Quýt hồng VietGAP được giá

Thứ ba, 08/01/2013, 08:49
Quýt hồng là trái cây đặc biệt phục vụ tết và chỉ trồng tập trung ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Một số nông dân còn sản xuất quýt hồng theo hướng VietGAP để nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng sản phẩm.

Quýt hồng được giá

Năm nay, nhà vườn trồng quýt hồng đang phấn khởi vì quýt được thương lái đặt mua với giá cao. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, toàn huyện Lai Vung có khoảng 1.800 ha quýt hồng với sản lượng đạt từ 40.000- 45.000 tấn. Hầu hết nhà vườn đều xử lý để thu hoạch quýt ngay trong dịp tết vì bán giá cao, nhu cầu tiêu thụ lớn.

Những ngày đầu tháng 1, nhà vườn Trần Hữu Hớn ở ấp Long Hưng 2, xã Long Hậu đang tất bật chăm sóc 13.000 m2 quýt hồng chuẩn bị bán tết. Xung quanh vườn, quýt đã vàng ươm trên cây. Ông Hớn cho biết: “Hơn 1 tháng nữa mới tới ngày thu hoạch, nhưng thương lái đã đến tận vườn để đặt hàng với giá trên 21.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi so với năm trước nên nông dân rất phấn khởi”.

quyt hong
 Ông Hớn chăm sóc vườn quýt hồng chuẩn bị bán tết.

Theo ông Hớn, năm nay thời tiết không thuận lợi nên chỉ số ít nhà vườn có sản lượng quýt gần bằng năm rồi, còn hầu hết giảm gần 50%. Bình quân, giá thành sản xuất 1kg quýt hồng chỉ khoảng từ 6.000 - 7.000 đồng/kg nên nông dân có lời khá cao. Toàn xã Long Hậu có diện tích trồng quýt hồng khoảng 600 ha, đem lại thu nhập khá và giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

Ông Huỳnh Thanh Tồn – Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Lai Vung cho biết: Thời gian qua, quýt của Trung Quốc bị người tiêu dùng tẩy chay nên quýt hồng ngày càng có giá cao hơn. Hiện tại, sản phẩm quýt hồng được tiêu thụ rất mạnh ở thị trường TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Trung, miền Bắc, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Quýt hồng có màu vàng rất đẹp nên được nhều người chọn mua chưng bàn thờ.

Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP

Từ 4 năm nay, tổ sản xuất quýt hồng ở ấp Long Hưng 1, xã Long Hậu sản xuất quýt hồng theo chuẩn VietGAP. Tháng 7/2012, Phân viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch đã cấp chứng nhận cho tổ sản xuất quýt hồng ấp Long Hưng 1 đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, Cục Sở hữu trí tuệ cũng cấp nhãn hiệu độc quyền cho quýt hồng Lai Vung.

Ông Huỳnh Thanh Tồn cho biết: “Trong 4 năm qua, ngành nông nghiệp đã đầu tư khoảng 250 triệu đồng cho công tác huấn luyện, hướng dẫn quy trình sản xuất cho nông dân. Nhờ vậy, năm nay sản phẩm quýt hồng không chỉ có chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP mà còn có nhãn hiệu để dán lên từng trái quýt bán ra thị trường. Từ đó, sản phẩm của bà con dần dần khẳng định chỗ đứng trên thị trường thông qua chất lượng hàng hóa”.

Thực tế, các nhà vườn trồng quýt rất tích cực tham gia sản xuất quýt hồng đạt tiêu chuẩn VietGAP và xem đây là hướng đi lâu dài, bền vững trong tương lai. Hiện nay đã có 13 hộ tham gia sản xuất quýt hồng VietGAP với diện tích 4,57 ha. Nhà vườn Đặng Thành Lâm – thành viên tổ VietGAP ấp Long Hưng 1 đang canh tác 8.000 m2 quýt hồng cho biết:

“Sản xuất quýt hồng VietGAP khó hơn so với sản xuất bình thường, nhưng ưu điểm là chi phí sản xuất giảm từ 20- 30% nên nhà vườn sẽ thu lợi nhuận nhiều hơn. Hiện tại, thương lái thu mua quýt hồng giá vẫn không có sự chênh lệch giữa sản phẩm quýt hồng VietGAP và sản phẩm quýt hồng sản xuất bình thường. Tuy nhiên, nhiều nông dân vẫn tham gia sản xuất theo hướng VietGAP vì hạ giá thành sản xuất, hướng sản phẩm ngày càng chất lượng hơn.

Theo Danviet

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn