1. Táo Trung Quốc: nhiễm độc
Loại táo Fuji có xuất xứ từ Yên Đài, Trung Quốc cách đây không lâu rất được ưa chuộng ở Việt Nam. Loại táo này có màu sắc đẹp, vỏ bóng, ăn giòn, sản lượng cả triệu tấn mỗi năm.
Tuy nhiên, vừa qua, thông tin táo Fuji được trồng bằng công nghệ bọc túi tẩm thuốc sâu độc hại khiến nhiều người tiêu dùng Việt Nam nhanh chóng quay lưng. Được biết, chất bột trong các bọc nhựa chính là thiram (một loại thuốc diệt nấm độc hại) và melarsoprol (hợp chất hữu cơ độc hại chứa arsen). Nhiều nông dân Trung Quốc trồng táo đã bọc táo từ lúc còn non đến lúc chín bằng loại túi tẩm thuốc trừ sâu này.
Tháng 3/2012, cơ quan chức năng ở Trung Quốc đã tịch thu 200 triệu túi nhựa độc hại trên và ra lệnh cấm sử dụng phương pháp ủ trái cây này. Song một lượng lớn các túi nhựa như thế vẫn đang được sản xuất và cung ứng cho các nông trại trồng táo.
Được biết, trong thành phần nguyên liệu sản xuất túi nhựa có cả thuốc trừ sâu pha loãng với nước. Nhưng trên bao bì của túi nhựa ghi chú là "túi chỉ dùng bọc táo" chứ không có cảnh báo về thành phần thuốc trừ sâu bên trong.
Nhận xét về công nghệ bọc táo từ khi còn non trên cây đến khi thu hoạch ở Trung Quốc, GS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng: "Công nghệ bọc kín quả khi quả còn non ở trên cây để tránh sâu bệnh (bằng màng phủ trên bề mặt, bằng các loại chất dẻo) là một trong những công nghệ bảo quản hoa quả tiên tiến hiện nay.
Tuy nhiên, công nghệ bảo quản này sẽ không gây độc hại cho người nếu được nghiên cứu và kiểm duyệt quy trình chặt chẽ. Có những thuốc bảo vệ thực vật được các cơ quan chức năng cho phép, khi sử dụng đúng liều lượng và không ngấm sâu vào quả mà chỉ bảo vệ bề ngoài, trước khi ăn ngâm rửa và gọt vỏ thì sẽ không độc", TS Thịnh cho biết.
2. Nho Trung Quốc: hóa chất vượt ngưỡng 3-5 lần
Từ đầu tháng 7 đến nay, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) đã lấy 104 mẫu trái cây, rau củ nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước khác đang lưu hành trên thị trường Việt Nam để phân tích chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.
Qua kiểm tra, đã phát hiện 3 mẫu trái cây, rau củ đều của Trung Quốc có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao hơn tiêu chuẩn Việt Nam. Trong đó, 2 mẫu nho Trung Quốc nhập qua cửa khẩu Lào Cai có dư lượng chất difenoconazole vượt ngưỡng 3-5 lần.
Nho này được nhập từ Trung Quốc, đựng trong những thùng xốp rồi vận chuyển qua cửa khẩu Lào Cai vào Nam rồi về chợ đầu mối Thủ Đức (TP.HCM) sau đó được đổ xuống Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, nho được bày bán ngoài trời nắng suốt ngày nhưng vẫn không hư hỏng. Các cơ quan chức năng nghi ngờ có điều này là do hóa chất bảo quản.
Gần đây, ở Đồng bằng sông Cửu Long, nho Trung Quốc được bày bán nhiều ven đường dưới mác là "nho Mỹ" để đánh lừa người tiêu dùng, giá khoảng 20.000- 40.000 đồng/kg. Giá nho xanh rẻ hơn nho đỏ 5.000 đồng. Trên thực tế, giá gốc trên hóa đơn từ đầu mối cung cấp hàng, theo kiểm tra của cơ quan chức năng, chỉ 6.000 đồng/kg.
3. Lê Trung Quốc: có chất gây vô sinh
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, từ đầu năm 2012 đến cuối tháng 4 đã phân tích 315 mẫu hàng hóa nông sản có nguồn gốc thực vật nhập khẩu và phát hiện 71 mẫu có dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật nhưng đều thấp hơn mức dư lượng tối đa cho phép. Đáng lưu ý, trong số đó có một mẫu lê nhập khẩu từ Trung Quốc chứa dư lượng endosulfan.
Endosulfan là hoá chất độc hại thứ 22 trong danh sách cần loại trừ trên toàn cầu của Liên hợp quốc. Thuốc trừ sâu Endosulfan có tính độc cao và có thể gây các ảnh hưởng phá vỡ hệ nội tiết hoặc gây ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản của con người.
Sau khi có thông tin formaldehyde bị phun trên cải thảo ở Trung Quốc, Cục Bảo vệ thực vật đã bổ sung hóa chất này vào danh mục các chất cần kiểm tra trên rau củ quả tươi nhập khẩu vào Việt Nam, nâng tổng số hóa chất cần kiểm tra lên 26.
Tại TP.HCM, táo, lê là những loại trái cây ưa thích và chiếm phần đa lượng tiêu thụ trong các loại hoa quả. Đây cũng là mặt hàng được nhập về với số lượng lớn từ Trung Quốc. Theo ước tính, tại chợ đầu mối Thủ Đức, mặt hàng này chiếm hơn 40% tổng số trái cây nhập về chợ có nguồn gốc Trung Quốc. Theo đó, mỗi đêm, chợ đầu mối Thủ Đức nhập khoảng 60 tấn trái cây nhập ngoại, trong đó trái cây Trung Quốc chiếm phân nửa và táo là loại chiếm số lượng ưu thế.
4. Ô mai Trung Quốc: chứa chất ung thư
Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an lấy mẫu kiểm tra ngẫu nhiên mẫu xí muội và gửi đến Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM để kiểm tra. Kết quả cho thấy sản phẩm Preserved Fruits có chứa chất cấm cyclamate và loại đường saccharin với hàm lượng vượt hơn 31 lần so với tiêu chuẩn của Việt Nam.
Kết quả cho thấy, chất cyclamate có thể gây ung thư gan, thận, phổi và tiểu đường, từ lâu đã bị Bộ Y tế cấm sử dụng trong thực phẩm cho người.
Cuối tháng 4 vừa qua, báo chí cũng đã thông tin về việc các cơ quan chức năng Trung Quốc phát hiện rất nhiều loại trái cây sấy khô như đào khô, xí muội, hồng khô... của nước này có sử dụng các loại chất phụ gia, hóa chất có thể gây ung thư. Điều đáng nói là những loại trái cây sấy khô này cũng đang được bày bán tràn lan tại TP.HCM.
Trên thị trường, các mặt hàng như đào khô, táo khô, xí muội... có nguồn gốc từ Trung Quốc được bày bán khá phổ biến ở các chợ đầu mối Bình Tây, An Đông... Ghi nhận tại chợ Bình Tây (TP.HCM) cho thấy, hầu hết các sạp đều có bán các mặt hàng như táo tàu, xí muội, đào khô...
Đây được coi là những mặt hàng chủ đạo của ngành hàng trái cây sấy khô, đặc biệt là xí muội, với đủ cả xí muội có hạt, không hạt. Tuy nhiên, hầu hết các mặt hàng trên đều không có bao bì, ghi nhãn đầy đủ. Hàng bán theo ký. Do đó, cả bao khối lượng khoảng 10kg cũng chỉ dán nhãn giấy duy nhất đủ ghi tên mặt hàng và giá bán. Trên nhãn không thể hiện cơ sở sản xuất, xuất xứ hàng hóa, hạn sử dụng theo đúng quy định...
5. Cam Hà Giang: siêu rẻ 10.000 đồng/kg
Giá cam sành Sài Gòn xịn khoảng 40.000 đồng/kg, song trên thị trường đang xuất hiện loại cam giá siêu rẻ chỉ 5.000-15.000 đồng.
Loại cam này xuất hiện nhiều nhất tại các tuyến quốc lộ 32 đoạn qua nghĩa trang Mai Dịch - Cầu Diễn và các đường lân cận như Lê Đức Thọ, Nguyễn Phong Sắc, Trung Kính... Mỗi cân cam này khoảng 4-6 quả, láng mịn và theo quảng cáo của người bán, là cam Hà Giang chính hiệu.
Một người bán hàng tại đường 32, đối diện chợ Cầu Diễn cho biết, giá 10.000 đồng/kg, nên phù hợp với cả sinh viên, học sinh và những người thu nhập thấp. Anh kể, mỗi ngày cũng bán được khoảng 30-40 kg, từ khoảng 8 giờ sáng đến 22 giờ đêm.
Ông Nguyễn Đức Vinh - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Giang, khẳng định cam được bán ở Hà Nội hiện nay không phải là cam Hà Giang do chưa đến vụ thu hoạch. Theo ông Vinh, cam Hà Giang chỉ bắt đầu thu hoạch vào tháng 12 dương lịch hàng năm, lúc đó mới vào mùa. Cách để nhận biết cam Hà Giang là khi chín quả màu vàng, cùi dày, vị ngọt thơm, có hạt.
Ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT khuyến cáo người tiêu dùng nên mua trái cây ở những cửa hàng có địa chỉ rõ ràng. Nếu thấy trái cây có dấu hiệu bất thường thì không nên mua mà báo ngay với chính quyền địa phương và cơ quan quản lý gần nhất để kịp thời ngăn chặn.
Theo VEF