Thảo luận công tác phòng, chống tham nhũng, chiều 28/10, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) đánh giá tham nhũng không chỉ xảy ra ở người có chức quyền qua việc tham ô, nhận hối lộ, lợi dụng quyền lực mưu lợi riêng hay lợi ích nhóm như báo cáo của Chính phủ mà trên thực tế có một số hình thức khác.
Theo ông, tham nhũng lớn xảy ra khi thực hiện những hợp đồng, dự án, phân phối ngân sách, bổ nhiệm chức danh, đấu thầu... Với người làm ở vị trí thấp lại đang có tình trạng "tham nhũng vặt" qua biểu hiện sách nhiễu, tạo ra phí không thành văn là “làm luật, bôi trơn”.
"Người không tham nhũng có khi bị người tham nhũng cô lập. Từ người trông xe, gác đền, đến nhân viên văn phòng đều có thể lợi dụng vị trí làm việc để 'kiếm chác' thêm", đại biểu Phương thẳng thắn nói.
Ông Phương chỉ tên một loại tham nhũng tinh vi khác, gây tổn hại nghiêm trọng cho nhà nước - tham nhũng chính sách. Hành vi này được thể hiện qua mua chuộc để sửa đổi văn bản pháp luật, quy hoạch, đem lại lợi ích cho một nhóm người hay lợi ích cá nhân.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương. |
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa đánh giá việc phát hiện và xử lý tham nhũng chưa tương xứng với tình hình, chưa đáp ứng mong mỏi của xã hội. "Năm 2015, thiệt hại do tham nhũng gây ra là trên 950 tỷ đồng và gần 10.000m2 đất. Thu hồi tài sản tham nhũng chỉ đạt hơn 55% về tiền và gần 30% về đất", ông nêu số liệu và quan ngại có hay không tình trạng "hy sinh đời bố để củng cố đời con".
Ông Nghĩa đề nghị Quốc hội ra Nghị quyết không cho tội phạm tham nhũng hưởng án treo khi tài sản thu hồi không đạt 100%. Có như vậy mới mang tính răn đe buộc tội phạm tham nhũng nộp tài sản đã chiếm đoạt cho nhà nước. Còn đại biểu Trần Đình Nhã thì ví von, phòng chống tham nhũng hiện nay đang ở giai đoạn cầm cự và phòng ngự. "Bao giờ thì phản công?", ông Nhã đặt câu hỏi.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền phân tích, ở nước ngoài giao dịch đều thông qua tài khoản ngân hàng nên việc quản lý và phát hiện tội phạm rất dễ. Nhưng ở Việt Nam, do sử dụng tiền mặt còn phổ biến, vì thế việc xử lý còn khó khăn.
"Theo tôi cần thành lập cơ quan điều tra, chống tham nhũng độc lập với cơ quan công an hiện nay và chỉ lập ở cấp trung ương, trao cho các cơ quan này toàn quyền trong việc điều tra các cán bộ cấp cao khi có những dấu hiệu vi phạm. Những cán bộ khác vẫn thuộc thẩm quyền của cơ quan công an", ông Thuyền đề xuất.
Theo VNE