Chuyện 40.000 xe công: Giảm chi thường xuyên vẫn mang tính hô hào nhiều quá!

Thứ hai, 26/10/2015, 17:25
Theo TS Đinh Tuấn Minh, ngân sách nhà nước đang phải “gồng gánh” quá nhiều khoản chi cho một bộ máy quá cồng kềnh, kém hiệu quả mà trong đó, chi phí cho việc đi lại nằm ở con số 13.000 tỷ đồng cho 40.000 xe công mỗi năm chỉ là một ví dụ.

Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước khó khăn, việc Bộ Tài chính mới đây công bố thông tin mỗi năm tiêu tốn gần 13.000 tỷ đồng cho 40.000 xe công đã tạo “sóng” trong dư luận. Về vấn đề này, phóng viên Dân Trí đã có cuộc trao đổi với TS Đinh Tuấn Minh, chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế công, từng tham gia Nhóm Tư vấn Chính sách, Bộ Tài chính.

Chuyên gia Đinh Tuấn Minh

Ngân sách phải “nuôi” quá nhiều chi phí

Theo như chia sẻ của 1 vị đại biểu Quốc hội đang sử dụng xe công thì mỗi một tháng, vị này được nhận khoán 10 triệu đồng tiền xe công, như vậy bình quân là 120 triệu đồng/năm. Trong khi đó, con số mà Bộ Tài chính công bố thì trung bình mỗi năm, 1 xe công tiêu tốn hết 320 triệu đồng. Chênh lệch giữa hai con số này quá lớn, ông đánh giá như thế nào về thực tế này?

Điều này cho thấy việc sử dụng không hiệu quả trong vấn đề xe công. Cụ thể là ngân sách phải “nuôi” rất nhiều khoản chi phí, trong khi nhu cầu sử dụng thì chỉ có “sáng đưa chiều đón”.

Xét về mặt kinh tế thì khi cấp xe công, ngân sách còn phải “nuôi” thêm chỗ để xe, tài xế, bảo dưỡng…trong khi đó công suất sử dụng sẽ không nhiều. Xe để đưa đón một ông thứ trưởng nào đó không thể dùng chung để chở người khác, lái xe về nguyên tắc sáng đưa đi rồi vẫn phải đợi để chiều đưa về.

Còn nếu như thực hiện khoán thì người ta có thể chi trả tiền taxi phù hợp với nhu cầu đi lại thực tế hơn.

Còn về tình trạng lạm dụng xe công để sử dụng vào các vấn đề cá nhân như đưa đón vợ con, đi lễ, đi du lịch..?

Đúng là thực tế có chuyện lạm dụng như thế, họ có thể dùng xe công vào việc riêng. Thế nhưng, kể cả khi không xảy ra lạm dụng thì việc phải nuôi 1 xe riêng để phục vụ cho một người nào đó cũng là rất tốn kém.

Muốn giảm được khoản này trong chi thường xuyên thì phải khuyến khích được người ta chuyển sang cơ chế nhận khoán xe. Trong nhiều doanh nghiệp hiện nay cũng đang áp dụng việc thuê các công ty dịch vụ vận tải đưa đón nhân viên và thực tế thì các cơ quan nhà nước cũng có thể áp dụng. Trong trường hợp cần một vài xe để chủ động đi lại thì nên sử dụng hết công suất của xe.

Nếu nhu cầu sử dụng không nhiều thì tốt nhất là chuyển sang chế độ thuê, khoán tùy chức vụ. Về an ninh, an toàn là một câu chuyện khác, nhưng cơ bản là tất cả đều chuyển sang được dịch vụ khoán, dịch vụ bảo vệ. Có thể thuê những công ty có dịch vụ chuyên chở lãnh đạo “VIP” chẳng hạn!

Theo ông, việc đưa cơ chế khoán xe công thành quy định luật pháp liệu có khả thi hay không?

Trên nguyên tắc tất cả đều có thể khoán được hết, không gì là không khoán được. Có thể đưa vào thành một dạng phụ cấp cho chức vụ nào đấy, giống như tại các cơ quan, doanh nghiệp vẫn áp dụng phụ cấp xăng xe, điện thoại, công tác phí… cho nhân viên…Do đó, trong bộ máy nhà nước, tùy vào từng chức vụ có thể cấp phụ cấp về phương tiện hoàn toàn là có khả năng!

Ảnh minh họa

Lãng phí nằm tại bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả

Là một chuyên gia nhiều năm theo dõi vấn đề ngân sách nhà nước, theo đánh giá của ông, việc tiết giảm chi thường xuyên trong những năm gần đây đã đạt được kết quả nào đáng kể hay không?

Thực sự thì tôi thấy vẫn chưa có sự thay đổi gì nhiều, vẫn đang còn mang tính chất hô hào là chính. Chúng ta cứ nói là cắt giảm được bao nhiêu phần trăm chi thường xuyên, thế nhưng biểu hiện về con số cho thấy vẫn chưa đạt được kết quả tốt. Chủ yếu trong những năm vừa qua, phần cắt giảm được trong chi ngân sách vẫn là cắt giảm về đầu tư công mà thôi.

Theo ông, lãng phí lớn nhất trong chi ngân sách của Việt Nam hiện nằm ở đâu?

Lãng phí lớn nhất thực chất là nằm ở bộ máy quá cồng kềnh, kém hiệu quả, các công việc giữa các bộ phận, cơ quan nhà nước bị chồng lấn lên nhau trong khi năng suất của bộ máy công quyền tương đối thấp.

Với bộ máy quá đông như vậy sẽ “đẻ” ra những loại chi phí phát sinh như phòng ốc, bàn ghế, phương tiện đi lại, các loại phúc lợi xã hội cho những người nằm trong bộ máy… Vì vậy, mấu chốt vẫn là giải quyết bộ máy sao cho hiệu quả.

Có phải vì cồng kềnh quá nên nếu muốn cắt giảm các khoản chi cụ thể sẽ rất khó?

Tôi nghĩ không hẳn. Các quốc gia khác họ làm được thì Việt Nam cũng làm được thôi. Thế nhưng vấn đề là khi cắt giảm thì “sếp” lại ít “quân” đi. Cơ chế hành chính của ta hiện vẫn đang theo kiểu cứ có “sếp” là phải có nhiều “quân”. Thế nên giờ phải làm sao giảm bớt các “sếp” đi thì bộ máy sẽ giảm được các “quân” ở dưới.

Rõ ràng là khoản chi thường xuyên hàng năm chiếm tỉ trọng lớn và con số 13.000 tỷ đồng chi cho xe công là một ví dụ. Trong khi đó, khoản để cân đối đầu tư thực tế theo như Bộ trưởng Bùi Quang Vinh công bố lại chỉ còn 45.000 tỷ đồng. Ông có suy nghĩ gì về những con số trên?

Đó là thực tế nên cũng chỉ biết ghi nhận như vậy thôi. Chi thường xuyên quá nhiều trong bối cảnh ngân sách eo hẹp như vậy buộc phải cắt giảm ngân sách cho đầu tư. Còn cắt giảm với mức độ như thế nào thì các cơ quan trong Chính phủ phải “cân đong đo đếm” với nhau.

Còn câu chuyện 45.000 tỷ đồng tôi cho cũng là dễ hiểu trong bối cảnh tình hình ngân sách đã được cảnh báo từ sớm, cách đây dăm năm rồi, chứ không phải đến bây giờ mới đề cập. Nay để xảy ra tình trạng đó thì cũng cần phải xem lại việc quản lý, tinh giản bộ máy và cắt giảm chi thường xuyên vừa qua có tốt hay không, hiệu quả hay không. Chứ cũng không thể ngồi mà trách móc được!

Xin cảm ơn ông!

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn