Núi Pháo tìm vốn rẻ

Thứ ba, 20/05/2014, 07:14
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thương mại và đầu tư thái nguyên (TNTI), một đơn vị thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Ma San (Masan Group), vừa bán được gần phân nửa trong số 6.800 tỉ đồng trái phiếu, chủ yếu huy động cho dự án Núi Pháo.

Theo một nguồn tin liên quan đến thương vụ, 3.000 tỉ đồng trái phiếu đã được một ngân hàng do Nhà nước sở hữu thỏa thuận mua. Thương vụ phát hành đã được TNTI khởi động từ đầu tháng 3 vừa qua.

Đây có thể xem là phao cứu sinh cho Masan trong bối cảnh tập đoàn này đang cần thêm nguồn lực để duy trì các dự án lớn.

mỏ núi pháo
Masan đang kỳ vọng vào dự án mỏ đa kim Núi Pháo.

Áp lực trả lãi

TNTI thuộc sở hữu 100% của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Tài nguyên Ma San Thái Nguyên (MRTN) và nằm trong chuỗi các công ty được Masan Group thành lập để phát triển dự án mỏ đa kim Núi Pháo. TNTI đóng vai trò là đơn vị quản lý tài chính và tư vấn đầu tư cho Núi Pháo, một trong những dự án được đầu tư nhiều nhất của Tập đoàn.

Số tiền thu được từ trái phiếu sẽ được dùng để tăng quy mô vốn cho TNTI và đầu tư vào dự án Núi Pháo. Ngoài ra, còn được sử dụng cho các mục đích khác, theo bản công bố thông tin của đợt phát hành tại ngày 5/3 gửi tới một nhóm hạn chế các nhà đầu tư.

Vậy “các mục đích khác” đó là gì? Không loại trừ khả năng Masan dùng một phần số tiền thu được từ trái phiếu để trả nợ. Trên thực tế, dự án Núi Pháo đã huy động một lượng vốn lớn hơn 7.000 tỉ đồng. Trong đó, một số khoản đã hoặc sắp đáo hạn, một phần lớn có lãi suất cao hơn hẳn lãi suất phát hành trái phiếu lần này của TNTI.

Theo bản công bố thông tin của đợt phát hành tại ngày 5/3, ngoại trừ khoản vay gần 2.400 tỉ đồng thời hạn 8 năm từ tháng 1/2011 của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) với lãi suất trung bình 10%/năm, các khoản vay còn lại đều có lãi suất tương đối cao. Khoản vay 80 triệu USD thời hạn 2 năm vay bắc cầu từ Standard Chartered vào tháng 2/2012, chẳng hạn, có lãi suất lên tới 10,15%/năm cho năm đầu tiên và lãi suất LIBOR cộng 9,5%/năm cho năm thứ hai. Một khoản vay 40 triệu USD cũng của Standard Chartered từ tháng 6/2013 cũng có mức lãi suất tương tự.

Nhìn chung, trừ khoản vay 2.400 tỉ đồng của VDB, các khoản vay còn lại - với tổng giá trị gốc hơn 4.800 tỉ đồng và nếu cộng cả lãi có thể lên đến hơn 6.000 tỉ đồng - đều có lãi suất cao hơn 2-3 điểm phần trăm so với mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay (lãi suất cho vay USD trung và dài hạn cho lĩnh vực sản xuất bình thường hiện là 6-7%/năm, theo thống kê cuối tháng 3/2014 của Ngân hàng Nhà nước). Trong đó, 1.400 tỉ đồng đến hạn trong năm nay.

Trong khi đó, lãi suất trái phiếu bằng VND của TNTI là 11%/năm cho kỳ thanh toán đầu tiên và bằng lãi suất tiền gửi 12 tháng cộng biên 4%/năm cho các kỳ thanh toán tiếp theo, xấp xỉ mặt lãi suất cho vay trung hạn 10,5-12,5%/năm hiện nay, theo thống kê cuối tháng 3/2014 của Ngân hàng Nhà nước.

Nếu phát hành thành công 3.800 tỉ đồng trái phiếu còn lại, khoản tiền thu được từ trái phiếu lần này vừa đủ để Masan trả cả gốc lẫn lãi các khoản nợ hiện tại của dự án Núi Pháo, trong trường hợp Masan muốn.

Nhà đầu tư nghi ngại

Việc tái cấu trúc tài chính theo hướng giảm chi phí đi vay sẽ là một diễn biến tốt cho Masan trong bối cảnh Tập đoàn đang tìm nguồn lực thích hợp cho các dự án lớn. Trong năm 2013, lợi nhuận thuần của Tập đoàn đã giảm gần 34%, chủ yếu là do Tập đoàn đang trong giai đoạn phát triển sản phẩm mới trong lĩnh vực tiêu dùng và bị giảm thu nhập tài chính.

Trong báo cáo ngắn ngày 29/4 về cổ phiếu Masan, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) đã dự báo lỗ tài chính thuần của Tập đoàn tăng từ 362 tỉ đồng lên 1.100 tỉ đồng do lãi tiền gửi giảm trong khi lãi suất đi vay tăng, dẫn tới dự báo lợi nhuận thuần cũng giảm từ 4.700 tỉ xuống còn 3.300 tỉ đồng.

Giá cổ phiếu MSN của Tập đoàn đã giảm 18,3% trong năm 2013 trong khi chỉ số VN-Index tăng gần 21%. “Việc Tập đoàn đầu tư mạnh vào phát triển sản phẩm và thương hiệu để khai trương các sản phẩm mới trên tất cả các lĩnh vực bao gồm thực phẩm và đồ uống tiện lợi được phản ánh trong kết quả tài chính của nửa cuối năm”, Công ty Chứng khoán Sài Gòn nhận xét.

Trong khi mảng tiêu dùng vẫn đang trong giai đoạn phát triển mới, mảng khoáng sản với dự án Núi Pháo được kỳ vọng sẽ đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho Masan kể từ năm 2014. Mới đây, Masan cho biết lần đầu tiên ghi nhận doanh thu từ mỏ Núi Pháo tới 440 tỉ đồng trong quý I năm nay.

Triển vọng gia tăng nguồn thu từ mảng khoáng sản, đặc biệt là dự án Núi Pháo, là rất lạc quan. Nhưng một số nhà đầu tư vẫn còn nghi ngại. Một lo ngại liên quan đến vấn đề thuế. Luật và quy định thuế ở Việt Nam, đặc biệt là thuế tài nguyên và thuế xuất khẩu, đã thay đổi nhiều từ tháng 1/2009 và vẫn đang tiếp tục được bổ sung. Nếu thuế đối với vonfram và đồng, vốn là 2 sản phẩm chính của Núi Pháo, tăng lên thì lợi nhuận của mỏ sẽ bị ảnh hưởng.

Một lo ngại khác liên quan đến lãi suất trái phiếu phát hành lần này của TNTI. Đối với các ngân hàng thương mại, đặc biệt là ngân hàng cỡ trung, lãi suất 11%/năm thấp hơn hẳn mức lãi suất trung và dài hạn 12-12,5%/năm đối với các lĩnh vực không ưu tiên. Thế nhưng, mức lãi suất này dường như chưa đủ để bù đắp những rủi ro về thuế và các lo ngại khác xung quanh dự án Núi Pháo.

Tuy vậy, trong bối cảnh các ngân hàng đang thiếu địa chỉ cho vay tốt, trái phiếu của Masan với tài sản đảm bảo là dự án Núi Pháo vẫn được một số ngân hàng ưa thích. Ngoài ngân hàng thuộc sở hữu của Nhà nước đã thỏa thuận mua 3.000 tỉ đồng trái phiếu nói trên, một vài nhà đầu tư khác gồm ngân hàng và quỹ đầu tư đã đồng ý tham gia mua thêm, theo các nguồn tin liên quan đến vụ phát hành.

Theo NCĐT

Các tin cũ hơn