Các cơ quan chức năng một lần nữa dóng lên hồi chuông về nguy cơ bùng phát nạn pha chế, lưu hành, tập kết rượu giả tại các thị trường lớn như Hà Nội trong dịp áp Tết.
Ngày 21/12, Đội Quản lý Thị trường số 11 Hà Nội phối hợp với Cảnh sát kinh tế Công an quận Tây Hồ bất ngờ kiểm tra và bắt quả tang một cơ sở làm rượu vang giả với quy mô rất lớn tại ngõ 38, Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội.
Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện có hơn 10 nghìn chai rượu vang giả với các nhãn hiệu Bordeaux, Chile đã được đóng gói thành phẩm chuẩn bị đưa ra thị trường. Ngoài ra, còn một lượng lớn rượu vang đóng trong túi, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Qua điều tra, các đối tượng khai nhận đã dùng rượu vang Đà Lạt và các loại rượu vang đóng túi không nguồn gốc để sang chiết, đóng chai, dán nhãn mác giả các thượng hiệu rượu vang bán chạy trên thị trường, để bán kiếm lời.
Qua điều tra, các đối tượng khai nhận đã dùng rượu vang Đà Lạt để sang chiết, đóng chai, dán nhãn mác giả các thượng hiệu rượu vang bán chạy trên thị trường |
Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng còn thu giữ một lượng lớn bao bì, nhãn mác các loại rượu vang ngoại đắt tiền. Đặc biệt là hàng ngàn chiếc tem chống hàng giả cũng được các đối tượng làm giả một cách tinh vi. Các đối tượng cũng không xuất trình được bất kỳ giấy phép hoạt động cũng như nguồn gốc xuất xứ số rượu trên.
Điều khó hiểu là theo thống kê trên giấy thì tỷ lệ rượu giả tại Việt Nam có vẻ như đang giảm dần qua các năm.
Từ tháng 11/2011 đến tháng 6/2012 đã có hàng trăm vụ rượu ngoại nhập lậu bị xử lý và 83.096 chai rượu lậu các loại bị tịch thu. Cũng theo các cơ quan chức năng, 60-70% lượng rượu ngoại trên thị trường là rượu lậu được nhập khẩu bất hợp pháp qua biên giới Tây Nam, miền Trung và gian lận thương mại khi làm thủ tục thông quan và tạm nhập tái xuất.
Tuy nhiên, phải từ quý 4, vấn nạn pha chế, vận chuyển tập kết rượu giả ém hàng chờ Tết mới thực sự trở nên nóng bỏng tại các trung tâm lớn như Hà Nội.
Trong ngày Chống hàng giả, Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) mới đây, ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch VATAP cho rằng: “Tết là dịp hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng hoành hành. Vì vậy, người tiêu dùng cần tự bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của mình bằng cách chỉ mua tại các nhà phân phối, cửa hàng, đại lý chính hãng, siêu thị”.
Trên thực tế, gần dịp Tết Nguyên đán, thời điểm tiêu thụ rượu các loại tăng mạnh thì số lượng rượu giả, rượu kém chất lượng được tung ra càng nhiều. Mặc dù những vụ việc kinh doanh, vận chuyển buôn bán rượu lậu, rượu giả qua đấu tranh, bị các cơ quan chức năng phát hiện ít hơn rất nhiều so với cùng kỳ các năm trước, nhưng trên thực tế việc kinh doanh rượu lậu vẫn đang diễn ra rất phức tạp.
Theo một cán bộ của Đội Chống buôn lậu và Buôn bán hàng cấm Công an Thành phố Hà Nội, thường thì các đầu nậu vào cuộc từ thời điểm cuối tháng 10 đầu tháng 11. Các đường dây từ nguồn hàng, cung cấp tem giả đến các khâu đóng gói đã được chuẩn bị đâu vào đấy.
Lý giải cho việc tỷ lệ rượu giả đã giảm trong thời gian qua nhưng có thể vẫn chưa phản ánh đúng với thực tế, GS.TS Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia, Rượu, Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng, tỷ lệ rượu giả giảm được căn cứ trên số vụ việc được phá trong các năm hay số lượng các chai ngẫu nhiên được kiểm tra từ nhiều địa điểm trong nước. Tuy nhiên, số lượng rượu giả tồn tại trên thực tế như thế nào, thì không thể có con số chính xác hay có thể khẳng định.
Từ đó, chỉ có thể nhấn mạnh tình trạng rượu giả (thông qua phản ánh của người tiêu dùng) vẫn luôn phức tạp trên bề rộng, quy mô và số lượng. Bên cạnh đó, tem rượu giả cũng được sản xuất cực kỳ tinh vi có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam qua con đường tiểu ngạch, và rất khó phân biệt bằng mắt thường.
Ngay cả với các cơ quan chức năng, muốn phân biệt được đâu là thật, giả phải thông qua giám định vì vậy, người tiêu dùng rất khó phát hiện.
Đối với tình trạng rượu lậu, ông Lê Thế Bảo, cho biết, dù tỷ lệ rượu giả đã được giảm đáng kể nhưng tình trạng rượu lậu vẫn còn khá cao với diễn biến phức tạp về quy mô lẫn tổ chức tiêu thụ và cơ quan chức năng chưa kiểm soát được. 60- 70% lượng rượu lậu trên thị trường được nhập vào Việt Nam qua tuyến biên giới Tây Nam, miền Trung và gian lận thương mại khi làm thủ tục thông quan và tạm nhập tái xuất.
Nguy hiểm hơn, rượu giả được trộn lẫn cùng với rượu ngoại nhập lậu hoặc các loại hàng hóa khác. Phương thức điển hình của gian lận thương mại là khai hải quan tạm nhập tái xuất vào các cửa hàng miễn thuế trong khu vực kinh tế cửa khẩu, khu vực thương mại tự do hoặc tái xuất sang nước thứ 3 nhưng phần lớn lại tuồn vào thị trường nội địa trên đường vận chuyển. Hoặc gian lận khi làm thủ tục thông qua hàng nhập khẩu như nhập nhiều khai ít, nhập rượu ngoại nhưng khai là hàng khác.
Theo TBKTVN