Đề nghị trả kỳ thi THPT về địa phương

Thứ năm, 29/10/2015, 10:46
Tốt nghiệp THPT là điều kiện cần để vào ĐH rồi. Còn việc tuyển sinh thế nào nên để cho các trường tự quyết định.

Tổ chức thi tốt nghiệp THPT tại trường nên giao cho các địa phương chủ trì; các trường ĐH được tự chủ tuyển sinh; giảm số môn thi THPT; bỏ điểm sàn... Hàng loạt kiến nghị thay đổi kỳ thi THPT và tuyển sinh ĐH được các đại biểu đưa ra tại hội thảo Thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2016 do Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ Việt Nam tổ chức ngày 28-10 tại Hà Nội.

Sở GD&ĐT tự quyết định thi tốt nghiệp

PGS Văn Như Cương:“Tỉ lệ tốt nghiệp lên đến 96%, vì vậy không nhất thiết phải tổ chức một kỳ thi nặng nề”.

PGS-TS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho rằng giáo dục là một quá trình có nhiều khâu, thi cử chỉ là một khâu trong quá trình đó. tuy nhiên, trong nhiều năm qua thi cử bao giờ cũng “nóng”. Nguyên nhân là Bộ GD&ĐT ôm lấy toàn bộ công việc thi cử nên không làm xuể.

PGS Cương đề xuất kỳ thi tốt nghiệp THPT nên giao cho các Sở GD&ĐT làm trên tinh thần nhẹ nhàng, kết hợp thi với xét học bạ để công nhận tốt nghiệp. Kể cả việc lựa chọn ngày thi cũng để các sở tự quyết.

“Hiện nay tỉ lệ tốt nghiệp lên đến 96%, vì vậy không nhất thiết phải tổ chức một kỳ thi nặng nề, vất vả để loại ra một ít thí sinh” - ông Cương nhấn mạnh.

GS Trần Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh công nghệ Hà Nội, đồng tình giao kỳ thi cho các sở chủ trì và nên tổ chức cụm thi liên huyện. Tuy nhiên, ông Phương đề nghị vẫn nên tổ chức kỳ thi “hai trong một” như năm nay, Bộ GD&ĐT giúp các địa phương ra đề thi vì đây là khâu khó nhất.

TS Sái Công Hồng, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và kiểm định chất lượng - ĐH Quốc gia Hà Nội, đề nghị có thể cho phép các Sở GD&ĐT tổ chức thi tốt nghiệp THPT nhiều lần trong năm để giảm áp lực thi cử. Ông Hồng cũng cho rằng Bộ phải xây dựng ngân hàng đề thi, chuẩn hóa và cung cấp cho các sở, đảm bảo tính công bằng và minh bạch.

Giảm môn thi, giảm ngày thi

GS Trần Hồng Quân: “Bộ GD&ĐT nên giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường”.

Theo ý tưởng của Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến mới đây, kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 vẫn tổ chức tám môn thi nhưng số ngày thi giảm xuống còn ba ngày (hiện là bốn ngày). Theo các đại biểu, số môn thi như vậy là nhiều, lại tạo cho học sinh học lệch.

GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD&ĐT, đề nghị tất cả các môn đều thi theo phương pháp trắc nghiệm để đảm bảo tính công bằng. riêng môn văn và toán thì cho thí sinh làm thêm bài thi tự luận ngắn trong 30 phút. Đồng thời phải giảm số môn thi bằng việc gộp các môn tự nhiên thành môn khoa học tự nhiên và các môn xã hội tổng hợp thành môn khoa học xã hội. Với cách làm này cũng có thể giảm số ngày thi xuống.

Tán thành đề nghị này, GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ Việt Nam, cho rằng: “Các bài thi nên tổng hợp với nhau. Nên có chừng bốn bài thi quán xuyến hết các môn học” - ông Quân đề nghị.

PGS Văn Như Cương đề xuất: “Tốt nhất là thực hiện theo một bài thi đánh giá năng lực trên máy tính. Một bài thi tổng hợp tất cả các môn, học sinh không thể học lệch, không có tiêu cực vì thực hiện trên máy, thi xong biết kết quả luôn”.

Nên để ĐH được tự chủ tuyển sinh

TS Võ Thế Quân, Hiệu trưởng Trường THPT Đông Đô, đề nghị việc tuyển sinh nên để các trường được tự chủ.

Đồng tình, GS Trần Hồng Quân cho rằng Bộ GD&ĐT chỉ nên ban hành quy chế tuyển sinh đồng thời tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện, còn giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường. Các trường có nhiều cách tuyển sinh khác nhau, có thể thi tuyển, xét tuyển hay xét học bạ.

“Tốt nghiệp THPT là điều kiện cần để vào ĐH rồi. Còn việc tuyển sinh thế nào nên để cho các trường tự quyết định. Quan trọng là các trường siết chặt đầu ra. Cách làm của ĐH quốc gia Hà Nội là rất hay và được đánh giá cao. Hiện đã có bốn trường khác đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh vào trường mình” - ông Quân nói.

Kiến nghị bỏ điểm sàn ĐH

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng đề nghị Bộ GD&ĐT bỏ điểm sàn ĐH. GS Trần Phương cho rằng không nhất thiết trên điểm sàn mới học được ĐH. Xu hướng chung của giáo dục ĐH hiện nay là tốt nghiệp THPT thì đủ điều kiện để học ĐH.

Họ đã nói

Bộ GD&ĐT xin tiếp thu và sẽ đưa ra bàn trong những hội nghị chuyên môn của bộ để chỉnh sửa, bổ sung trong kỳ thi THPT năm 2016. Về tự chủ tuyển sinh, tôi từng là hiệu trưởng trường ĐH nên hiểu khi được giao tự chủ thì rất mừng nhưng cũng lo vì muốn tự chủ được phải có khả năng và năng lực. Nhất là khâu ra đề thi, đội ngũ ra đề và bảo mật đề thi thì không hề đơn giản.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, PHẠM MẠNH HÙNG

Theo PL TP.HCM

Các tin cũ hơn