Giá gia cầm đang bán tại các chợ trên địa bàn Hà Nội có xu hướng tăng mạnh, theo một số tiểu thương nguyên nhân tăng giá là do gà Trung Quốc không vào được khiến nguồn cung trong nước bị hạn chế.
Chị Hoàng Thị Hằng bán gà tại chợ Thành Công cho biết: Gà ta cũng tăng giá mạnh chứ không riêng gà công nghiệp, trước gà ta còn lông, diều chỉ 85.000 – 90.000 đồng/kg, giờ lấy vào thấp nhất cũng phải 110.000 đồng/kg rồi, thịt ra bán lên có hai giá trừ lông, lòng, nhiều hôm còn lỗ chứ lãi gì.
“Gà công nghiệp giờ bình quân cũng hơn 80.000 đồng/kg, gà mía 110.000 đồng/kg, gà ta thì từ 130.000 – 160.000 đồng, tùy nhu cầu sử dụng khách họ vẫn mua, giá tăng truyền hình nói suốt rồi nên khách ít thắc mắc hơn”, chị Ngọc chủ hàng gà chợ Cống Vị giải thích.
Giá gia cầm tại các chợ thời điểm hiện tại đang tăng khá mạnh. |
Các tiểu thương đều cho biết, tất cả gà đây là trong nước nên giá mới cao, ngày trước có giá đó là toàn gà Trung Quốc, bây giờ bị chặn hết rồi, đi lấy hàng cũng phải tranh cướp nhau, rồi lấy của người quen mới được ít hàng.
Cô Bùi Thị Tuyết bán gà tại chợ tạm trên phố Nguyễn Khánh Toàn chia sẻ: Giá gà lông giờ lấy vào tăng gần gấp đôi so với trước nên giá gà thịt cũng bị đẩy lên. Trước gà công nghiệp chúng tôi lấy buôn chỉ 38.000 đồng/kg giờ lên những 67.000 đồng/kg rồi.
“Giá tăng chung, chợ nào, hàng nào cũng một giá đó có muốn bán thấp cũng không được, phải để cho người chăn nuôi có lãi họ mới làm chứ”, cô Tuyết nói thêm.
Hiện giá trứng gia cầm tại các chợ Hà Nội cũng tăng 8.000 đồng so với cách đây vài tuần. Gà đỏ 28.000 – 30.000 đồng/chục, trứng vịt 30.000 - 33.000 đồng/chục, gà ta 35.000 đồng chục.
Giá thịt lợn và thịt bò tại các chợ hiện cũng đang nhích từ 1 – 2 giá. Theo đó, thịt ba chỉ 85.000 – 100.000 đồng/kg, nạc vai, mông sấn, nạc thăn 100.000 – 120.000 đồng/kg. Thịt bò giao động ở mức 180.000 – 250.000 đồng/kg tùy loại.
Người chăn nuôi có lãi nhờ giá tăng
Giá gia cầm tăng giúp người chăn nuôi có lãi khá sau thời gian dài chăn nuôi thua lỗ, đây là cơ hội để người chăn nuôi tái đàn phát triển chăn nuôi. |
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: “Hiện giá gà lông trắng khi xuất chuồng tại các tỉnh miền Bắc khoảng 36.000 – 37.000 đồng/kg, tại các tỉnh phía Nam giá gà khoảng 32.000 – 34.000 đồng/kg. Với mức giá này người chăn nuôi đã thu được lãi khá”.
Nhu cầu thực phẩm các tháng cuối năm tăng, cộng với việc chăn nuôi đã thu được mức lời khá so với thời điểm trước lỗ dài. Vì vậy, theo ông Dương đây là cơ hội để các trang trại tái đàn, phát triển sản xuất chăn nuôi: “Với giá thực phẩm gia súc, gia cầm hiện nay, người chăn nuôi đã có mức lãi khá và người tiêu dùng vẫn chấp nhận được vì không cao quá. Đây là điều kiện, cơ hội thúc đẩy người chăn nuôi tái đàn, phát triển chăn nuôi tạo nguồn cung cho Tết và sau Tết”.
Nguyên nhân giải thích cho việc hiện giá gia súc, gia cầm tại các chợ đang tăng mạnh, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi chia sẻ: “Chúng ta kiểm soát tốt vấn đề nhập lậu gia cầm ở các tỉnh biên giới, cùng với đó ta đã tiến hành khống chế tạm nhập tái xuất thực phẩm.
Thứ nữa, những tháng gần cuối năm nhu cầu sử dụng thực phẩm gia súc, gia cầm tăng cao bởi người dân tổ chức cưới hỏi nhiều. Tiếp đến, chúng ta đã xuất khẩu thực phẩm sang một số nước biên giới đặc biệt là lợn hơi. Cuối cùng, người chăn nuôi giữ gia súc gia cầm dù đã đến thời điểm xuất chuồng rồi nhưng người chăn nuôi vẫn ém lại chờ tăng giá một chút. Nhưng giá này vẫn trong tầm kiểm soát”.
Cũng xoay quanh việc thực phẩm tăng giá nhờ kiểm soát nhập lậu qua biên giới, chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Văn Phương – Trưởng Phòng Quản lý thương mại – Sở Công thương tỉnh Bắc Giang cho hay:
“Sau khi kiểm soát được nạn nhập lậu, giá gia cầm (gà) so với thời điểm trước tăng trung bình khoảng 20.000 đồng/kg. Hiện tại giá gà tại chuồng “gà đồi Yên Thế” từ 85.000 – 90.000 đồng/kg; giá gà thả vườn khu vực Lục Ngạn, Sơn Động khoảng 115.000 - 120.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, ước tính người chăn nuôi tại địa phương lãi khoảng 20.000 - 30.000 đồng/kg”.
Trước lo ngại nguồn cung thực phẩm gia cầm trong Tết Quý Tỵ có thể bị thiếu hụt, ông Dương khẳng định: “Nguồn cung thực phẩm trong và sau Tết Quý Tỵ của chúng ta sẽ đủ, tuy nhiên giá gia cầm sẽ tăng lên một chút nhưng người tiêu dùng phải chấp nhận để người chăn nuôi có lãi sau thời gian dài họ chịu thua lỗ nặng”.
Theo Infonet