Chống tham nhũng còn e dè

Thứ hai, 26/10/2015, 23:09
Tham nhũng khu vực công vẫn diễn biến phức tạp. Trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng còn chưa xử lý triệt để trách nhiệm của người đứng đầu

Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội (QH) vừa có báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2015 gửi đến đại biểu QH.

Tham nhũng khu vực công nghiêm trọng

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm UBTP Nguyễn Văn Hiện đánh giá trong năm 2015, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường các biện pháp PCTN và đạt được kết quả trên nhiều mặt… Theo đó, một số vụ án tham nhũng lớn được phát hiện và xử lý, như vụ Trần Hải Sơn và đồng phạm tham ô tài sản tại Vinalines; 5 vụ án xảy ra tại Công ty Cho thuê tài chính 2 thuộc Agribank Việt Nam; vụ án xảy ra tại Công ty Dệt kim Đông Phương và Agribank Chi nhánh 6, TP.HCM; vụ án xảy ra tại Công ty CP Chế biến thực phẩm Phương Nam, tỉnh Sóc Trăng; vụ án xảy ra tại Agribank Chi nhánh 7, TP.HCM; vụ án xảy ra tại Ban Quản lý các dự án đường sắt thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam…

Các bị cáo trong vụ tham nhũng liên quan đến Agribank Ảnh: Hoàng Triều
Các bị cáo trong vụ tham nhũng liên quan đến Agribank Ảnh: Hoàng Triều

Tuy nhiên, UBTP đánh giá công tác đấu tranh PCTN vẫn chưa xử lý triệt để, nghiêm minh trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng. Đặc biệt, việc phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng năm 2015 còn chậm trong khi tình hình tham nhũng trong khu vực công vẫn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực…

Cùng với đó, việc xử lý hành vi tham nhũng trong một số vụ án chưa chặt chẽ dẫn đến việc xử lý kéo dài. Đáng chú ý, tỉ lệ giải quyết án tham nhũng của các cơ quan tư pháp trung ương còn thấp. Cụ thể, cơ quan điều tra Bộ Công an giải quyết án tham nhũng chỉ đạt 45,8%; VKSND Tối cao 64,3%, VKSND Tối cao ủy quyền công tố 46,2%.

“Tình trạng vi phạm pháp luật, tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật có chiều hướng gia tăng. Cơ quan điều tra của VKSND Tối cao đã khởi tố 13 vụ án về tham nhũng xảy ra ngay trong lĩnh vực tư pháp” - báo cáo nhấn mạnh.

Xử lý chưa nghiêm

Về kết quả công tác thanh tra, kiểm toán nhà nước, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần phát hiện và xử lý tham nhũng, UBTP cho biết lĩnh vực tham nhũng “nóng” nhất vẫn là đất đai. Cụ thể qua thanh tra, đã kiến nghị thu hồi 52.253 tỉ đồng và 1.788 ha đất; loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 14.447 tỉ đồng, 824 ha đất. Cơ quan thanh tra các cấp còn kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với 1.945 tập thể, 14.339 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 65 vụ với 50 đối tượng; thu hồi cho nhà nước 912,4 tỉ đồng (đạt 68,9%) và 63.695 ha đất (đạt 99%).

Riêng cơ quan Kiểm toán Nhà nước phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 23.024 tỉ đồng.

UBTP đánh giá công tác phát hiện tham nhũng vẫn là khâu yếu, kéo dài nhiều năm nhưng đến nay chưa có chuyển biến đáng kể. Báo cáo nêu rõ: Kết quả việc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng năm nay đều giảm so với cùng kỳ năm 2014. Trong kỳ báo cáo, cơ quan điều tra đã khởi tố 178 vụ án, 317 bị can về các tội danh tham nhũng, giảm 61 vụ, 242 bị can; VKSND các cấp truy tố 310 vụ/697 bị can, giảm 19 vụ, 54 bị can; TAND cấp xét xử sơ thẩm 260 vụ, 577 bị cáo, giảm 27 vụ, 98 bị cáo về các tội danh tham nhũng so với cùng kỳ năm trước. Thiệt hại do tham nhũng gây ra trên 950 tỉ đồng và 9.887 m2 đất…

Ngoài ra, vẫn còn một số vụ án xử lý kéo dài, vi phạm thời hạn tố tụng. Việc xem xét, xử lý hành vi tham nhũng trong một số trường hợp chưa nghiêm, nặng về xử lý kỷ luật hành chính đi đôi với thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp. Trong các vụ án do Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng điều tra thì tài sản thiệt hại khoảng 268,2 tỉ đồng, thu hồi được 43,9 tỉ đồng, chỉ đạt 16,3%. Trên phạm vi cả nước, công tác thu hồi tài sản tham nhũng đạt 55,8% giá trị về tiền và 29,2% giá trị về đất.

Điều đáng nói là hàng loạt con số hệ lụy từ tham nhũng trên chưa phải là thiệt hại cuối cùng khi báo cáo của Chính phủ mới chỉ có 19 bộ, ngành địa phương thực hiện xong việc đánh giá tình hình tham nhũng năm 2015. “Điều này làm ảnh hưởng đến tính khách quan, toàn diện khi đánh giá tình hình tham nhũng. UBTP đề nghị Chính phủ chấn chỉnh kịp thời đối với các bộ, ngành, địa phương” - ông Nguyễn Văn Hiện kiến nghị.

Lãnh đạo chưa tiếp dân thường xuyên

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý cũng đã có báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2015 gửi đến QH. Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2015, nhiều bộ, ngành, địa phương có tỉ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo còn thấp (trên dưới 50%). Kết quả thanh tra trách nhiệm năm 2015 của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ: Chủ tịch UBND TP.HCM và đa số chủ tịch UBND các quận, huyện của TP chưa tiếp dân thường xuyên (chỉ đạt 35% so với quy định); chủ tịch UBND TP.Huế, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế) có tỉ lệ tiếp dân định kỳ đạt trên dưới 50%...

B.Trân

Về hưu là thoát hết!

Để chống tiêu cực trong việc thực hiện các dự án đầu tư công, ông Trương Trọng Nghĩa - Ủy viên UBTP, đại biểu QH TP.HCM - cho rằng cần để cho nhân dân tham gia giám sát dự án hạ tầng. Theo ông Nghĩa, đầu tư công xuất phát từ nợ công và tiền ngân sách, có đặc điểm là rất nhiều người tham gia quyết định nhưng lại không có ai chịu trách nhiệm về các khoản nợ đó, thậm chí không chịu trách nhiệm về dự án đó kéo dài hay chất lượng xấu. Họ về hưu là thoát hết!

Ông Nghĩa cho rằng do nợ công giống như “cha chung không ai khóc” nên giám sát, quản lý lỏng lẻo. Vì vậy, cần để người  dân tham gia giám sát đầu tư công.

T.Dũng

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn