TS. Lê Đăng Doanh: “Chi phí xe công vượt sức chịu đựng của nền kinh tế”

Thứ ba, 27/10/2015, 10:52
"Các chế độ, chính sách bao cấp cho quan chức các cấp ngày càng mở rộng, chi phí xe công quá tốn kém, vượt quá sức chịu đựng của nền kinh tế".
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh.

Con số 40.000 xe công và 12.800 tỷ đồng chi phí duy trì hoạt động xe công hàng năm vừa được Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) công bố mới đây đã thực sự thu hút sự quan tâm của dư luận.

Trong bối cảnh ngân sách nhà nước eo hẹp, không đủ để trả nợ chứ chưa nói đến các kế hoạch mở rộng đầu tư phát triển, con số 12.800 tỷ đồng hàng năm chỉ để "nuôi" riêng xe công khiến dư luận hết sức ngỡ ngàng.

Trao đổi ngắn với PV về những con số "giật mình" này, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương, nhận định: "Với bộ máy cồng kềnh, trùng lặp từ Đảng, Chính phủ, đoàn thể ngày càng phình to; các chế độ, chính sách bao cấp cho quan chức các cấp ngày càng mở rộng, chi phí xe công quá tốn kém, vượt quá sức chịu đựng của nền kinh tế".

Theo ông Doanh, chính bởi kỷ luật ngân sách không nghiêm, hiện tượng lạm dụng xe công vượt quy định ngày càng phổ biến... là lý do khiến chi xe công đã và đang trở thành gánh nặng của nền kinh tế đặc biệt trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang khá eo hẹp như hiện nay.

"Ví dụ như trường hợp Chủ tịch Liên Minh Hợp tác xã của một tỉnh xin được 1 xe ôtô biển xanh cũng cho lái xe đưa đón từ nhà đi làm. Trường hợp nhiều địa phương, các cấp bộ ngành,... lấy xe công đi lễ chùa, ăn giỗ, ăn cưới... vẫn còn rất phổ biến hàng chục năm nay", ông Doanh cho biết thêm.

Báo cáo của Cục Quản lý công sản cho biết, hiện nay cả nước ước tính lên tới 40.000 xe công (chưa bao gồm xe của các đơn vị vũ trang và các doanh nghiệp nhà nước).

Đồng quan điểm với chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, đánh giá của Cục Quản lý công sản cũng cho thấy, mặc dù lượng xe công của nước ta khá lớn nhưng công tác quản lý vẫn còn gặp những khó khăn vướng mắc cần khắc phục như: Hiện tượng mua xe vượt tiêu chuẩn, định mức; việc điều chuyển xe ôtô giữa các đơn vị không đúng thẩm quyền quy định; quy định về khoán kinh phí xe ôtô hầu như không được áp dụng; việc sử dụng xe ôtô vào việc riêng, sử dụng xe sai đối tượng, sử dụng xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc với các chức danh không đủ tiêu chuẩn định mức vẫn diễn ra....

Khẳng định với PV, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng: "Điều này xa lạ với bản chất nhà nước ta và khác hẳn các nước phát triển: Không có xe công đưa đón, mọi sự lạm dụng bị phanh phui đều bị bồi hoàn tiền cho ngân sách".

Cũng theo ông Doanh, đã đến lúc, nước ta phải thay đổi các chế độ và chấm dứt sự lạm dụng xe công, tài sản công.

Để khắc phục những tồn tại liên quan đến lãng phí xe công, trước đó, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg ngày 4/8/2015 quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ôtô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (thay thế Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 61/2010/QĐ-TTg). Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/9/2015.

Theo đó, một số nội dung quan trọng trong Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg có nêu rõ: Quy định về việc thay thế xe ôtô phục vụ công tác (gồm xe ôtô phục vụ công tác cho các chức danh; xe ôtô phục vụ công tác chung); Quy định thống nhất định mức xe ôtô phục vụ công tác chung là từ 1 đến 2 xe/đơn vị cho tất cả các cơ quan, đơn vị có đủ tiêu chuẩn được trang bị xe (bao gồm cả các đơn vị đã trang bị xe theo quy định trước đây); Quy định rõ hơn cách xác định mức khoán kinh phí trong trường hợp các chức danh có đủ tiêu chuẩn được sử dụng xe tự nguyện đăng ký nhận khoán kinh phí sử dụng xe công….

Đặc biệt, việc chuyển đổi phương thức trang bị xe công theo định mức mới từ 1 đến 2 xe/đơn vị đã và sẽ tiếp tục làm giảm một số lượng lớn xe ôtô phục vụ công tác chung.

Ước tính, theo quy định mới sẽ giảm được khoảng 7.000 xe so với hiện tại, tương đương mỗi năm ngân sách sẽ tiết kiệm được khoảng 500 tỷ đồng tiền mua xe thay thế, chưa tính chi phí vận hành trong quá trình sử dụng.

Được biết, hơn 40.000 xe công hiện đang tồn tại sẽ được rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 22/3/2016.

Trong khi tình trạng xe công tràn lan gây lãng phí hàng nhiều nghìn tỷ đồng, ngân sách nhà nước cho năm 2016 được dự báo sẽ khá eo hẹp, không đủ để trả các khoản nợ đến hạn chứ chưa nói đến các kế hoạch mở rộng phát triển.

Theo nhìn nhận của TS. Lê Đăng Doanh, tình hình mất cân đối ngân sách thực sự đáng báo động vì mức bội chi quá lớn, nợ công tăng nhanh, hiện nay chưa trả đúng kỳ hạn và phải vay nợ mới để trả nợ, làm cho nợ công tiếp tục tăng lên.

"Cần có đề án tái cơ cấu ngân sách, cân bằng thu chi ngân sách, cải cách thể chế, giảm biên chế và dừng tăng nợ công. Viễn cảnh vỡ nợ với những hệ quả nặng nề cần được phân tích nghiêm túc và có biện pháp ngăn ngừa trước khi quá muộn", ông Doanh nhấn mạnh.

Theo Bizlive

Các tin cũ hơn