Hiểu biết thiên văn đáng kinh ngạc của bộ tộc sống trên... vách núi

Thứ ba, 14/05/2013, 13:52
Suốt nhiều thế kỷ bị cô lập và tách khỏi thế giới bên ngoài, khu vực sinh sống của bộ tộc Dogon rất khô hạn và khí hậu khắc nghiệt.

Ngày nay, nhiều du khách thích mạo hiểm và các nhà nhân chủng học biết đến bộ tộc Dogon bởi những ngôi nhà nằm cheo leo trên vách núi và những lễ hội đầy màu sắc kỳ bí cùng với những chiếc mặt nạ kỳ quái.

tho dan

Ngôi nhà đặc biệt của pháp sư Hogon và cũng là nơi tụ họp với các bô lão trong làng.

Sống trên những vách đá sa thạch

Bộ tộc Dogon thuộc đất nước Mali, miền Tây Phi có số dân ít ỏi gần 300 nghìn người. Lịch sử cổ đại và nguồn  gốc bộ tộc Dogon cho đến nay vẫn chưa tài liệu nào chỉ rõ. Nhiều dự đoán cho rằng họ có thể đến từ nhiều dân tộc khác nhau tập hợp lại do chạy trốn một cuộc đàn áp nào đó.

Tuy nhiên, người Dogon vẫn truyền miệng cho nhau nghe về nguồn gốc của mình, họ đến từ khu vực bờ Tây con sông Niger thuộc đất nước Burkina Faso nằm ở Tây Phi vào khoảng thế kỷ X đến thế kỷ XIII sau Công nguyên. Sau này để chạy trốn cuộc đàn áp Hồi giáo, người Dogon chạy về cư trú tại những vách đá miền Đông Nam đất nước Mali hiện tại.

Ở đây, họ bắt đầu dựng những ngôi nhà đặc biệt cheo leo trên những vách núi sa thạch cao chót vót. Dãy núi sa thạch này không quá cao, khoảng 500m và trải dài gần 150km với những vách đá dựng đứng và có nhiều hang đá nhỏ. Những ngôi nhà đặc biệt này đã giúp người Dogon tránh kẻ thù và biệt lập với thế giới bên ngoài sau nhiều thế kỷ. Mãi cuối thế kỷ XIX, họ mới tiếp xúc với người châu Âu.

Nhiều người nghĩ rằng, người Dogon sống trên những vách đá sa thạch khô hạn và khắc nghiệt sẽ khó tồn tại. Nhưng thực tế, nền kinh tế của bộ tộc này lại hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên, các hoạt động nông nghiệp. Cũng giống như các dân tộc khác tại châu Phi, đàn ông và phụ nữ cùng làm việc bình đẳng như nhau. Những người lười biếng không được coi trọng trong nền văn hóa được coi là phức tạp và khó hiểu này.

Người lười biếng sẽ rất khó khăn trong việc lập gia đình. Cộng đồng người Dogon cũng có các buổi chợ phiên chủ yếu bán các loại cây giống. Một tuần truyền thống của người Dogon chỉ có 5 ngày và cứ đến ngày thứ năm hàng tuần sẽ diễn ra các buổi chợ phiên tại các làng khác nhau của bộ tộc.

Một buổi chợ phiên thành công được đánh giá qua lượng tiêu thụ bia, một loại bia được người dân địa phương ủ bằng hạt kê. Kết thúc phiên chợ, những người đàn ông sẽ cùng tụ tập ở nơi râm mát trong làng và cùng uống bia cho đến khi say mềm mới trở về nhà.

Người nông dân Dogon rất giỏi trong việc trồng trọt và chăn nuôi. Những cây trồng chủ yếu của bộ tộc là kê, lúa, đậu, lúa miến, cây me chua, thuốc lá và hành. Họ cũng chăn cừu, dê, bò và một số loại gia cầm khác.

Khu vực sinh sống của bộ tộc Dogon được chia làm ba vùng địa lý khác nhau là đồng bằng, cao nguyên và trên các vách đá. Cả bộ tộc có khoảng 700 ngôi làng, mỗi làng có khoảng 500 cư dân. Tuy sống ở ba vùng địa lý khác nhau nhưng các ngôi làng ở đây có mối liên kết chặt chẽ với nhau.

Mỗi ngôi làng đều có một nơi giống như nhà văn hóa sẽ có vị pháp sư gọi là Hogon và các bô lão trong làng thường họp bàn về những vấn đề, quyết sách quan trọng của làng.

Tại đây, pháp sư Hogon là người có quyền tối cao trong văn hóa người Dogon. Người có quyền cao nhất ở mỗi ngôi làng có vai trò như một người cầm cân nảy mực mang lại sự công bằng giữa các thành viên trong bộ tộc. Họ được cho là người có khả năng cầu mưa, gọi gió khi mùa màng khô hạn.

Câu hỏi lớn về vị trí xây nhà

Nhà của người Dogon được thiết kế bằng những vật liệu vô cùng đặc biệt mới có thể nằm cheo leo trên những vách đá dựng đứng. Nhìn từ xa, những ngôi nhà của người dân nơi đây như một bức tranh điêu khắc tuyệt đẹp trên nền đá sa thạch.

Từ bị cô lập và tách ra khỏi thế giới văn minh nằm trọn vẹn trên cao nguyên đá hẻo lánh, nhưng xã hội, kiến trúc nhà cửa và cuộc sống tinh thần ở đây vẫn phát triển một cách độc đáo. Họ xây dựng những ngôi nhà ở những vị trí mà người khác khó có thể tiếp cận và nguy hiểm.

Nhiều khách du lịch đến đây tự hỏi tại sao người Dogon phải xây dựng ở những vị trí chênh vênh, cao chót vót như thế và làm cách nào mà họ làm được điều đó. Nhà của người Dogon được xây đắp bằng một loại bùn đặc quánh.

Chúng có kiến trúc rất độc đáo với mái lá, nhìn như những túp lều tranh mọc san sát nhấp nhô trên các vách đá sa thạch. Khu chôn cất người ngay trên các vách đá nhưng nằm ở vị trí cao hơn nhà, ở đó có bậc thang đi lên. Các khu chôn cất người chết của bộ tộc này đang được đề nghị công nhận là di sản văn hóa thế giới bởi ý nghĩa văn hóa chứa đựng ở đó.

Không chỉ độc đáo bởi những ngôi làng có kiến trúc nhà vắt vẻo trên vách đá, mà văn hóa tinh thần của bộ tộc Dogon qua vũ điệu truyền thống với những chiếc mặt nạ gỗ cũng vô cùng ấn tượng và kỳ bí. Những chiếc mặt nạ thể hiện khát vọng kết nối người Dogon với bầu trời, nơi mà họ tin rằng thế giới bên kia tồn tại và trái đất nơi mang lại sự sống, thức ăn và chỗ ở cho con người.

Mặt nạ được đục đẽo từ cành của một thân cây to được thiết kế có một đường thẳng để chỉ sự kết nối ánh mặt trời với trái đất. Mặt nạ hình chữ nhật, mũi thẳng, mắt hình tam giác, hai chiếc sừng dài. Riêng mặt nạ của người Dogon có đến 78 loại khác nhau. Chiếc mặt nạ không thể thiếu trong các lễ hội đầy màu sắc ở vùng đá sa thạch này. Nghi lễ nổi tiếng nhất phải kể đến lễ hội Singui, 60 năm mới diễn ra một lần.

Người Dogon tổ chức lễ hội quan trọng này để tưởng nhớ và biết ơn nguồn gốc tổ tiên của mình. Trong đó có một loại mặt nạ quan trọng không thể thiếu trong những lễ hội và lễ tang của một người trong làng, nó giống như một con rắn và sau khi đeo vào người mang nó có thể cao đến 10m.

Ngoài ra, người Dogon đeo những chiếc mặt nạ nhảy múa trong nhà có người chết, bởi họ tin rằng linh hồn sẽ rời khỏi cơ thể để tìm kiếm một thân thể khác nhập vào. Do đó, những người đeo mặt nạ lôi kéo linh hồn của người chết nhập vào.

Những bí ẩn sau chiếc mặt nạ truyền thống

Ngoài ra, những chiếc mặt nạ được trang trí sặc sỡ và đáng sợ trong những lễ hội truyền thống diễn ra hàng năm và trong những nghi lễ liên quan đến nông nghiệp như cầu mưa, cầu cho mùa màng bội thu. Đặc biệt, kết thúc mùa lễ hội, nghi lễ thì những chiếc mặt nạ sẽ được bảo quản và cất giữ cẩn thận trên những hang động nằm tít cao trên vách đá.

Trong số các bộ tộc tại lục địa đen (tên gọi khác của châu Phi), bộ tộc Dogon được đánh giá là gìn giữ và phát triển một nền kiến trúc điêu khắc lâu đời nhất thế giới. Trong nhiều thế kỷ, họ đã tạo ra những tác phẩm điêu khắc gỗ trừu tượng và rất độc đáo. Có những tác phẩm có niên đại lên đến 1.500 năm tuổi.

Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa trên thế giới, những tác phẩm của người Dogon chủ yếu cho mục đích tôn giáo và có ý nghĩa tâm linh. Hầu hết trong số họ theo một tôn giáo có liên quan đến niềm tin vào đấng siêu nhiên nào đó và thờ cúng tổ tiên. 

 Hiểu biết thiên văn đến kinh ngạc

Nhiều nhà nhân chủng học khi nghiên cứu và tìm hiểu bộ tộc Dogon đã chỉ ra rằng, từ xa xưa người Dogon đã có những hiểu biết đến kỳ lạ về thiên văn, vũ trụ. Xét về trình độ văn hóa, bộ tộc Dogon không có gì nổi trội hơn so với những bộ tộc láng giềng.

Dù không có kính viễn vọng, nhưng người Dogon lại được truyền dạy từ đời này qua đời khác theo những bức họa có hình thù kỳ dị trên những vách đá, chính điều này đã hé mở vì sao người Dogon lại có khả năng phi thường về vũ trụ như vậy. Nhờ những hình thù trên vách đá mà người Dogon đã phát hiện ra sao Thiên Lang, ngôi sao sáng nhất trên bầu trời.

Và quanh ngôi sao này còn có một ngôi sao nhỏ hơn, có thể quan sát bằng mắt thường. Một cuốn sách đã tiết lộ vì sao người Dogon có thể biết rõ về vũ trụ như thế, bởi cách đây khoảng 5 nghìn năm, các sinh vật từ sao Thiên Lang đã đến thăm bộ tộc Dogon và dạy cho thổ dân Dogon những kiến thức về vũ trụ.

Giả thuyết khác cho rằng, người Dogon vẫn còn vách đá đánh dấu hướng của ngôi sao Thiên Lang và mặt trời mọc hay từ vị trí một cái hang bí mật nào đó của người Dogon có thể quan sát thấy sao Thiên Lang.  

Theo Nguoiduatin

Các tin cũ hơn