Chuyên gia: tham gia TPP, thách thức lớn nhất nằm ở Nhà nước

Thứ sáu, 30/10/2015, 13:16
Chiều 29-10, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã có buổi nói chuyện tại Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) về các thách thức mà Việt Nam phải đối mặt khi tham gia TPP cũng như nhiều hiệp định thương mại song phương.
Chuyên gia Phạm Chi Lan trong buổi nói chuyện ngày 29-10

Nhà nước phải nhanh chóng thích nghi

Gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP) đem đến cho Việt Nam nhiều cơ hội nhưng cũng rất nhiều thách thức và thách thức lớn nhất, đáng lo nhất nằm ở các cơ quan nhà nước.

Trong khi các nước như Mỹ, Nhật, New Zealand… đã dần công bố các cam kết của nước họ khi tham gia TPP thì Việt Nam vẫn chưa thấy thực hiện điều này. Nhà nước cần làm rõ nội hàm các cam kết TPP để doanh nghiệp tăng tốc chuẩn bị. Bên cạnh đó, cũng cần công bố các cam kết khi ký Hiệp định tự do thương mại (FTA) với Hàn Quốc cũng như Liên minh châu Âu như thế nào. Đến nay, nội dung các cam kết trong FTA với Hàn Quốc, chúng ta vẫn chỉ biết qua thông tin mà phía Hàn Quốc công bố.

Khi TPP có hiệu lực, cùng với các thỏa thuận tự do thương mại với các quốc gia khác, chúng ta sẽ có tất cả 57 FTAs. Tất cả thông tin cần được nêu rõ để có bước đi dung hòa. Không thể dồn hết vào TPP. Ngay cả trong TPP, thỏa thuận với Mỹ thế nào, với Nhật thế nào… đâu là những cơ hội, đâu là những thách thức; rồi như với thị trường Mỹ, Mỹ mở cửa đến đâu, đâu là các đối thủ mà Việt Nam cần quan tâm, đâu là thị trường ngách mà doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận,... tất cả cần được làm rõ.

Trong thế giới hội nhập thì thông tin là vũ khí. Chúng ta không thể ra thị trường như một người mù trong bối cảnh thế giới thay đổi quá nhanh như hiện nay.

Với WTO, chúng ta phải sửa đổi luật cho phù hợp thì mới được tham gia, còn với TPP, các nước không nhìn vào luật hiện hành mà nhìn vào những cam kết trong tương lai. Và khi TPP, với sự tham gia của 12 nước, chính thức được phê duyệt, thì Việt Nam – một nước có nền kinh tế thị trường chưa đầy đủ; một nước mà bóng dáng của Nhà nước còn quá lớn trong nền kinh tế; một nước mà việc phân bổ nguồn lực của nền kinh tế còn méo mó, chắc chắn sẽ bị soi kỹ bởi 11 nước còn lại.

Một điều rất quan trọng là chúng ta phải sửa luật cho phù hợp với các cam kết đã ký. Muốn sửa luật thì phải rà soát xem chỗ nào vênh, vênh như thế nào, cần phải sửa sao cho dung hòa với các hiệp định đã ký. Riêng khâu rà soát này rất cực. Năm 2005, khi chúng tôi tiến hành sửa đổi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư thì vướng phải 850 văn bản pháp quy liên quan cần điều chỉnh. Bao nhiêu khúc mắc điều nằm ở các văn bản dưới luật. Làm luật ở Việt Nam, thông thường cần hai năm để sửa một luật. Chưa kể sau luật còn phải ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn …

Bên cạnh đó, cần phải tập huấn, tôi nhấn mạnh hai chữ tập huấn chứ không phải tuyên truyền, cho các viên chức biết được những cam kết mới đòi hỏi gì. Nhiệm vụ của từng vị trí là gì. Chúng ta cần nhanh chóng thực hiện các điều này chứ không thể từ từ được. Tránh đến lúc xảy ra chuyện thì người này nhìn người kia, trông chờ lẫn nhau trong một cơ chế trách nhiệm tập thể. Nếu các viên chức vẫn hành xử theo kiểu cũ, hoặc người theo kiểu cũ, người theo kiểu mới, mà ai cũng cho rằng mình có quyền thì doanh nghiệp vẫn là nơi chịu thiệt nhất.

Gia nhập TPP, ai thật sự được hưởng lợi?

Đa số cơ quan truyền thông đều nói rằng với TPP, Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất. Tuy vậy cần làm rõ Việt Nam ở đây là ai? Ai mới là người được hưởng lợi nhiều nhất? Là người dân Việt Nam hay các doanh nghiệp FDI hay Trung Quốc?

Với nền kinh tế chúng ta hiện nay, xuất khẩu từ các doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng đến 70% và có xu hướng tăng dần, đối lập với tỷ trọng xuất khẩu tài nguyên than đá và dầu thô ngày càng giảm dần. Như vậy trong câu chuyện hội nhập, khi các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ dần, cơ hội xuất khẩu tăng lên nhưng cơ hội đó có thật sự dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) của Việt Nam hay chỉ dành cho các công ty đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI?

Lấy ví dụ từ ngành dệt may. Ngành này, như tên gọi, gồm dệt và may nhưng lâu nay chúng ta chỉ có may chứ không quan tâm đến ngành dệt. Các doanh nghiệp đầu tư vào ngành dệt hiện nay đa số từ các doanh nghiệp nước ngoài và không ít trong số đó là các doanh nghiệp Trung Quốc. Nếu trước đây, Trung Quốc xuất khẩu sản phẩm dệt sang Việt Nam để bán cho nước thứ ba thì nay họ có thể bán trực tiếp ngay tại Việt Nam. Với các dự án đầu tư tại Việt Nam, họ được hưởng nhiều ưu đãi, rồi lại có cơ hội chuyển những công nghệ cũ kỹ sang chúng ta. Rốt cuộc, các doanh nghiệp FDI, nhất là Trung Quốc, được hưởng lợi nhiều nhất từ FDI, chứ không phải các doanh nghiệp Việt Nam.

Gia nhập TPP, GDP hàng năm sẽ tăng, thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng. Đây là một bức tranh đẹp, về mặt vĩ mô, nhưng nó không thực sự đẹp khi SMEs Việt Nam không có cơ hội phát triển. Chỉ riêng 9 tháng đầu năm nay, tổng số doanh nghiệp đóng cửa đã lớn hơn số doanh nghiệp đóng cửa trong năm 2011 và 2012, là hai năm nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.

McKinsey đưa ra một báo cáo về trường hợp của Mexico, với hai nền kinh tế trong một quốc gia. Nền kinh tế thứ nhất đại diện bởi các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI, một nhóm rất nhỏ các doanh nghiệp lớn nội địa. Nền kinh tế còn lại, với đa số các doanh nghiệp trong nước, là một nền kinh tế lạc hậu. GDP Mexico dù tăng trưởng nhưng không làm tăng thu nhập của đa phần người dân ở đây, hoặc thu nhập của họ có tăng nhưng rất ít, không tương xứng với sự tăng trưởng của đất nước. Đây là một bài học rất lớn cho Việt Nam.

Dệt may, dịch vụ chịu nhiều thách thức

Với mọi yếu tố, khi đánh giá là cơ hội hay thách thức, chúng ta cần đặt yếu tố này trong mối quan hệ với nội lực, điểm mạnh, điểm yếu, chứ không thể nói chung chung được.

Một số người nói ngành chăn nuôi sẽ là vật hy sinh khi tham gia TPP, tôi cho rằng cách nói như vậy chưa hợp lý. Thứ nhất, chỉ riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành chăn nuôi chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 20%. So với ngành sữa của New Zealand, gần như đại diện cho cả ngành nông nghiệp của họ thì những nhượng bộ của chúng ta cũng chỉ ở mức tương đối. Thứ hai, cách nói như vậy dễ gây tâm lý chủ quan cho các ngành khác, và sợ nhất là các ngành khác không thấy thách thức mà mình đối mặt.

TPP có thể không đem lại nhiều thách thức cho ngành trồng trọt nhưng với AEC và Hiệp định về Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc, ngành trồng trọt sẽ gặp nhiều thách thức. Đặc biệt là thách thức đến từ Thái Lan khi gần như mọi sản phẩm của họ đều tốt hơn so với chúng ta.

Ngành dệt may Việt Nam sẽ chịu nhiều thách thức và thách thức lớn nhất là liệu chúng ta có thoát ra khỏi thân phận gia công hay không. Nếu cứ làm gia công hoài, doanh nghiệp sẽ không có thời gian để chuyển đổi hoặc nâng cấp trong chuỗi giá trị sản xuất. Và một khi Việt Nam mất lợi thế gia công từ giá nhân công, chi phí mặt bằng…, các đơn hàng sẽ chuyển sang các quốc gia khác. Chưa kể công nghệ tự động hóa ngày càng ứng dụng mạnh mẽ vào ngành này, những lợi thế về lao động không còn là lợi thế như trước. Nếu nhà nước và doanh nghiệp không nhìn kỹ vấn đề này để có sự chuẩn bị và thay đổi, những thách thức và khó khăn vẫn sẽ rất lớn.

Lâu nay, trong chiến lược phát triển của Việt Nam, các sản phẩm dịch vụ chưa được coi trọng. Về cơ bản, chúng ta vẫn chú trọng nhiều hơn đến những sản phẩm hữu hình, những sản phẩm có thể thấy, chạm được. Trong khi đó, mô hình chung của các quốc gia đang phát triển, tỷ trọng của ngành dịch vụ trong GDP luôn chiếm từ 50 – 55%. Ngành dịch vụ Việt Nam chưa bao giờ đạt mức 40%.

Vẫn còn một khoảng trống để ngành dịch vụ phát triển, đặc biệt khi nền kinh tế phát triển, tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng. Mỹ và EU nhìn thấy cơ hội này từ thị trường Việt Nam và họ rất quan tâm. Đây sẽ là một thách thức lớn với ngành dịch vụ chúng ta. Có những mảng đã có mặt nhưng chất lượng thấp kém thì sẽ sớm bị thay thế; có những mảng chưa phát triển thì đã không còn cơ hội phát triển.

Ngắn hạn và dài hạn

2016 vẫn sẽ là một năm đầy khó khăn với các doanh nghiệp Việt Nam. Cộng đồng kinh tế chung ASEAN hình thành, các nước láng giềng như Thái Lan, Indonesia, Philippines đều có sự chuẩn bị chu đáo. Trong một báo cáo của McKinsey, hơn 50% doanh nghiệp Thái nhìn thị trường Việt Nam là cơ hội của họ. Chúng ta sẽ có nguy cơ bị mất thị trường nội địa.

Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận tín dụng. Lạm phát thấp nhưng lãi suất cho vay từ ngân hàng vẫn cao. Chi phí đầu vào của doanh nghiệp: giá điện thì tăng, dầu thế giới giảm thì Việt Nam giảm không tương thích. Rào cản cho doanh nghiệp có xu hướng nhiều hơn qua các khoản thu.

Nếu các quốc gia khác, tổng mức thuế mà doanh nghiệp đóng chiếm chưa đến 20% lợi nhuận doanh nghiệp thì tại Việt Nam, theo một khảo sát của Ngân hàng Thế giới, tổng mức thuế mà doanh nghiệp đóng trên lợi nhuận là 40,8%. Tổng mức thuế ở đây tính gộp cho cả thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt với một số mặt hàng, thuế sử dụng đất…

Về dài hạn, theo một số báo cáo mà chúng tôi có được, 50 năm nữa, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất của Việt Nam. Người ta nói đến chuyện thoát Trung, tôi không đồng tình lắm với quan điểm này. Về mặt địa lý, họ ở ngay sát chúng ta, chẳng lẽ chúng ta dời đi nơi khác? Về mặt kinh tế, khi cả thế giới nhìn Trung Quốc ở cả hai mặt cơ hội lẫn thách thức, tại sao chúng ta không nhìn cơ hội, tìm cơ hội mà chỉ thấy thách thức? Với Thái Lan, Trung Quốc là một thị trường có nhiều cơ hội hơn là thách thức. Tôi nghĩ cách làm của Thái Lan có nhiều điều hay để chúng ta tham khảo.

Theo TB KTSG

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích