Trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng 26/10, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nhìn nhận, hoạt động kinh doanh nhạy cảm, mại dâm hiện ở đâu cũng có và xu hướng ngày càng tăng. Đề xuất gom các cơ sở kinh doanh dịch vụ "nhạy cảm" của đại diện Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM cần xác định rõ mục đích - hạn chế các tệ nạn xã hội, bảo vệ phụ nữ, bảo vệ thuần phong mỹ tục.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: N.Hưng. |
Theo ông, nếu đạt được mục đích này thì không ai là không thống nhất. Còn về phương thức, nên theo cách gom lại và quản lý như nhiều nước trên thế giới đã làm và làm thành công.
Ông Lê Văn Quý, Phó Chi cục Phòng chống tệ nạn TP.HCM cho rằng cần một quan điểm mới về công tác phòng chống mại dâm. Ông đề xuất tổ chức quy hoạch các ngành nghề kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh vấn đề mại dâm ở một khu vực riêng để tăng cường công tác quản lý của nhà nước.
“Đề án quy hoạch này phải đảm bảo quyền lợi, chế độ chính sách cho người lao động. Các tiếp viên nữ ở karaoke, cơ sở massage xông hơi xoa bóp phần lớn là người lao động làm việc không hưởng lương. Các chế độ BHXH cũng không được thực thi”, ông Quý nhận định. Theo ông, nên cho phép một số tỉnh, thành phố trọng điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm làm thí điểm. Từ đó, mới có thể có cơ chế chính sách đối với những cơ sở kinh doanh dịch vụ và giải quyết các vấn đề về quyền lợi của người lao động. |
"Hà Lan có khu vực 'đèn đỏ', nhưng có ai dám nói rằng nước này thuần phong mỹ tục băng hoại không? Công dân của họ bị đối xử tệ hại không?", vị đại biểu là Phó Chủ nhiệm đoàn luật sư TP.HCM đặt vấn đề.
Luật sư này cho rằng, Việt Nam phải học tập kinh nghiệm của các nước và áp dụng các hình thức nhất định chứ không thể duy trì tình trạng "không muốn công nhận nhưng lại lan tràn khắp nơi và không ngăn chặn được". Những người hành nghề vẫn tiếp tục bị bắt nạt, bị ức hiếp trong khi sức khỏe cộng đồng bị ảnh hưởng.
"Chúng ta chấp nhận hội nhập, đất nước văn minh lên thì phải chấp nhận cách làm này", ông nói.
Theo đại biểu Nghĩa, một khi đã thống nhất quan điểm thì nên bước đầu thí điểm. Cơ quan quản lý sẽ phải thiết kế đề án một cách khoa học, có sự chuẩn bị tâm lý, chuẩn bị dư luận phù hợp, đặc điểm tình cảm con người Việt Nam.
Chia sẻ quan điểm, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cho biết, bà ủng hộ chủ trương này. Với tư cách là một phụ nữ, bà không bao giờ mong muốn người phụ nữ phải kiếm tiền bằng nghề mại dâm vì vừa ảnh hưởng lớn đến sức khỏe vừa ảnh hưởng gia đình.
"Thế nhưng, dù muốn hay không thì tình trạng này tồn tại đã lâu, mà đã tồn tại thì phải quản lý, nếu không còn nguy hiểm hơn", bà nói.
Để tiến hành, bà cũng tán thành đề xuất của Chi cục Phòng chống tệ nạn TP.HCM, trước mắt nên cho vào một cụm thí điểm để quản lý. Đầu tiên là quản lý người bán, người mua, kiểm soát y tế. Về lâu dài, nếu trở thành ngành công nghiệp thì có thể thu thuế.
Cách làm công khai này, theo bà có thêm cái lợi là những người tìm đến các dịch vụ nhạy cảm phải ý thức rõ và cân nhắc hành động của mình. Với người trong cuộc, chính quyền cần hướng dẫn, thuyết phục họ tham gia, trên cơ sở cơ quan quản lý phải bảo vệ bí mật về danh tính.
"Khó nhất chính là tâm lý của người trong cuộc và tâm lý dư luận xã hội bởi nước ta chưa công nhận đó là một nghề. Ngay cả tâm lý của người có nhu cầu cũng không muốn công khai, chỉ muốn 'ngầm' thôi", bà nói.
Về quản lý, nữ đại biểu đề xuất giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và ngành dọc là các sở. Trước mắt, Việt Nam chưa thể luật hóa ngay được vấn đề này, nhưng tương lai phải nghiên cứu nghiêm túc.
Địa phương nào có giải pháp thì nên xem xét "Luật lệ nhiều nước không thừa nhận ngành nghề mại dâm, nhưng một khi đã tồn tại thì cần có những giải pháp. Tôi thấy trong dư luận xã hội có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Chính quyền TP.HCM phải nghiên cứu rất kỹ để tìm giải pháp với mục đích là giảm thiểu được tệ nạn xã hội. Nếu không, người ta vẫn “đứng” ở gốc cây, góc phố hành nghề mà chúng ta không thể có lực lượng mà xử lý hết được, như thế rõ ràng có tác hại hơn. Nhiều người cho rằng cái hay của việc đưa vào quản lý tình trạng này là tạo lợi thế cho một số tỉnh có đông khách du lịch nước ngoài, thậm chí là có thể quản lý được những cán bộ đi xe “biển xanh, biển đỏ”. Thế nhưng cũng có cái dở là những người này sẽ lách luật, dùng xe “biển trắng”, thay biển xe, từ cán bộ làm dân thường… Vì thế chúng tôi đang cân nhắc vấn đề này, trước mắt chưa thể nói là ủng hộ hay không. Nhưng nếu ở địa phương nào có những giải pháp mà thấy tốt hơn thì trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét" - đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị). |
Theo Zing