Năm ngoái, bất chấp sức mua yếu của nền kinh tế, Thế Giới Di Động đã xoay xở rất tốt khi doanh thu hợp nhất tăng 30% lên tới 9.499 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng gấp đôi so với năm trước. Mức tăng trưởng này có thể lý giải vì sao đợt niêm yết của Thế Giới Di Động đang được trông đợi. Thế nhưng, một câu hỏi đặt ra là giá cổ phiếu Thế Giới Di Động ở mức nào mới hợp lý.
Xét mặt bằng chung, theo Công ty Chứng khoán Vietcombank, chỉ số giá/thu nhập mỗi cổ phiếu (P/E) trung bình của sàn TP.HCM vào cuối quý I/2014 là 14,25. Dù chỉ số này đã tăng khá mạnh so với cuối năm ngoái nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với các thị trường trong khu vực như Malaysia (17,34), Philippines (19,54), Indonesia (21,44). Nói cách khác, giá cổ phiếu Việt Nam vẫn còn tương đối rẻ so với các thị trường mới nổi khác.
Về phía Thế Giới Di Động, trong đợt chuyển nhượng 9% số cổ phiếu Thế Giới Di Động cho các nhà đầu tư khác mới đây, mức giá mà quỹ Mekong Capital chào bán thành công lên tới 85.000 đồng/cổ phiếu, đưa giá trị khoản thoái vốn trong đợt này của Mekong Capital cao gấp 21,8 lần so với giá trị đầu tư ban đầu. Đây là mức lợi nhuận rất lớn cho một khoản đầu tư ở Việt Nam.
Khách tới xem hàng tại một cửa hàng của Thế Giới Di Động ở TP.HCM. |
Theo ông Chris Freund, Tổng Giám đốc Mekong Capital, chỉ tiêu lợi nhuận thuần năm 2014 của Thế Giới Di Động là 435 tỉ đồng nhưng trong quý 1 vừa qua, Công ty đã đạt 169 tỉ đồng, tương đương hoàn thành 39% chỉ tiêu năm. Với đà tăng này, ước tính lợi nhuận năm nay của Thế Giới Di Động sẽ đạt 530 tỉ đồng. Điều đó có nghĩa là P/E của công ty này sẽ chỉ khoảng 10, thấp hơn mức bình quân thị trường và thấp hơn cả nhiều cổ phiếu blue-chip trên sàn.
“Với tốc độ tăng trưởng nhanh của Thế Giới Di Động, tôi nghĩ P/E của Công ty sẽ lên tới 15 hoặc hơn sau khi niêm yết”, ông Freund nói.
Nói như vậy, mức giá 85.000 đồng/cổ phiếu dường như cũng không phải là quá đắt so với tiềm năng tăng trưởng của hãng bán lẻ điện thoại này.
Được biết, những nhà đầu tư nhận chuyển nhượng cổ phiếu Thế Giới Di Động lần này là 6 quỹ đầu tư nước ngoài bên cạnh một số nhà đầu tư lẻ Việt Nam. Các quỹ này bao gồm các quỹ chuyên tập trung vào thị trường Việt Nam cũng như các quỹ toàn cầu có phân bổ một phần vốn đầu tư vào các thị trường mới nổi như Việt Nam.
Điều này có thể mang đến một thông điệp rằng thị trường tiêu dùng với 90 triệu dân của Việt Nam vẫn hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Và Thế Giới Di Động là một trong số những lựa chọn đầu tư của họ.
Nếu căn cứ vào mức giá 85.000 đồng/cổ phiếu, giá trị thị trường của Thế Giới Di Động sẽ vào khoảng 5.300 tỉ đồng, một con số rất lớn so với giá trị vốn hóa chưa tới 300 tỉ đồng của Thế giới số Trần Anh, nhà bán lẻ điện tử duy nhất niêm yết trên sàn chứng khoán hiện nay.
Dựa theo tỉ lệ sở hữu được công bố tính đến nay, hai thành viên sáng lập nên Thế Giới Di Động là Nguyễn Đức Tài và Trần Lê Quân sẽ nằm trong nhóm những người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam với khối tài sản lần lượt hơn 900 tỉ đồng và 700 tỉ đồng. Ba thành viên sáng lập còn lại cũng sở hữu khối tài sản lên đến hơn 200 tỉ đồng.
Theo NCĐT