5 năm vẫn trên giấy
Đây đã là lần thứ hai, UBND TP.HCM phải tiến hành “nới đai” tiến độ Dự án Xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2, tuyến Bến Thành – Tham Lương (giai đoạn I). “Tiến độ được điều chỉnh lần thứ nhất (năm 2013) - hoàn thành vào năm 2018 khó có thể đạt được”, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết.
Cụ thể, trong lần điều chỉnh tiến độ thứ hai này, thời điểm khai thác tuyến metro đi qua các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú mà sẽ lùi thêm ít nhất là 4 năm nữa. Trong khi đó, Dự án lẽ ra phải hoàn thành vào cuối năm 2016 nếu chiểu theo Quyết định số 4474/QĐ – UBND do UBND TP.HCM phê duyệt.
Phối cảnh đoàn tàu tuyến metro số 2, TP.HCM. |
Được biết, tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Tham Lương do UBND TP.HCM làm chủ đầu tư có điểm đầu tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) và điểm cuối ở Bến xe An Sương (quận 12). Trong giai đoạn đầu, TP.HCM sẽ xây dựng đoạn từ Bến Thành đến Tham Lương dài 11 km. Đoạn này bắt đầu từ nhà ga Bến Thành (quận 1) rồi đi ngầm 9,3km trước khi chạy lên mặt đất tại quận Tân Phú, xuyên qua một cửa ngầm dài 0,2km rồi chạy trên cao 0,8km để vào nhà ga số 11. Sau đó, chạy qua đoạn đường nối dài gần 1km để vào khu depot ở quận 12.
Cần phải nói thêm rằng, với số lượng hành khách giờ cao điểm được dự báo có thể lên tới 481.700 người/ngày vào năm 2025, tuyến metro số 2 được kỳ vọng bổ sung phương thức vận chuyển khối lượng lớn để giải quyết nhu cầu đi lại của người dân từ trung tâm Thành phố về phía Tây Bắc và ngược lại, làm cơ sở phát triển các tuyến đường sắt đô thị khác trong tương lai.
“Việc tuyến metro số 2 gần như không đạt được tiến bộ đáng kể nào sau 5 năm triển khai là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực nội đô trở nên trầm trọng”, một chuyên gia giao thông đô thị nhận xét.
Theo báo cáo của Ban quản lý Dự án đường sắt đô thị, tính đến giữa tháng 10/2015, giải ngân vốn đối ứng của Dự án đạt 109,5/6.204 tỷ đồng, bằng 1,77%; giải ngân vốn ODA đạt 617/19.912 tỷ đồng, bằng 2,1% tổng vốn ODA toàn Dự án, trong đó chủ yếu rơi vào phần tài trợ của Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW).
Đội vốn khủng
Có 4 lý do chính được chủ đầu tư đưa ra để lý giải cho việc thời gian thi công công trình có thể kéo dài tới 12 năm là: phải điều chỉnh thiết kế cơ sở để phù hợp với điều kiện thực tế nhằm nâng cao hiệu quả dự án; chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng; thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản có nhiều thay đổi; sự khác biệt giữa quy định của Việt Nam với các nhà tài trợ…
“Đây cũng là một trong những nguyên nhân khách quan dẫn đến tăng tổng mức đầu tư liên quan đến trượt giá từ năm 2010 đến nay”, ông Tín khẳng định.
Cùng với việc lùi tiến độ hoàn thành, UBND TP.HCM đã phải xin điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án. Theo đó, tổng mức đầu tư Dự án sẽ tăng từ 1.374,5 triệu USD lên 2,074 tỷ USD (khoảng 700 triệu USD, tương đương 51%), chủ yếu do trượt giá (240 triệu USD) và thay đổi thiết kế nền tảng (460,32 triệu USD).
“Con số trên chưa kể bổ sung hạng mục Nhà ga Bến Thành của tuyến tàu điện ngầm số 2 và công ty vận hành bảo dưỡng”, ông Hoàng Như Cương, Phó trưởng ban Quản lý dự án thừa nhận.
Điểm thuận lợi lớn nhất của việc phải nới đai chi phí Dự án là việc các nhà tài trợ chính đã đồng ý bổ sung phần vốn tăng thêm, trong đó Ngân hàng Phát triển châu Á đồng ý bổ sung 500 triệu USD; Ngân hàng Đầu tư châu Âu 56 triệu USD và Ngân hàng Tái thiết Đức 168 triệu USD.
Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù UBND TP.HCM cam kết bố trí đầy đủ, kịp thời phần vốn đối ứng cho dự án, nhưng với khối lượng vốn yêu cầu lên tới hơn 6.000 tỷ đồng (chưa điều chỉnh), đây thực sự là khó khăn rất lớn trong bối cảnh chủ đầu tư đang đồng loạt triển khai nhiều dự án hạ tầng quy mô rất lớn.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát tiến độ điều chỉnh cũng đang tiềm ẩm nguy cơ rủi ro rất cao, bởi hiện Dự án mới khởi công được gói thầu xây lắp duy nhất - xây dựng nhà điều hành (vào tháng 3/2015), trong khi những hạng mục phức tạp, quy mô lớn xây dựng đường hầm và các ga ngầm; cầu cạn; nhà ga trên cao; hạ tầng cơ sở depot Tham Lương… vẫn đang loay hoay tuyển chọn nhà thầu.
Theo Báo Đầu Tư