Tuyển sinh lớp 6: Chỉ 3 trường được ra đề, còn lại xét tuyển

Thứ bảy, 18/04/2015, 13:41
Ngày 17/4, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, chỉ có 3 trường được phép thực hiện khảo sát năng lực học sinh để tuyển sinh vào lớp 6 là trường Marie Curie, trường Nguyễn Tất Thành, trường Lương Thế Vinh. Các trường còn lại nếu có số lượng hồ sơ vượt chỉ tiêu đều phải xét tuyển.
Học sinh khối lớp 6 trường THCS Lương Thế Vinh khai giảng năm học mới năm 2014. Ảnh: Ngọc Châu

Sở cũng dự kiến chỉ trường THCS Hà Nội – Amsterdam được tuyển sinh toàn thành phố, các trường còn lại như THCS Cầu Giấy, THCS Nam Từ Liêm tuyển sinh trong quận.

Quay về… game show năm 1992

Sau khi được duyệt phương án xét tuyển, trường THCS Marie Curie cho biết, trường này sẽ lại quay về hình thức thi game show đã từng thực hiện hồi năm 1992 để tuyển chọn 180 chỉ tiêu vào lớp 6 của trường.

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đề thi sẽ bao gồm hai phần. Trong đó, mỗi thí sinh tham gia khảo sát năng lực dưới dạng trò chơi trí tuệ sẽ có 45 phút để trả lời 60 câu hỏi liên quan đến tư duy (IQ) và 15 phút trả lời 30 câu hỏi liên quan đến cảm xúc (EQ).

Các câu hỏi theo thầy Khang sẽ đi từ dễ đến khó giống như phần tăng tốc của đường lên đỉnh Olympia. Với các câu hỏi liên quan đến tư duy, thí sinh sẽ phải đi tìm miếng ghép còn thiếu phù hợp với hình đã cho. Còn các câu hỏi liên quan đến cảm xúc, thí sinh nhìn hình chọn đáp án đúng và trả lời các tình huống xảy ra trong cuộc sống hằng ngày.

Khi được hỏi, với hai hình thức khảo sát này, trường có chọn nhầm hoặc “bỏ lọt” học sinh không, thầy Khang cho rằng, đề khảo sát này đáp ứng được các mục đích như thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, chọn được số lượng học sinh phù hợp với chỉ tiêu và trả lời được với phụ huynh tại sao chọn học sinh này, không chọn học sinh khác. Nhưng với kiểu đề này, mức độ phân biệt giữa người được chọn và người không được chọn “mờ” hơn.

“Đề truyền thống chúng tôi thi những năm trước chọn được học sinh sắc nét hơn. Em đỗ đạt 14 điểm khác với em không đỗ chỉ đạt 13,5 điểm” - thầy Khang nhấn mạnh. Chính vì vậy, thầy Khang cho rằng đây là giải pháp tạm thời, trường chưa tính đến giải pháp lâu dài. Nếu được, sang năm trường được quay về cách lựa chọn như những năm trước là tốt nhất.

Bên cạnh đó, thầy Khang cũng đảm bảo trường sẽ ra đề theo đúng mẫu đề đã được công bố. Trường dự kiến sẽ tuyển sinh trong tháng 6.

“Đầu tư đứt đoạn và lỗ vốn”

Đến thời điểm hiện tại, lãnh đạo các trường hệ công lập chưa có ý kiến về hình thức tuyển sinh mới được duyệt. Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, việc tuyển sinh vào hệ THCS của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, nếu chỉ thông qua xét tuyển sẽ không lựa chọn được học sinh tài năng tạo nguồn cho ngôi trường chuyên vốn nổi tiếng với bề dày thành tích này.

PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng Trường Lương Thế Vinh phân tích, theo quy định thì có vẻ như năm nay ngành giáo dục đã làm đúng việc một số năm trước đã làm sai. “Tuy nhiên, việc cho phép tồn tại mô hình trường chuyên THPT mà không cho phép trường chuyên từ THCS là mất gốc”, PGS Cương nói.

Theo quan điểm của PGS Cương, muốn đào tạo nhân tố nổi trội phải phát hiện năng lực các em từ khi còn bé và có chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp năng lực đó. “Em có năng lực môn Toán thì tuyển vào lớp chuyên Toán, em có năng lực âm nhạc thì tuyển vào lớp năng khiếu…”, ông nói.

PGS Cương phân tích: “Nhìn sâu xa cách đào tạo như hiện nay là không hiệu quả vì ngành giáo dục không có chiến lược. Bởi hiện nay, một số trường chuyên chỉ chuyên ở khối THPT mà bỏ lửng THCS và sau khi vào ĐH”. Vì thế, có chuyện, học sinh giỏi Toán lại thi vào Y, học sinh giỏi môn Sinh lại thi vào trường ĐH Ngoại thương. “Như vậy là đầu tư đứt đoạn và lỗ vốn, không tận dụng được tài năng của người trẻ”, PGS Văn Như Cương nói.

Cũng theo PGS Cương, trường chuyên Hà Nội - Amsterdam chắc chắn phải nghĩ ra một phương thức nào đó phù hợp, không thể chỉ xét học bạ. Bởi như thế sẽ không đảm bảo công bằng, không lựa chọn được học sinh giỏi. Ông hiến kế, nếu có thể, những trường nổi trội khối công lập nên được tạo cơ chế chọn những học sinh xuất sắc nhất từ các trường trong toàn thành phố. Có như vậy, ít nhất ngôi trường đó còn lựa chọn được những người có tài thực sự.

PGS Cương nói thêm, làm giáo dục lâu năm, ông ủng hộ hình thức giảm tải áp lực học hành. Các trường chất lượng phải làm sao tuyển chọn được học sinh giỏi nhưng cũng nên có phương thức đào tạo để học sinh khi ra xã hội không trở thành “gà công nghiệp”. Nghĩa là, các em phải được đào tạo các kỹ năng hòa nhập cộng đồng chứ không chỉ cắm cúi vào học và học.

“Nhìn sâu xa cách đào tạo như hiện nay là không hiệu quả vì ngành giáo dục không có chiến lược.

Bởi hiện nay, một số trường chuyên chỉ chuyên ở khối THPT mà bỏ lửng THCS và sau khi vào ĐH”.    

PGS Văn Như Cương

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn