Quản chặt xe công, tiết kiệm cho ngân sách 2.740 tỷ đồng/năm

Thứ tư, 28/10/2015, 15:05
Nếu quản lý chặt, mỗi năm ngân sách có thể tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng từ việc sử dụng ôtô công.
Xe công bị lạm dụng trong khi ngân sách hết sức khó khăn

Một xe công “ngốn” 320 triệu mỗi năm

Ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, hiện số lượng xe ôtô công của nước ta là khá lớn, gần 40 nghìn chiếc. Số lượng xe tại các doanh nghiệp Nhà nước chưa có thống kê, nhưng với mỗi đơn vị hai chiếc thì số xe công tại khối này khoảng 2 nghìn chiếc. Đó là chưa kể xe công tại khối công an và quân đội…

Lãnh đạo Bộ Tài chính thừa nhận, chính sách sử dụng và quản lý ôtô công đã được quy định từ sớm, trước khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước năm 2008 được ban hành. Tuy nhiên, tới nay vẫn còn hiện tượng mua xe vượt tiêu chuẩn, định mức, điều chuyển xe ôtô giữa các đơn vị không đúng thẩm quyền, phổ biến trường hợp dùng xe công vào việc riêng hay việc mua xe chưa được quản lý chặt chẽ…

Đáng nói, theo số liệu của Bộ Tài chính, chi phí “nuôi” mỗi chiếc ôtô công trung bình là 320 triệu đồng/năm. Trong đó, gồm tiền thuê lái xe, tiền xăng, tiền sửa chữa bảo hành… trong khi ngân sách còn hết sức khó khăn.

Có thể tiết kiệm gần 3 nghìn tỷ đồng mỗi năm

Theo Quyết định 32/2015/QĐ-TTg quy định chặt chẽ hơn trong việc sử dụng xe công, chỉ có chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 và chức danh Thứ trưởng (hoặc tương đương) trở lên mới được sử dụng xe ôtô công đưa đón từ nơi ở tới nơi làm việc. Tại địa phương, chỉ có bốn chức danh: Bí thư tỉnh, phó bí thư tỉnh, chủ tịch UBND tỉnh, chủ tịch HĐND tỉnh mới được dùng xe công đưa đón.

Dự kiến tiết kiệm 30 nghìn tỷ mỗi năm từ mua sắm tài sản Nhà nước

Theo Cục trưởng Trần Đức Thắng, sau 5 năm thực hiện Quyết định 179/QĐ-TTg về mua sắm tài sản Nhà nước theo phương thức tập trung, số tiền tiết kiệm được lên tới 15% so với mua sắm riêng lẻ.

Được biết, mỗi năm số tiền chi cho mua sắm tài sản nhà nước chiếm tới 20% ngân sách, tương đương khoảng 200 nghìn tỷ đồng. “Nếu triển khai mua sắm tập trung toàn bộ các hàng hoá dịch vụ như một số nước thì dự kiến sẽ tiết kiệm chi ngân sách 30 nghìn tỷ đồng mỗi năm”, ông Thắng nói.

“Phó chủ tịch tỉnh (trừ Hà Nội và TP.HCM) cũng không thuộc diện được xe công đưa đón đi làm. Giám đốc các sở, bí thư các huyện cũng không nằm trong diện được hưởng ưu đãi trên”, ông Trần Đức Thắng nói.

Theo quy định, mỗi đơn vị cũng chỉ được sử dụng từ một đến hai xe công, nếu áp dụng theo chính sách mới sẽ giảm được khoảng 7 nghìn xe so với hiện tại. Như vậy, mỗi năm, ngân sách sẽ tiết kiệm được khoảng 500 tỷ đồng tiền mua xe thay thế. Nếu tính thêm chi phí “nuôi” xe trong quá trình sử dụng là 2.240 tỷ đồng thì mỗi năm ngân sách sẽ tiết kiệm được 2.740 tỷ đồng mỗi năm.

Cục trưởng Cục Quản lý công sản Trần Đức Thắng cho biết, Quyết định 32 đã có hiệu lực từ 21/9/2015. Trong 6 tháng đầu áp dụng quy định mới, các tỉnh sẽ phải rà soát, điều chuyển số ôtô công trong địa phương mình. Số xe dư thừa sau khi điều chuyển sẽ phải trả lại cho Bộ Tài chính cân đối giữa các địa phương hoặc bán đấu giá sung vào ngân sách. “Sau 6 tháng sẽ có báo cáo, đánh giá, địa phương nào không thực hiện hay vi phạm sẽ bị xử lý”, Cục trưởng Cục Quản lý công sản nêu rõ.

Theo Báo Giao Thông

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích