TP.Hồ Chí Minh: Sẽ là trung tâm kinh tế lớn trong khu vực Đông Nam Á

Thứ tư, 30/04/2014, 08:18
Sau gần 30 năm Đổi mới và 39 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, TP.HCM đã có những bước đột phá, tiên phong, sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội, trở thành đầu tàu của cả nước.

Trụ sở UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Đăng Nguyên

Tiên phong sáng tạo

Nhìn lại chặng đường phát triển kinh tế-xã hội của TP.HCM trong gần 30 năm Đổi mới, với vai trò là hạt nhân của vùng trọng điểm phía Nam, kinh tế trên địa bàn TP.HCM có tốc độ tăng trưởng cao và liên tục trong nhiều thập niên.

Trong 30 năm qua, TP.HCM đã có đóng góp vào sự hình thành chính sách và cơ chế vận hành thị trường cho chính sách và cơ chế chung của nước ta. Trong đó, một số mô hình kinh tế của TP.HCM đã trở thành chế định chung của cả nước.

Bà Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cho rằng: TP.HCM đã có những bước đột phá, tháo gỡ những vướng mắc, đấu tranh và từng bước giành thắng lợi trước những trở lực của cơ chế cũ.  Đó là năm 1989, UBND TP.HCM  đã ban hành quyết định nhằm chế định các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần để tạo điều kiện phát triển khu vực kinh tế tư nhân theo khuôn khổ pháp lý. Tiếp đó, TP.HCM đề xuất Trung ương cho thí điểm xây dựng khu chế xuất và khu công nghiệp tập trung. Định chế này sau đó được pháp chế hóa thành quy định chung của cả nước.

Năm 2.000, TP.HCM đã xây dựng ý tưởng và đề xuất với Chính phủ thành lập Trung tâm giao dịch chứng khoán TP.HCM và trở thành sàn giao dịch chứng khoán đầu tiên của cả nước; đồng thời TP.HCM cũng là nơi đầu tiên thí điểm thành lập ngân hàng cổ phẩn, đến nay trở thành loại hình DN phổ biến trong lĩnh vực tài chính- ngân hàng. Bên cạnh đó, TP.HCM mạnh dạn thực hiện chủ trương đổi đất lấy hạ tầng để giải quyết bài toán phát triển đô thị.

Điển hình là việc đầu tư xây dựng và phát triển khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, biến một khu đầm lầy, vùng đất chua mặn thành một khu đô thị mới với một đại lộ dài hơn 18km, phát triển TP.HCM về phía Nam. TP.HCM mạnh dạn phát huy các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật của Thành phố. Nhiều tuyến đường huyết mạch của TP.HCM được mở rộng bằng nguồn vốn tín dụng của doanh nghiệp thông qua hình thức chuyển nhượng quyền khai thác đường giao thông cho các thành phần kinh tế…

Đánh giá về những thành tựu trên, ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng, thực tiễn phát triển kinh tế của TP.HCM đã chứng minh sự đa dạng các thành phần kinh tế chính là động lực chính yếu để phát triển kinh tế của TP.HCM. Sự năng động đó đã góp phần giúp TP.HCM có thành tích ấn tượng là tốc độ phát triển kinh tế ở mức hai con số kéo dài liên tục trong gần 20 năm (từ năm 1991 đến năm 2010), GDP hiện đã tiếp cận mức 5.000 USD/người/năm, số hộ nghèo đã giảm xuống, hiện chỉ còn 0,8% hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập 12 triệu đồng/người/năm.

Một góc TP. HCM nhìn từ sông Sài Gòn. Ảnh: Đăng Nguyên

Trung tâm kinh tế lớn trong khu vực

Quyết định số 2631/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TPHCM đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2025, vừa được TP.HCM công bố, cho thấy mục tiêu tổng quát là xây dựng TP.HCM văn minh, hiện đại với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn đối với khu vực và cả nước; từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á.

Trong đó, các mục tiêu cụ thể: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của TPHCM giai đoạn 2011-2015 đạt từ 10-10,5%/năm, giai đoạn 2016-2020 đạt từ 9,5-10%/năm và giai đoạn 2021-2025 đạt từ 8,5-9%/năm. GDP bình quân đầu người đến năm 2015 đạt từ 4.856-4.967 USD, đến năm 2020 đạt từ 8.430-8.822 USD, đến năm 2025 đạt từ 13.340-14.285 USD. GDP bình quân thời kỳ 2011-2020 cao hơn 1,5 lần mức tăng trưởng bình quân của cả nước. Cơ cấu kinh tế TP chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Quy mô dân số TPHCM đến năm 2015 đạt 8,2 triệu người, đến năm 2020 đạt 9,2 triệu người và đến năm 2025 đạt 10 triệu người.

Quy hoạch của TP.HCM gắn với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đến năm 2020, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là vùng có cơ cấu kinh tế và không gian phát triển hài hòa; có hệ thống đô thị tổng hợp tầm quốc gia và khu vực, trong đó TPHCM là trung tâm kinh tế tổng hợp đa chức năng với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ ngang tầm với các quốc gia trong khu vực. Định hướng đến năm 2030, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tiếp tục là vùng kinh tế phát triển năng động với chất lượng tăng trưởng cao và điển hình về phát triển bền vững, đi đầu trong phát triển kinh tế tri thức; là vùng kinh tế động lực đầu tàu của cả nước, trung tâm kinh tế của khu vực và châu Á.

Đặc biệt, trong giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn 2025, TP.HCM sẽ xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đường hướng tâm, đường vành đai. Trong đó tập trung nâng cấp, mở rộng các tuyến cửa ngõ như xa lộ Hà Nội, quốc lộ 13, quốc lộ 50, xây dựng bốn tuyến đường trên cao liên thông với nhau, ưu tiên phát triển các bãi đậu xe ngầm... Đối với đường sắt, TP.HCM từng bước đầu tư hoàn chỉnh đường sắt đô thị - kết nối với đường sắt quốc gia bao gồm: bảy tuyến metro xuyên tâm nối các trung tâm chính của TP.HCM, phát triển ba tuyến xe điện mặt đất. Ngoài ra, TP.HCM sẽ cải tạo nâng công suất cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất khoảng 20 triệu lượt khách/năm... Để phát triển theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt, TP.HCM cần vốn đầu tư khổng lồ. Trong đó, giai đoạn 2011-2015, vốn đầu tư cần 1,3-1,4 triệu tỉ đồng; giai đoạn từ 2016-2020 là 2,7-3 triệu tỉ đồng và giai đoạn 2021-2025 cần 5-5,6 triệu tỉ đồng.

Theo Baohaiquan

Các tin cũ hơn