Ông Đặng Thành Tâm, Ủy viên Ủy ban đối ngoại của Quốc hội |
Thưa ông, để đón đầu việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược – TPP, từ đầu năm đến nay, đã có hơn 800 nhà đầu tư của Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực dệt may đến đầu tư tại Việt Nam, tuy nhiên, điều dư luận băn khoăn là các nhà đầu tư ngành dệt may của Trung Quốc máy móc cũ, tiêu tốn điện năng, đặc biệt gây ô nhiễm môi trường. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Điều đầu tiên phải khẳng định việc Việt Nam gia nhập TTP là chiến công rất lớn của Chính phủ và Bộ Công thương.
Còn về vấn đề môi trường, như bạn nói thì mặc dù, Trung Quốc tham gia vào Nghị định Kyoto về bảo vệ khí hậu toàn cầu, nhưng Trung Quốc vẫn không giảm được khí thải. Trung Quốc cũng là nước bị ảnh hưởng từ chính khói thải từ các nhà máy của mình, kể cả là Thủ đô Bắc Kinh.
Ví dụ, tôi có dự hội nghị APEC 2014 ở Bắc Kinh, được biết, trước khi hội nghị diễn ra 1 tháng, người ta bắt 2.000 nhà máy phải tạm ngừng hoạt động để nhìn thấy bầu trời mà không bị khói thải che kín, nhằm giữ hình ảnh trước các nguyên thủ APEC.
Ngay tại Trung Quốc còn như thế thì khi nhà đầu tư Trung Quốc sang Việt Nam với hệ thống máy móc cũ như thế sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường, chứ không phải không. Về điều này, theo tôi, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ khoa học công nghệ cũng phải yêu cầu các nhà đầu tư phải thực hiện đúng theo những quy định, chứ không phải vì thu hút đầu tư của nước ngoài mà “bỏ quên” quy định.
Tôi nhắc lại là, chính sách thì có hết rồi, vấn đề còn lại là giám sát việc thực hiện thôi. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải giám sát chặt chẽ các khu biên giới để máy móc cũ lạc hậu nhập lậu không vào được Việt Nam.
Vậy để ngăn chặn việc các nhà đầu tư Trung Quốc đưa máy móc lạc hậu, tiêu tốn điện năng, gây ô nhiễm môi trường khi vào đầu tư tại Việt Nam, theo ông cần có giải pháp gì?
Việc chúng ta gia nhập TPP sẽ nhận được sự ưu đãi dễ dàng, thuận lợi về hải quan, thuế má khi xuất nhập khẩu hàng hóa đối với các nước TTP. Việt Nam tham gia TPP thì sẽ có nhiều nước và nhiều nhà đầu tư của Trung Quốc sẽ tham gia đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn, đặc biệt là trong ngành dệt may.
Do vậy, Việt Nam cần đưa ra những tiêu chuẩn khắt khe hơn trước và mức độ kiểm soát máy móc, thiết bị trước khi các nhà đầu tư đến Việt Nam, khi doanh nghiệp đạt được đầy đủ các tiêu chuẩn về chất lượng máy móc, tiếng ồn, khói bụi, mức độ tiêu hao điện năng đúng theo quy định thì mới cấp giấy phép.
Việc này làm càng sớm, càng tốt, tuyên truyền một cách công khai để các doanh nghiệp Trung Quốc biết và chuẩn bị, nếu không, nguy cơ Việt Nam trở thành công xưởng của Trung Quốc. Do đó, người ta nói “phòng bệnh hơn chữa bệnh là như thế”.
Theo tôi, nên xây dựng bộ quy chuẩn tốt hơn, ví dụ như trước đây, quy định tỷ lệ máy mới bao nhiêu %, máy xả khói như thế nào thì mới được vào, ôtô cũ thì như thế nào,... Đặc biệt nhất là phải công bố sớm các nội dung TTP để cho doanh nghiệp chuẩn bị trong quá trình cạnh tranh, còn các bộ, ngành, cơ quan cần xây dựng chiến lược, tiêu chuẩn, quy định cụ thể, chuẩn bị sẵn sàng gia nhập TPP, vì theo Bộ Công Thương cho biết, 2 năm nữa TPP mới có hiệu lực.
Ngoài những vấn đề đã nêu, ông còn băn khoăn về việc gì nữa, thưa ông?
Điều tôi băn khoăn và cảnh báo đó là chúng ta phải kiểm soát được các doanh nghiệp vào Việt Nam nhưng không sản xuất mà chỉ đóng bao bì made in Vietnam vào mác để xuất sang các nước TPP khác để hưởng chế độ thuế hải quan thấp.
Để khắc phục điều này thì việc nhập khẩu theo cota tất cả các hàng hóa có đóng dấu vào, anh có tạm nhập tái xuất tại Việt Nam cũng không được miễn thuế, quan trọng là phải có biện pháp chấm dứt tình trạng hàng tiểu ngạch biên giới trôi sang. Đây là vấn đề đáng lo ngại, do đó mình cảnh báo sớm thì tốt hơn, để ngăn chặn kịp thời.
Xin cảm ơn ông!
Theo Lao Động