Tại đại hội cổ đông Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk, Mã CK: VNM), cổ đông nêu trường hợp Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của Bầu Đức đang thực hiện kế hoạch chăn nuôi bò và đặt câu hỏi hai bên có ý định hợp tác với nhau. Chủ tịch Hội đồng quản trịMai Kiều Liên cho biết HAGL mới chăn nuôi bò thịt, còn bò sữa dự định tiến hành trong tương lai. Nếu đơn vị này tham gia phân khúc bò sữa, công ty sẵn sàng hợp tác để cùng phát triển.
"Thực ra, ai tham gia vào thị trường này cũng đáng quý. Nếu số lượng tham gia càng nhiều, việc nhập khẩu sữa sẽ giảm và có lợi cho đất nước. Tuy nhiên, không phải ai làm cũng thành công vì việc đầu tư này còn nhiều rủi ro", bà Liên nói.
Chủ tịch Vinamilk Mai Kiều Liên cho biết sẽ điều chỉnh kế hoạch nếu kết quả kinh doanh tốt. |
Bà giải thích thêm, đầu tư chăn nuôi bò đòi hỏi phải vốn lớn và lâu dài. Nếu dùng vốn đi vay để nuôi sẽ rất nguy hiểm. Khả năng hoàn vốn lâu, trong khi đó, lãi vay ngân hàng biến động thất thường. 3 năm đầu tiên, các trang trại chăn nuôi bò sữa của Vinamilk phải chịu lỗ, năm ngoái mới bắt đầu có lãi. Năm qua, Vinamilk đã từng thị sát ở Lào và Campuchia để xây dựng thêm vùng nguyên liệu chăn nuôi bò sữa, nhưng đã ngưng vì nhận thấy còn nhiều rủi ro. Trong tương lai, nếu mở rộng vùng nguyên liệu, công ty sẽ đầu tư trang trại ở New Zealand và Australia.
Cũng tại đại hội, nhiều cổ đông liên tục chất vấn về kế hoạch đặt lợi nhuận giảm 8,3% so với 2013 của công ty.Bà Liên cho biết ban lãnh đạo cũng rất áy náy khi đưa ra quyết định này. Tuy nhiên, hiện nay sức mua giảm mạnh, sức cạnh tranh ngày càng gay gắt. Bên cạnh đó, giá sữa nguyên liệu dù đã giảm nhưng vẫn tăng so với 2014 và bắt đầu từ ngày 24/4 đã tăng trở lại. Việc đưa ra kế hoạch thận trọng nhằm giúp công ty bảo vệ thị phần. Nếu đẩy giá sữa lên cao sẽ gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
"Nếu 6 tháng đầu năm kết quả kinh doanh tốt, ban lãnh đạo sẵn sàng điều chỉnh kế hoạch", bà Liên nói.
Một cổ đông khác thắc mắc thêm về việc đặt kế hoạch lợi nhuận giảm mà công ty vẫn xin phát hành cổ phiếu thưởng để chia cho cổ đông. Bà Liên cho biết nguồn tiền để chia cổ phiếu cho cổ đông được trích từ lợi nhuận giữ lại của các năm trước.
Tại đại hội, cổ đông đã thông qua bổ nhiệm ông Ng Jui Sia vào Hội đồng quản trị. Theo đó, ông Ng Jui Sia được bổ nhiệm vào Hội đồng quản trị Vinamilk từ ngày 23/5/2013 thay cho ông Pascal De Petrini.
Ông Ng Jui Sia sinh năm 1952, quốc tịch Singapore và hiện là Giám đốc điều hành của Fraser & Neave Holdings Bhd. Ông cũng là người đại diện vốn của F&N Dairy Investment Pte Ltd tại Vinamilk. Theo báo cáo quản trị 2013 của Vinamilk, tổ chức này đang nắm 9,53% vốn, tương đương hơn 79,5 triệu cổ phiếu VNM.
Ngoài ra, cổ đông cũng thông qua việc Chủ tịch Hội đồng quản trị tiếp tục kiêm nhiệm Tổng giám đốc. Đến cuối 2013, bà Liên nắm hơn 2,26 triệu cổ phiếu VNM. Ngoài ra, bà cũng là đại diện vốn cho SCIC nắm hơn 62,62 triệu đơn vị VNM.
Công ty cũng thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (phát hành cổ phiếu thưởng) với tỷ lệ phát hành 5:1, tổng số phát hành thêm là 166,7 triệu cổ phiếu. Tỷ lệ cổ tức năm 2013 được nâng từ 34% lên 48%.
Năm 2014 công ty đặt kế hoạch doanh thu 36.298 tỷ đồng, tăng 14,9% so với 2013, lợi nhuận sau thuế 5.993 tỷ đồng, giảm 8,3% so với 2013. Công ty sẽ hướng tới 3 tỷ USD doanh thu vào 2017.
Năm 2013, Vinamilk đạt doanh thu gần 31.600 tỷ đồng, lãi sau thuế hơn 6.500 tỷ. Cũng trong năm 2013, HĐQT của Vinamilk có hai cá nhân là Chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm và Chủ tịch HDBank Lê Thị Băng Tâm. Là thành viên HĐQT, nhưng cả hai lãnh đạo này đều không sở hữu cổ phần nào của Vinamilk. Từ 11/3/2014, ông Hà Văn Thắm đã xin từ nhiệm và rời khỏi ban quản trị Vinamilk.
Theo VnExpress