Vừa qua, nhiều chuyên gia kinh tế đề nghị nên thay đổi cách điều hành tỷ giá. Tuy nhiên, luồng ý kiến khác lại cho rằng, không nên điều chỉnh tỷ giá, phá giá tiền đồng.
Trao đổi với PV, TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc trường đào tạo cán bộ BIDV cho rằng, có 5 lý do không nên điều chỉnh tỷ giá.
Thứ nhất, xét về lý thuyết, điều chỉnh tỷ giá phải so sánh tốc độ lạm phát của Việt Nam và Mỹ. Thực tiễn hai nước khác hẳn nhau, nên không thể dựa vào lạm phát của hai nước để điều chỉnh tỷ giá.
Thứ hai, nhiều ý kiến cho rằng, nên điều chỉnh tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu, song thực tiễn Việt Nam cho thấy, điều chỉnh tỷ giá không tác động đáng kể tới xuất nhập khẩu.
Đơn cử, giai đoạn 2010- 2011, tỷ giá điều chỉnh 10% mà xuất khẩu vẫn đứng im trong khi nhập khẩu tăng tới 30%. Lý do là cơ cấu hàng xuất khẩu của nước “có vấn đề”, tức giá trị hàng xuất khẩu có tới 70% là nguyên liệu đầu vào nhập khẩu.
Do đó, việc điều chỉnh tỷ giá thì DN vẫn không thể hạn chế nhập khẩu, bởi nhập khẩu thì mới có nguyên liệu sản xuất, xuất khẩu. “Chúng tôi đã nghiên cứu 7-8 năm nay và thấy rằng điều chỉnh tỷ giá không tác động đáng kể tới cán cân thương mại”, TS. Cấn Văn Lực khẳng định.
TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ BIDV |
Thứ ba, nợ nước ngoài của Việt Nam đang rất lớn, khoảng 42-43% GDP (theo số liệu của Bộ Tài chính, nợ nước ngoài của Việt Nam đến hết năm 2013 là 56,2 GDP- PV). Do đó, việc điều chỉnh tỷ giá sẽ làm tăng gánh nặng trả nợ nước ngoài của quốc gia.
Thứ tư, bản thân các chuyên gia của các ngân hàng nước ngoài cũng cho rằng đồng Việt Nam không bị định giá cao, ví dụ như nhận định của ngân hàng Citibank tháng 2/2014 vừa qua. Giới đầu tư nước ngoài rất tinh, nếu cho rằng đồng Việt Nam bị định giá cao, họ sẽ đầu cơ ngay, đợi khi NHNN bán ra để kiếm lời, song hiện họ không có động thái gì.
Thứ năm, suốt thời gian qua, NHNN đã giữ được tâm lý ổn định tỷ giá, tạo niềm tin với tiền đồng. Nếu NHNN phá giá tiền đồng sẽ gây xáo trộn thị trường, làm niềm tin với tiền đồng sụt giảm.
Bên cạnh nguyên nhân trên, một số chuyên gia cũng cho rằng, việc điều chỉnh tỷ giá thời điểm này còn đi ngược lại với mục tiêu hạ lãi suất của Chính phủ. Bởi nếu phá giá tiền đồng, lạm phát sẽ gia tăng. Và để ngăn chặn lạm phát, lãi suất sẽ phải tăng.
Trong khi đó, dù có kiến nghị của một số chuyên gia, NHNN vẫn giữ quan điểm của mình về điều chỉnh tỷ giá. Trao đổi với PV, một lãnh đạo cấp cao của NHNN khẳng định, việc điều chỉnh tỷ giá phải tính toán trên lợi ích chung của cả nước, xem xét đến nhiều yếu tố chứ không chỉ đơn thuần xuất khẩu.
“Chúng tôi chưa thấy có áp lực gì của thị trường về việc phải điều chỉnh tỷ giá cũng như chưa nhận được bất kỳ sự chỉ đạo nào về điều chỉnh tỷ giá. Với dự trữ ngoại hối dồi dào hiện nay (35 tỷ USD) và vẫn đang tiếp tục tăng lên, NHNN thừa sức ổn định tỷ trường ngoại hối, dập tắt mọi ý định đầu cơ”, vị lãnh đạo trên cho biết.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cũng cho hay, đầu năm nay, NHNN đặt ra mục tiêu điều chỉnh tỷ giá không quá 2%. Tuy nhiên, tại thời điểm này, NHNN đã có cơ sở để khẳng định, tỷ giá từ nay đến cuối năm, tỷ giá nếu có điều chỉnh cũng không quá 1%.
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, nếu NHNN cho phá giá tiền đồng 3-4% sẽ gây đổ vỡ niềm tin, khiến lạm phát tăng mạnh. Tuy nhiên, với cách điều hành tỷ giá “trườn bò” một cách từ từ theo tín hiệu thị trường hiện nay, kinh tế vĩ mô không bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, việc thay đổi cách điều hành tỷ giá là không nên trong thời điểm này.
Theo Đầu Tư