đây cho biết, giáp Tết còn tăng thêm mấy đợt nữa.
Giá thịt lợn cũng tăng từ 5.000 đến 10.000 đồng/kg so với tuần trước. Thịt lợn thăn tăng giá từ 90.000 lên 105.000 đồng/kg, sườn tăng từ 90.000 lên 110.000 đồng/kg.
Theo các tiểu thương, do giá điện tăng, nên các đầu mối cấp thịt cũng tăng giá thịt. Không chỉ các loại thịt tăng giá, hàng rau, củ quả cũng đội giá thêm 1.500-2.000 đồng/kg. Tại chợ Tân Định (quận 1-TP.HCM), hải sản tươi sống như cá, mực cũng tăng thêm khoảng 50.000 đồng/kg.
Ảnh minh họa |
Tại các siêu thị Co.op Mart (Quốc Lộ 13, Bình Thạnh-TP.HCM), Big C (Hoàng Văn Thụ), giá các mặt hàng thực phẩm như thịt bò, gà, heo...tăng 5.000 - 10.000 đồng/kg các loại.
Lê Ngọc, sinh viên Học viện Ngoại giao (trọ ở khu vực Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, giá điện ở phòng trọ đã cao hơn rất nhiều so với giá nhà nước bán cho các hộ dân, bây giờ tăng nữa, chủ trọ sẽ viện cớ đẩy giá thêm. Chủ nhà trọ đòi tăng 500 đồng/kwh.
Tại những nơi tập trung nhiều trường đại học của Hà Nội như khu vực Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, Chùa Bộc, Hà Đông…, giá điện hiện ở mức 3.000-5.000 đồng/kwh.
Minh Tâm (sinh viên Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội), trọ khu vực Cầu Giấy lo sợ: “Giá điện tăng, đừng mong chủ nhà bỏ qua. Mỗi tháng phòng tôi đã chi trả 500-600 nghìn tiền điện, nếu chủ nhà tăng thêm 1.000 đồng/kwh nữa, không biết xoay ra sao”.
Bà Nguyễn Vinh, chủ nhà trọ tại Hà Đông nói: “Hết tháng này, sẽ điều chỉnh giá điện phòng trọ, vì nhà nước đã tăng. Hiện, tôi thu của sinh viên 3.000 đồng/kwh. Chúng tôi sẽ sớm thông báo để các cháu nắm rõ. Nhà nước tăng giá, hàng xóm tăng, nhà tôi cũng phải tăng chứ”.
Chủ nhà trọ ở Đà Nẵng “té nước theo mưa”
Các trủ nhà trọ trên địa bàn TP Đà Nẵng ồ ạt tăng giá điện vô tội vạ. Khảo sát tại các điểm trọ gần trường ĐH Sư phạm, ĐH Bách khoa Đà Nẵng, ĐH Kinh tế, Kiến trúc... giá điện được các chủ trọ thông báo tăng 20-30%.
Nguyễn Văn Huấn, sinh viên ĐH Kiến trúc Đà Nẵng trọ trên đường Nguyễn Văn Thoại (quận Sơn Trà) cho hay: Đầu tháng trước, tiền điện đã tăng lên 4.000 đồng/ kwh.
Nhưng sau đợt tăng giá điện này, chủ trọ quyết định tính mức 5.000 đồng/kwh, nước 7.000 đồng/m3, đắt gấp 3-4 lần so với giá thành. “Với giá này, ít nhất mỗi tháng bọn em phải bù thêm trên dưới 100.000 đồng” - Huấn nói.
Không ít khu trọ ở vị trí trung tâm thành phố, sinh viên, công nhân phải trả mức giá 5.000-6.000 đồng/kwh. Ngành điện tăng một, chủ trọ ăn theo tăng giá đến vài lần.
Lãnh đạo Sở Công thương TP Đà Nẵng cho biết: Về nguyên tắc, người thuê trọ chỉ phải trả tiền điện theo đúng bảng giá nhà nước. Tuy nhiên, tình trạng nâng giá điện vẫn khá phổ biến, đặc biệt khi có diễn biến tăng giá điện.
Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng giám đốc Cty thủy sản Thuận Phước, cho rằng: Việc tăng giá điện trong thời điểm cận Tết là bất hợp lý.
Giá điện liên tục tăng, trong khi ngành điện không đảm bảo cung ứng chất lượng điện tốt nhất cho người tiêu dùng.
Các chuyên gia dự báo: việc tăng giá điện sẽ đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng lên, kéo theo các mặt hàng thiết yếu tăng cao dịp Tết.
Theo ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát, với giá điện tăng 5%, giá thép của Hòa Phát sẽ đội lên khoảng 50.000 đồng/tấn, và doanh nghiệp phải chịu giảm lãi. Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cũng chia sẻ việc tăng giá điện sẽ gây khó khăn thêm cho ngành thép. “Giá sản xuất đầu vào tăng, nhưng đầu ra ngành thép đang gay go, doanh số bán sụt giảm. “Giá điện tăng, nhưng giá thép không tăng được, vì có bán được đâu mà tăng. Thêm khó khăn, biết làm sao được. Thế này ngành thép càng chết” – ông Nghi nói. |
Theo Tienphong