TP Cà Mau hiện có khoảng 3.800 hộ nuôi cá chình, cá bống tượng với diện tích gần 900 ha tập trung nhiều ở các xã Tân Thành, An Xuyên và phường Tân Thành.
Cùng với con tôm, cá bống tượng và cá chình được xem là đối tượng nuôi chủ lực của nông dân TP Cà Mau. Khi phong trào nuôi cá trở nên thịnh vượng thì bỗng dưng vài tháng trở lại đây, giá cá chình, cá bống tượng sụt giảm mạnh.
Trên hai mươi năm nay, xã Tân Thành được biết đến là “địa chỉ đỏ” của tỉnh Cà Mau trong phong trào nuôi cá chình, cá bống tượng. Theo thống kê của Hội Nông dân xã, toàn xã hiện trên 1.400 hộ tham gia nuôi cá chình, cá bống tượng với diện tích 236 ha.
Thông thường, vào thời điểm tháng 10 âm lịch hàng năm, nông dân đã xuất bán gần hết lượng cá chình, cá bống tượng trong ao để chuẩn bị cho vụ nuôi tiếp theo. Nhưng thời gian qua do giá cá sụt giảm mạnh nên đến nay vẫn còn khoảng 80% số hộ nông dân xã Tân Thành neo cá trong ao chờ giá.
Ông Huỳnh Văn Hận, Chủ nhiệm HTX Tân Thành Tiến, người có thâm niên trên 20 năm nuôi cá chình, bống tượng cũng không lường trước được giá cá lại sụt giảm mạnh như vậy. Cùng chung số phận với 14 thành viên trong HTX, 52 ao cá chình, cá bống tượng của ông Hận đều có thể xuất bán nhưng giá cá sụt mà bán thì cũng không có thương lái đến mua đành phải neo ao chờ giá.
Giá cá thấp, nhiều hộ nông dân TP Cà Mau phải tiếp tục mua mồi cho cá bống tượng, cá chình ăn để chờ giá |
Theo tính toán của các hộ nuôi cá, để có được 1kg cá bống tượng thương phẩm nông dân phải đầu tư 10kg thức ăn, cộng với công chăm sóc… thì giá cá phải trên 350 ngàn đồng/kg, còn cá chình từ 450 ngàn đồng trở lên thì người nông dân mới có lãi.
Ông Hận cho biết, hiện tại, giá cá bống tượng loại 1 từ 500-800gr có giá 260 ngàn đồng/kg, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm 2011. Còn giá cá chình được thương lái thu mua cầm chừng cũng chỉ ở giá 450 ngàn đồng/kg. Vào những ngày đầu tháng 12 năm nay có một số thương lái từ tỉnh Kiên Giang qua thu mua với giá cá tương đối cao nhưng cũng chỉ được vài ngày không hiểu sao họ lại lập tức đi ngay.
Giá cá thương phẩm tụt dốc nhưng chi phí không hề giảm. Mỗi ngày ông Hận tốn trên một triệu đồng để mua cá mồi. Để có tiền mua cá mồi cho cá bống tượng ăn chờ giá lên, ông Hận cùng 7 thành viên trong HTX buộc phải thế chấp sổ đỏ để vay tiền ngân hàng. Riêng ông Hận bấm bụng vay ngân hàng 500 triệu đồng với lãi suất 14,5%/năm.
Nằm giáp ranh với xã Tân Thành, là phường Tân Thành hiện có trên 800 hộ nuôi cá chình, cá bống tượng với diện tích 431 ha cũng chung số phận. Qua một năm chăm sóc, hàng ngàn con cá bống tượng của ông Huỳnh Ngọc Học, khóm 3, phường Tân Thành đã có thể xuất bán.
Thế nhưng, giá cá thương phẩm sụt giảm mạnh từ tháng 5 đến nay, khiến ông Học vô cùng hoang mang. Hàng ngày ông Học vẫn phải kiếm thức ăn cho cá bống tượng chờ giá. Vì nếu bán ra, với giá cá thương phẩm như hiện nay thì mới đủ tiền cá giống.
Ông Học nói như than: “Khoảng nửa năm nay, nông dân phường Tân Thành không dám đầu tư nuôi thêm cá chình, cá bống tượng vì giá cá sụt giảm mạnh. Giá cá thương phẩm và cá giống gần như nhau. Chúng tôi xuất bán cá thì điện thoại hỏi thương lái, họ mua bao nhiêu thì bán bấy nhiêu chứ không biết giá trước hoặc hợp đồng giao kèo nào, thành thử ra, cá xuất khẩu mà bán như giá cá chợ".
Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND phường Tân Thành nhận định: Trong thời gian qua, giá cá sụt giảm rất mạnh, nông dân bị lỗ vốn. Trước đây, các thương lái vào thu mua cá bống tượng, cá chình họ cạnh tranh lành mạnh với nhau nên đẩy giá cá lên theo hướng có lợi cho người nuôi. Nhưng thời gian gần đây, nông dân có phản ánh các thương lái liên kết với nhau thành đầu mối nên ép giá nông dân khiến giá cá giảm mạnh.
“Nghề nuôicá chình và bống tượng gắn bó với nông dân chúng tôi cả chục năm nay. Bây giờ mà bán hết diện tích đất bờ bao xuống để lấp ao thì 3 đến 4 năm mới trồng hoa màu được. Nhưng nếu qua đầu năm màgiá cá không tăng trở lại thì cũng đành phải bấm bụng lấp ao” - ông Huỳnh Văn Hận, Chủ nhiệm HTX Tân Thành Tiến, ấp 3, xã Tân Thành, TP Cà Mau ngậm ngùi. |
Theo NNVN