Hành trình 10 năm chấp nhận con trai đồng tính của một người mẹ

Thứ ba, 14/05/2013, 07:57
Những vấn đề của cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT), những quyền con người rất cơ bản của họ và khoảng trống trong chính sách pháp luật Việt Nam là chủ đề trao đổi tại hội thảo “Người đồng tính, song tính, chuyển giới những quy định pháp luật và quan điểm của cộng đồng” diễn ra ngày 10/5 vừa qua tại Hà Nội.

Nỗi đau con người

Có mặt tại hội thảo, nhiều đại diện từ cộng đồng LGBT đã chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của chính họ.

Anh Trần Khắc Tùng (Giám đốc trung tâm ICS, tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người LGBT tại Việt Nam) cho biết ở bất cứ xã hội, môi trường nào, tỷ lệ người đồng tính luôn chiếm khoảng 3-5% dân số, người chuyển giới khoảng 1-2% dân số.

dong tinh

Anh Trần Khắc Tùng – đại diện cộng đồng LGBT: “Hầu hết những người đồng tính đều trả lời mong không còn bị kỳ thị, được sinh sống, kết hôn, xây dựng gia đình với người mình muốn”

“Hầu hết những người đồng tính đều trả lời mong không còn bị kỳ thị, được sinh sống, kết hôn, xây dựng gia đình với người mình muốn. Ước muốn đó có gì cao sang, xa vời hay đều là những nhu cầu rất cơ bản, rất con người?” – anh Tùng nói.

Cô Nguyễn Thị Thanh Thủy (Quận 9 – Tp. Hồ Chí Minh), một người mẹ hơn 10 năm trời “chiến đấu”, đối mặt với sự thật con trai mình là người đồng tính đã gửi đến buổi hội thảo những chia sẻ đẫm nước mắt.

Cô kể, cả gia đình đã sốc nặng khi con thú nhận điều này. Không chấp nhận được sự thật ấy như một lẽ tự nhiên, gia đình đã đối xử với con có phần nghiệt ngã: Đưa con đi bệnh viện xét nghiệm chữa trị, tưởng bị “vong” nhập nên mê muội đi nhờ người “đuổi vong”… Những hành động và thái độ đó đã đẩy đứa con mà cô hết mực thương yêu vào khủng hoảng tinh thần, phải vào viện điều trị, thậm chí con cô còn tìm đến cái chết.

Là một người mẹ, cô cũng thấm thía sâu sắc nối đau khó giãi bày của người phụ nữ khi có con là người đồng tính, phải đối mặt với vô số sự kì thị từ cộng đồng.

“Phụ nữ chúng tôi được ban cho quyền làm mẹ, nhưng đâu được quyền sinh con theo ý muốn và những đứa con ra đời cũng đâu có quyền chọn giới tính cho mình. Một khi người phụ nữ sinh toàn con gái thì bản thân người mẹ và người con gái đều không được phía nhà chồng yêu quý.

Vậy trong trường hợp người phụ nữ sinh con trai mà mãi gần 20 năm sau mới biết con mình đồng tính, có những người chồng đã tìm con khác ngoài giá thú hay là li dị. Hạnh phúc của phụ nữ mong manh quá…” – người mẹ tâm sự.

Khẩn cầu Pháp luật bảo vệ!

Trong lá thư đẫm nước mắt chia sẻ trăn trở của người mẹ có con là người đồng tính, cô Nguyễn Thị Thanh Thủy đưa ra lời kêu gọi tha thiết sự quan tâm của xã hội, nhà nước và pháp luật: "Tôi cầu khẩn nhà nước mình bảo hộ quyền lợi của người mẹ. Dù sinh con trai, con gái, đồng tính nam hay đồng tính nữ, song tính, chuyển giới, khuyết tật…

Điều mong mỏi lớn nhất là trong Hiến pháp cần có sự bảo vệ quyền con người cho những con người đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính, chuyển giới, những người khuyết tật, HIV. Có như vậy, người phụ nữ chúng tôi mới yên tâm mang thai không phải lo lắng cho đứa con chào đời thuộc về giới tính nào. Phụ nữ chúng tôi mới có đủ tâm trí, nghị lực nuôi dạy con cái tốt hơn và cống hiến toàn tâm toàn ý cho xã hội" – cô Thủy khẩn cầu.

dong tinh

Các đại biểu Quốc hội chia sẻ ý kiến trong hội thảo, những ý kiến này sẽ được trình lên Quốc hội xem xét.

Trên tinh thần nhân văn lắng nghe, chia sẻ với cộng đồng LGBT, hội thảo đã trở thành một diễn đàn để các đại biểu Quốc hội thảo luận các vấn đề lập pháp nhằm bảo vệ tốt hơn quyền con người của cộng đồng LGBT, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận không nhỏ công dân trong xã hội Việt Nam.

Ông Đinh Xuân Thảo – Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp phát biểu: “Điều 52, Hiến pháp năm 1992 quy định: ‘Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật’. Điều này đồng nghĩa với pháp luật không thừa nhận cũng như không cho phép có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào vì lý do giới tính hay xu hướng tính dục của cá nhân.

Tuy nhiên trên thực tế, những vấn đề của cộng đồng nhóm người đồng tính, song tính và chuyển giới vẫn đang là một khoảng trống trong chính sách, pháp luật Việt Nam. Một vài chính sách có liên quan lại tỏ ra còn bất cập trước các vấn đề thực tiễn. Chính vì vậy, mà Cộng đồng LGBT đang đứng trước rất nhiều khó khăn và thách thức”.

Ông Lê Quang Bình, Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) cho rằng, thời điểm hiện tại rất thích hợp để bàn về các vấn đề này vì Việt Nam đang sửa đổi Hiến Pháp, Luật hôn nhân & gia đình, và Luật dân sự.

“Hơn nữa, quyền bình đẳng cho người đồng tính, song tính và chuyển giới gần đây cũng là một ưu tiên của Liên hợp quốc, cũng như của nhiều nước trên thế giới. Việc Bộ tư pháp đang xem xét việc thừa nhận hay không thừa nhận quyền kết hôn và mưu cầu hạnh phúc của người đồng tính, và quyền được sống với giới tính mong muốn của mình của người chuyển giới là một bước tiến rất đáng trân trọng.

Việc thảo luận chính thức này, chứng tỏ Việt Nam thực sự quan tâm đến quyền của những nhóm yếu thế, và cụ thể là của người thiểu số tính dục trong trường hợp này” – ông Lê Quang Bình nhấn mạnh.

Theo Vietnamnet

Các tin cũ hơn