Nhiều học sinh lớp 6 bị cuốn chìm ở Sêrêpok

Thứ ba, 14/05/2013, 15:14
Rủ nhau tắm ở hồ chứa nước thủy điện sau khi tan trường, 5 học sinh bị nước cuốn chìm nhưng chỉ duy nhất một em may mắn thoát nạn.

Gần 11h trưa nay, sau giờ học, khoảng 30 học sinh của lớp 6A trường Hồ Tùng Mậu, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk rủ nhau vào hồ chứa nước Thủy điện Sêrêpok 4 chơi. Nhiều em nhảy xuống hồ tắm và bị cuốn vào hố sâu. Những học sinh khác thấy vậy lao vào cứu bạn khiến ít nhất 5 em bị nước nhấn chìm.

Người dân địa phương đã vớt được 4 xác học sinh, trong đó có 3 nữ, một nam. Một nữ sinh khác được đưa đi cấp cứu.

nuoc cuon

Sêrêpôk là dòng sông lớn nhất của Đăk Lăk.

Cha của nạn nhân Lê Thị Ngọc Huyền cho hay, khi nghe tin nhiều học sinh lớp 6 gặp nạn, ông gọi điện cho con gái rất nhiều nhưng không được. Khi ông tới hiện trường, cơ quan chức năng đã vớt được 3 cháu, trong đó 2 em đã tử vong.

"Mọi người trên bờ rất hỗn loạn. Tôi cố gọi con nhưng vẫn bặt tăm nên nhờ người tiếp tục xuống nước mò. Một lúc sau thì tìm thấy cháu Huyền và một bé khác. Cả hai chúng nó đã chết...", giọng cha Huyền nghẹn lại.

Theo ông Huỳnh Quang, Phó chủ tịch huyện Buôn Đôn, bước đầu xác định có 5 em gặp nạn và đã được đưa hết lên bờ. Thi thể 4 nạn nhân đã được trao lại cho gia đình lo hậu sự.

Bệnh viện Đa khoa Buôn Đôn cho hay, học sinh nữ được cấp cứu tại viện vừa qua cơn nguy kịch và đã uống được sữa.

Hiện lực lượng công an và bộ đội huyện vẫn tiến hành rà soát hiện trường đồng thời yêu cầu các phụ huynh xác định thông tin về con em mình.

Việt Nam là nước có tỷ lệ trẻ em chết vì đuối nước cao nhất trong khu vực và gấp mười lần các nước phát triển. Theo số liệu của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em năm 2012, mỗi ngày trung bình trên toàn quốc có 10 trẻ em tử vong do đuối nước. Trong đó, Đăk Lăk là một trong những tỉnh, thành phố có tỷ lệ tử vong đuối nước ở trẻ em và vị thành niên cao nhất toàn quốc.

Vụ tai nạn hôm nay xảy ra trên dòng sông lớn nhất của tỉnh. Sêrêpok còn là nguồn nước mặt quan trọng của Đăk Lăk. Tuy nhiên, dòng sông đang ngày càng trở nên hung dữ và hay thay đổi do tình trạng rừng bị tàn phá, làm nương rẫy trên thượng nguồn cũng như hai bên bờ sông. Dọc theo dòng sông, hiện đã có rất nhiều các công trình thủy điện.

Theo VNE

 

Các tin cũ hơn