GS Trần Phương: Điểm sàn thực chất là... có hại!

Thứ sáu, 30/10/2015, 06:50
GS Trần Phương đề xuất nên bỏ điểm sàn vì điểm sàn thực chất... có hại, bởi nhiều sinh viên chọn đi học ở nước ngoài vì không đủ điểm sàn. Đây là sự lãng phí.

Các trường CĐ, ĐH không biết thí sinh chạy đi đâu

Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra điểm sàn ngay khi có điểm thi THPT Quốc gia đồng thời lãnh đạo Bộ trấn an, với ngưỡng điểm của Bộ đưa ra các trường không lo thiếu học sinh. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại các trường ngoài công lập vẫn kêu thiếu, thậm chí có trường chỉ tuyển được vài học sinh.

Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam tổ chức hội thảo.

Để tìm lối thoát cho vấn đề này, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam đã phải vào cuộc.

Phát biểu tại hội thảo, GS Trần Phương - Nguyên Phó thủ tướng, Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ (Hà Nội) nói: “Kỳ thi THPT Quốc gia với mục đích “hai trong một” là sáng kiến hay. Đó là kỳ thi đảm bảo hai yếu tố: Mục đích tốt nghiệp THPT đạt yêu cầu, phân loại được điểm để các trường CĐ, ĐH tuyển sinh.

Thực tế, tất cả thí sinh đã tốt nghiệp THPT đều có đủ trình độ theo học CĐ, ĐH. Chính vì vậy, Bộ GD&ĐT không nên quy định điểm sàn trong xét tuyển”.

Lý do GS Trần Phương đưa ra là bỏ điểm sàn chính là: “Điểm sàn là nguyên nhân khiến nhiều thí sinh không đủ điều kiện học, trong khi các trường lại không tuyển đủ chỉ tiêu. Điểm sàn thực chất... có hại, bởi nhiều sinh viên chọn đi học ở nước ngoài vì không đủ điểm sàn ở Việt Nam là lãng phí.

Điều này tạo ra nghịch lý, học sinh Việt Nam ra nước ngoài học còn các trường trong nước lại thiếu thí sinh. Ra nước ngoài học tức là mang tiền cho thiên hạ. Nước ta phải trả cho nước ngoài bao nhiêu tỷ đô la về đào tạo đại học? Điểm sàn cũng gây lãng phí thời gian khi sau mỗi đợt tuyển sinh, học sinh phải chờ điểm sàn, giảng viên ngồi chờ vì không có việc để làm”.

Ngay sau lời phát biểu của GS Trần Phương, rất nhiều lãnh đạo các trường CĐ, ĐH tham dự hội thảo tán thành cao.

Theo GS Trần Phương, Bộ GD&ĐT tính toán có khoảng 530.000 thí sinh đạt mức điểm sàn trở lên nhưng đã gần hết tháng 10, nhiều trường vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. ĐH Kinh doanh Công nghệ chỉ tuyển được 2.600/4.500 thí sinh. Vậy thí sinh đã đi đâu?

Để đảm bảo cho việc này, GS Trần Phương kiến nghị: “Bộ GD&ĐT chỉ cần kiểm soát chất lượng đầu ra của các trường, không nên kiểm soát chặt chẽ như hiện nay. Quan điểm các thí sinh phải vượt qua điểm sàn mới học tốt là không đúng”.

Minh chứng cho vấn đề này, GS Trần Phương phân tích: “Sau nhiều năm tuyển sinh và đào tạo, tôi nhận nhiều học sinh không đủ điểm sàn nhưng vẫn thành công, do học thêm ngoại ngữ để có cơ hội du học. Trong đó, ĐH Kinh doanh và Công nghệ đã cử hơn 1.000 học sinh không đủ điểm sàn, có bằng ngoại ngữ đến các trường chất lượng ở Đài Loan, Australia thu được kết quả học tập tốt, thậm chí đạt học bổng”.

Nguồn nhân lực không hẳn là tránh nhiệm của Bộ GD&ĐT

Nói về chất lượng đào tạo ĐH, CĐ hiện nay, GS Trần Phương chia sẻ: “Nguồn nhân lực, không hẳn là trách nhiệm của riêng Bộ GD&ĐT mà cần huy động cả Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vào cuộc. Đất nước đang vươn lên công nghiệp hóa mà thiếu thợ lành nghề thì sẽ đi đến đâu? Trong khi đó, hệ thống dạy nghề nước ta thiếu học trò. Lâu nay, Bộ GD&ĐT chỉ quan tâm siết chặt đầu vào mà buông lỏng đầu ra”.

GS Trần Phương kiến nghị Bộ GD&ĐT tại hội thảo.

Chính vì điều này, GS Trần Phương đề xuất và kiến nghị với Bộ GD&ĐT rằng: “Bộ nên nới lỏng đầu vào và cần siết chặt đầu ra. Mức điểm tối thiểu cho sinh viên ra trường nên là 6 (thay cho 5 điểm như trước). Bên cạnh đó, để nâng cao được chất lượng học sinh, cần chú trọng việc dạy và học tiếng Anh.

Cho tới lúc này, trình độ tiếng Anh của sinh viên nước mình là rất thấp. Trong thời gian học ĐH các em chỉ học có 40 tín chỉ và có 70% đạt trình độ B1. Chính điều này, dẫn đến sự thất nghiệp nhiều của các sinh viên sau khi ra trường. Trường tôi các sinh viên ra trường không bao giờ thất nghiệp, vì các em rất giỏi tiếng Anh, nên có thể đi làm phiên dịch…”.

Cùng chung quan điểm với ý kiến của GS Trần Phương, GS Trần Hồng Quân – nguyên Bộ trưởng GD&ĐT nói, ở bậc đại học, quan trọng nhất là quá trình học chứ không phải chất lượng đầu vào. Việc xét tuyển theo ngành học cũng quan trọng hơn xét theo trường.

GS Quân phân tích: “Thí sinh có thể lựa chọn trường tốt hay trung bình nhưng ngành học là điều sẽ theo họ cả cuộc đời. Việc không phân loại ngành học, môn thi hợp lý dẫn đến điều đáng tiếc. Ví dụ, một thí sinh thi ngành Công nghệ thông tin đầu vào khối A (Toán, Lý, Hóa) trong khi đó thực tế nghề này lại không đòi hỏi kiến thức môn Hóa".

Theo Infonet

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích