Về việc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) công bố kế hoạch thoái vốn tại 10 doanh nghiệp lớn, ông Đặng Quyết Tiến - Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) một lần nữa khẳng định, yêu cầu thoái vốn của SCIC được Chính phủ phê duyệt tại đề án tái cơ cấu, trong đó nêu rõ, việc thoái vốn phải chọn thời điểm thích hợp và phải có phương án cụ thể, đảm bảo đạt “lợi ích cao nhất”.
Theo ông Tiến, SCIC là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, việc Chính phủ chỉ đạo đơn vị này thoái vốn tại các doanh nghiệp đã công bố với vai trò là chủ sở hữu là đúng tinh thần Hiến pháp 2013 và Luật doanh nghiệp năm 2014. Chính phủ đã đưa ra thông điệp đề nghị SCIC rà soát lại danh mục đầu tư và cho phép thoái vốn ở những lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ.
Trong thời gian qua, SCIC giúp Chính phủ thoái vốn nhanh hơn ở những lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ. Những doanh nghiệp chuyển giao về SCIC đều được đơn vị này cơ cấu lại danh mục, phân loại theo các cấp độ khác nhau như: doanh nghiệp có thể bán ngay; doanh nghiệp phải giữ lại một thời gian để củng cố.
Thoái vốn đón đầu cơ hội
Giải thích về lí do tại sao SCIC không thực hiện thoái vốn vào giai đoạn trước, khi thị trường đang tốt hơn, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng, việc bán vốn là hoạt động kinh doanh bình thường của doanh nghiệp. Giai đoạn trước, thị trường xuống, có những rủi ro khi bán vốn không đạt mục tiêu ban đầu như tối đa hóa lợi nhuận, bảo toàn vốn nhà nước nên SCIC tạm thời chưa công số danh sách thoái vốn.
"Thực tế, khi thị trường xấu, nếu đưa hàng hóa tốt ra bán, khó đạt được giá như mong muốn. Tức là, hàng hóa không thể bán với giá tốt nhất để bảo toàn vốn nhà nước, không tìm được cổ đông thực sự gắn bó với doanh nghiệp", ông nói.
Mặt khác, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho rằng, thời điểm đó thông tin chưa công khai, minh bạch như hiện nay, do đó mặc dù có những lĩnh vực đang hoạt động hiệu quả nhưng đưa lên thị trường chưa chắc nhà đầu tư đánh giá là hiệu quả vì giá trên thị trường xuống thấp nên không thể bán đúng giá. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước phải thận trọng, không phải bán bằng mọi giá.
"SCIC công bố danh sách 10 doanh nghiệp sẽ thoái vốn trong thời điểm này là đón đầu cơ hội với các yếu tố như thị trường đã khởi sắc, nhà đầu tư đã quan tâm đến Việt Nam hơn. Việc thoái vốn phải đảm bảo vốn nhà nước ở mức độ cao nhất, hợp lý nhất, đặc biệt khi SCIC thoái vốn ở doanh nghiệp lớn, có chi phối lớn đối với cộng đồng", đại diện Bộ Tài chính khẳng định.
Do đó, ông Tiến cho hay, SCIC phải chọn thời điểm để các nhà đầu tư có đủ thông tin, phương thức thoái vốn phải đảm bảo minh bạch, thị trường, hiệu quả cần cảnh giác để loại bỏ các nhà đầu tư thao túng lợi ích. Theo đó, SCIC phải xây dựng lộ trình thoái vốn cụ thể về thời gian, phương thức thoái đảm bảo đúng quy định của pháp luật và yêu cầu đề ra.
Không phải "nước cờ" để giải bài toán ngân sách
Trước câu hỏi cho rằng, đây có phải “nước cờ” để xử lý bài toán ngân sách vốn đang khó khăn hay không, ông Tiến khẳng định, việc SCIC thoái vốn khỏi 10 doanh nghiệp lớn không phải vì mục tiêu ngân sách nhà nước như nhiều ý kiến, đây nằm trong kế hoạch thực hiện định hướng của Chính phủ là thoái vốn ở những lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ theo quy định của Luật trên.
"Nợ công và ngân sách là những vấn đề đã được quy định tại Luật riêng và có giải pháp khác. Cụ thể, về nợ công, đầu năm 2015, Chính phủ đã ra chỉ thị phải siết chặt quy trình đánh giá và giảm bớt bảo lãnh chính phủ, chỉ những lĩnh vực Nhà nước cần nắm giữ như an sinh xã hội hoặc những lĩnh vực không tạo ra lợi nhuận, Nhà nước sẽ phải đứng ra bảo lãnh", ông nhấn mạnh.
Về ngân sách, ông Tiến cũng cho biết thêm, vấn đề quan trọng là tạo ra khuôn khổ pháp lý để cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo minh bạch để doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn, nộp thuế nhiều hơn. Thực tế trong thời gian qua, một số loại thuế đã được cắt, giảm, nguồn thu vẫn đảm bảo.
Theo vị này, trên cơ sở những chỉ đạo chung, quan điểm của Đảng, Nhà nước là những lĩnh vực nào Nhà nước không cần nắm giữ, những thành phần kinh tế khác không làm được, hoặc các thành phần kinh tế khác không muốn tham gia thì SCIC cần phải nắm giữ.
"Các doanh nghiệp SCIC công bố thoái vốn là các lĩnh vực doanh nghiệp tư nhân đã làm được. Ví dụ như Vinamilk, trước đây, thị trường sữa chỉ có doanh nghiệp này phát triển mạnh, nắm quyền chi phối giá sữa trên thị trường nên SCIC không thể thoái vốn. Nhưng, hiện đã có các doanh nghiệp khác như TH True milk phát triển. Như vậy, thị trường sữa đã bước đầu hình thành và phát triển mạnh, người tiêu dùng Việt Nam đã được đảm bảo, đồng thời đến giai đoạn này Chính phủ quyết định danh mục này Nhà nước không cần phải nắm giữ", ông cho biết thêm.
Theo Dân Trí