Ngày 28-10, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM phối hợp Khoa Đô thị học Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM) tổ chức hội thảo “Giao thông vận tải TP.HCM: 40 năm nhìn lại và hướng đến tương lai”. Dù đánh giá cao những thành tựu đã đạt được nhưng nhiều ý kiến cho rằng giao thông TP.HCM hiện nay còn nhiều bất cập, chưa tương xứng tiềm năng kinh tế, thậm chí đang “rất tồi tệ!”
Quá tải và phá sản
Theo PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, Trưởng Khoa Đô thị học Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, hai vấn đề nan giải và khó gỡ nhất của giao thông TP hiện nay là ngập lụt và ùn tắc. Dù TP đã thực hiện nhiều giải pháp khác nhau để giải quyết nhưng mức độ thành công không cao, thậm chí phá sản.
Thống kê sơ bộ, trung bình mỗi năm TP tăng thêm khoảng 200.000-300.000 người nhập cư. Trong khi đó, dân số chỉ tập trung ở 10 quận nội thành với diện tích khoảng 170km2 và đặc biệt cao ở khu vực lõi với 930ha. Chính vì vậy, các đầu mối giao thông tập trung vào khu vực này rất cao trong khi cơ sở hạ tầng giao thông lại không thể đáp ứng.
Ông Hòa nhận định giao thông ở TP.HCM hiện đang trong tình trạng rất tồi tệ nhưng TP vẫn chỉ loay hoay tìm các lối thoát liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật.
Trong khi đó, theo PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TP.HCM, một TP hơn 8 triệu dân mà có đến 7 triệu xe gắn máy thì là thách thức rất lớn cho phát triển giao thông đồng bộ hiện đại. Thêm nữa là cấu trúc phố thị theo kiểu nhà ống, phần trước để buôn bán ôm sát mặt đường, lấn chiếm vỉa hè… TP.HCM đang tồn tại 2 “tai họa” đối với giao thông là nhà phố và xe cá nhân phát triển quá nhanh trong khi hạ tầng lại phát triển không tương thích.
“Hành vi và thói quen của đa số người dân TP cũng làm cho việc hiện đại hóa giao thông gặp nhiều khó khăn” - ông Hòa nói và khẳng định hệ thống quản lý đô thị đang vận hành đã không còn phù hợp, kìm hãm sự phát triển. Cụ thể, mô hình quản lý hiện nay được cải tiến từ cơ chế bao cấp nhưng vẫn tập trung quá cao ở trung ương; phân quyền và tự chủ thấp. Chính điều này làm giảm khả năng sáng tạo, năng động của địa phương.
Ông Nguyễn Văn Kích, nguyên vụ trưởng ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bình luận chất lượng quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông ở TP.HCM chưa cao, chưa bảo đảm, thiếu đồng bộ và tính khả thi rất thấp. Đồng thời, việc tổ chức điều hành, quản lý hạ tầng kỹ thuật giao thông đô thị cũng còn nhiều bất cập kéo dài.
Loay hoay tìm giải pháp
PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TP.HCM, cho rằng tình trạng kẹt xe chủ yếu diễn ra ở khu vực trung tâm TP. Theo đó, ngoài những giải pháp tạm thời như phân làn, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, đa dạng các loại hình giao thông công cộng… thì TP cần thực hiện nhiều giải pháp “dài hơi”.
Cụ thể, cần giảm bớt phát triển các cơ sở dịch vụ, các cao ốc, chung cư cao tầng làm gia tăng dân số ở khu vực trung tâm. Đồng thời, đầu tư trọng điểm, tạo ra những khu trung tâm mới đủ đối trọng với trung tâm hiện hữu nhằm chia nhỏ lượng người đổ dồn về một điểm.
Đồng quan điểm nhưng PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, Trưởng Khoa Đô thị học Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, lại lo ngại giải pháp này sẽ gặp khó khăn bởi các nhà đầu tư nước ngoài không muốn ra các quận ngoại thành do hạ tầng kỹ thuật ở trung tâm đã có sẵn.
Một giải pháp mà nhiều chuyên gia đưa ra là muốn giảm xe gắn máy thì TP phải nhanh chóng có các phương tiện thay thế đa dạng, đa cấp. Trong đó, việc lựa chọn loại hình giao thông công cộng phù hợp là một yêu cầu cần thiết. Tuy nhiên, mạng lưới xe buýt của TP hiện không đáp ứng điều này, thậm chí còn gây ùn tắc giao thông. Chưa kể, việc phát triển hệ thống metro dù đã được triển khai rất lâu nhưng thực hiện “ì ạch” và liên tục đội vốn.
Cụ thể hơn, theo đề tài của bà Nguyễn Phương Nguyệt Minh và các cộng sự ở Khoa Đô thị học Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, TP cần thực hiện những giải pháp như nâng cấp, lắp đặt thêm đèn tín hiệu giao thông thông minh để cải thiện tình trạng ùn tắc các tuyến đường cửa ngõ phía Tây Bắc, đồng thời quy hoạch hợp lý chỗ đậu xe máy trên vỉa hè, tạo thêm dòng quay đầu xe ở những nút giao thông trọng điểm…
Nhanh chóng khắc phục ùn tắc Theo UBND TP.HCM, quá trình phát triển 40 năm qua, ngành GTVT TP đã có nhiều đóng góp quan trọng, bảo đảm việc duy trì và khai thác tốt mạng lưới giao thông, vận tải hành khách - hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của TP. Nhiều cơ chế chính sách mới được ngành GTVT TP triển khai đi đầu trong cả nước, tạo cơ chế thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư ngoài ngân sách… Thời gian tới, ngành GTVT TP tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ về quy hoạch phát triển giao thông đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020; từng bước khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, xây dựng ngành GTVT phát triển toàn diện… |