Việc các nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam cho thấy: Những người quản lý đầu tư toàn cầu không hề nao núng trước những quan ngại rằng các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc sẽ làm suy giảm dòng đầu tư nước ngoài, kìm hãm tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp kịp thời củng cố lòng tin nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: AFP |
Nhà đầu tư nước ngoài là bên mua ròng trên Sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam từ ngày 18/4, quãng thời gian mua ròng dài nhất từ tháng 1/2014. Họ đã đổ 93 triệu USD vào thị trường chứng khoán Việt Nam kể từ khi chỉ số VN Index giảm 8,8% tính từ thời điểm ngày 16/5.
Quỹ tài chính Advance Emerging Capital, Công ty quản lý tài sản Samsung, tập đoàn đầu tư Jefferies đều nói rằng: Họ vẫn đánh giá cao triển vọng đầu tư tại Việt Nam, khi mà tỉ lệ lạm phát giảm, với việc chính phủ giải quyết tốt nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, cùng với đó là triển vọng kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – một nhân tố được cho là sẽ thúc đẩy lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 17/5 đã ban hành công điện bảo đảm an ninh trật tự, sau khi xảy ra vụ việc biểu tình quá khích làm 2 người chết, 140 người bị thương.
Samir Shah, Giám đốc đầu tư Advance Emerging Capital có trụ sở ở London đang quản lý khối tài sản 750 triệu USD chia sẻ: “Chúng tôi nhìn nhận triển vọng của Việt Nam vẫn là đi lên. Đà phát triển kinh tế bền vững sẽ tiếp tục”. Ông Alan Richardson đến từ Công ty quản lý tài sản Samsung thì nhận định, giá cổ phiếu tại Việt Nam hiện nay ở mức “nên mua vào”.
Nhà đầu tư nước ngoài đánh giá tích cực về triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam. |
Các nhà đầu tư quốc tế đã mua ròng 188 triệu USD cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam kể từ đầu năm 2014, hướng đến việc mua ròng 9 năm liên tục. Nhiều công ty, trong đó có Quỹ quản lý tài sản PXP Việt Nam nói rằng, Chính phủ có thể sẽ “tăng room” cho các nhà đầu tư nước ngoài. Quỹ có trụ sở tại Mỹ này đã nhận được khoản đầu tư ròng 99,9 triệu USD trong năm nay, tương đương với 27% tổng mức vốn hóa thị trường của Quỹ. Đó là mức gia tăng lớn nhất tại 12 thị trường ở châu Á theo thống kê của Bloomberg.
Các nhà hoạch định chính sách Việt Nam cũng đang nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - mà theo dự đoán của Ngân hàng Thế giới (WB) là sẽ đạt mức 5,4% trong năm nay. Tốc độ tăng trưởng trong quý 1 đạt 4,96%, trong khi tỉ lệ lạm phát dưới 5% - thấp nhất từ thời điểm năm 2009. Chính phủ Việt nam đã cho thành lập Công ty mua bán nợ để xử lý các khoản nợ xấu; cho phép các nhà đầu tư nước ngoài có thị phần lớn hơn trong mảng cho vay nội địa. Trong khi đó, các nhà đàm phán vẫn đang tiếp tục hoàn tất Hiệp định TPP - nối kết một khu vực có GDP hàng năm đạt 28.000 tỉ USD, chiếm 39% trao đổi thương mại toàn cầu.
Trao đổi qua điện thoại, ông Tony Diep, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Indochina Capital nói rằng: Các nhà đầu tư nước ngoài “nghĩ rằng đây là thời điểm tốt nhất để mua vào. Họ thích giá cổ phiếu khi chưa được định giá đúng mức và nhìn nhận căng thẳng chỉ là hiện tượng trong ngắn hạn”.
Theo Báo Tin Tức