Tàu USS Lassen được Hải quân Mỹ đưa vào tuần tra Biển Đông (Ảnh: Navy)
|
Phản ứng giận dữ của Bắc Kinh được đưa ra sau khi tàu khu trục tên lửa USS Lassen của Hải quân Mỹ được điều vào trong khu vực 12 hải lý tính từ đá Xu bi và Vành Khăn, trên quần đảo Trường Sa. Đây là hành động đáng chú ý nhất của Mỹ nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc với vùng nước quanh các cấu trúc nhân tạo này.
Một quan chức quân sự Mỹ cho biết, cuộc tuần tra diễn ra trong vài giờ, và sẽ là bước đi đầu tiên trong một loạt hành động nhằm thực thi tự do đi lại trong khu vực.
Trong thông cáo được phát đi, Bộ ngoại giao Trung Quốc khẳng định các “cơ quan chức năng liên quan” đã theo dõi, bám sát và cảnh báo USS Lassen đã xâm nhập “phi pháp” vùng biển gần các đảo và bãi đá, khi chưa được Bắc Kinh cho phép.
“Trung Quốc sẽ phản ứng kiên quyết trước hành động cố ý khiêu khích của bất kỳ quốc gia nào. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sát các vùng biển và không phận liên quan, và có những bước đi cần thiết phù hợp”, thông cáo viết mà không nêu chi tiết vị trí tàu của Mỹ đi qua.
“Trung Quốc hối thúc mạnh mẽ phía Mỹ xử lý đầy đủ những tuyên bố nghiêm túc của Trung Quốc, ngay lập tức sửa chữa sai lầm của mình và không có bất kỳ hành động nguy hiểm hoặc khiêu khích nào khác đe dọa chủ quyền và các lợi ích an ninh của Trung Quốc”, thông cáo nói.
Thông điệp mạnh mẽ
Quyết định của Mỹ điều tàu thách thức tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông được tin là đã phát đi thông điệp mạnh mẽ.
“Với việc đưa một tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường, thay vì các tàu nhỏ hơn…họ đang phát đi một thông điệp mạnh mẽ”, chuyên gia Ian Storey tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore nhận định. “Đáng nói hơn, họ cũng đã khẳng định sẽ có thêm các cuộc tuần tra khác. Do đó giờ tất cả tùy thuộc vào cách thức Trung Quốc sẽ đáp trả”.
Một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc có khả năng sẽ tìm cách ngăn cản Mỹ thực hiện tuần tra, bằng cách ngăn chặn hoặc bao vây các tàu của Mỹ.
Euan Graham, giám đốc Chương trình an ninh quốc tế, Viện Lowy tại Sydney cho rằng, ít có khả năng Trung Quốc sẽ phản ứng về mặt quân sự, dù có thể có những lời lẽ “đao to búa lớn”.
Cuộc tuần tra này cũng có thể khiến Trung Quốc hành động mạnh hơn để khẳng định chủ quyền trong khu vực, bằng cách tiếp tục bồi đắp các đảo nhân tạo và quân sự hóa mạnh hơn, chuyên gia này cảnh báo.
Sự việc trên diễn ra chỉ vài tuần trước một loạt cuộc họp thượng đỉnh các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, mà Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến cũng sẽ tham dự.
Trong cuộc gặp tại Washington hồi tháng trước, ông Tập từng khiến chính quyền Mỹ ngạc nhiên khi tuyên bố Trung Quốc “không có ý định quân sự hóa” các đảo này.
Từ trước cuộc gặp, các bức ảnh chụp từ vệ tinh đã cho thấy Trung Quốc xây dựng các đường băng có kích thước đủ cho các máy bay quân sự cất/hạ cánh trên đá Xu Bi và Vành Khăn.
Một số quan chức Mỹ cho biết, kế hoạch tuần tra một phần nhằm kiểm nghiệm tuyên bố của ông Tập về không quân sự hóa.
Theo Dân Trí